Bệnh nhân gặp họa vì bác sĩ “không biết sợ”

Chia sẻ

Hàng loạt sự cố nghiêm trọng do phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra trong thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về sự mất an toàn tại các cơ sở thẩm mỹ trên cả nước.

 
Bệnh nhân gặp họa vì bác sĩ “không biết sợ” - ảnh 1
Bệnh nhi 13 tuổi đang điều trị biến chứng do tiêm filler tại bệnh viện Da liễu TƯ
Ảnh: T.H

 
Có thể kể tới 2 trường hợp tử vong là: nữ bệnh nhân T (33 tuổi), tử vong ngày 17/10 sau 5 tiếng thực hiện phẫu thuật đặt túi nâng ngực tại bệnh viện thẩm mỹ Emcas (quận 10, TP.HCM); và một bệnh nhân nữ (59 tuổi), tử vong sau 3 ngày cấp cứu điều trị biến chứng sau phẫu thuật căng da mặt tại bệnh viện Kangnam (TP.HCM, ngày 14/10). Đầu tháng 10, BV Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng cấp cứu cho 2 trường hợp bị ngất xỉu, co giật sau khi nâng ngực bằng cấy mỡ tự thân, hút mỡ và cắt da thừa vùng bụng tại một thẩm mỹ viện có trụ sở ở phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sáng 28/10, BV Nhân dân Gia định (TP.HCM) cũng cấp cứu cho một phụ nữ 65 tuổi bị hôn mê, suy hô hấp sau khi xăm chân mày làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân. 
 
Theo TS. BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (BV Da liễu T.Ư): “Để đảm bảo an toàn cho khách hàng PTTM, bác sĩ phải được đào tạo bài bản, tư vấn kỹ cho khách hàng các nguy cơ, thậm chí phải “ngăn chặn” những khách hàng muốn làm đẹp một cách quá đà, nguy hiểm. Đối với những ca phức tạp, các thủ thuật can thiệp lớn, xâm lấn diện rộng, bắt buộc bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phải thực hiện tại bệnh viện, nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như: phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, hồi sức, trực cấp cứu 24/24h, chăm sóc hậu phẫu… để tránh rủi ro cho khách hàng”. Nhưng trên thực tế, những năm gần đây, các trường hợp tai biến hoặc tử vong đều xảy ra ở phòng khám chuyên khoa, bệnh viện thẩm mỹ tư không đủ điều kiện gây mê, hồi sức, cấp cứu; và xuất phát từ việc người thực hiện không đúng kỹ thuật (do không phải bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, bài bản), “không biết sợ” những hậu quả mà khách hàng có thể gánh chịu... Đơn cử trường hợp bé gái 13 tuổi (trú tại Yên Bái), phải nhập viện điều trị ngày 21/10 trong tình trạng mất hoàn toàn thị lực mắt phải, tổn thương ban xuất huyết và sưng nề vùng gốc mũi, trán, kèm theo đau nhức… do biến chứng tắc mạch sau khi tiêm filler nâng mũi. “Trong khi đó, với bệnh nhi 13 tuổi như trường hợp nói trên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện đầy đủ, không nên can thiệp thẩm mỹ nhưng bác sĩ vẫn… cố làm” - BS Hà khuyến cáo.
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Da liễu TƯ cho hay: PTTM vốn chỉ làm ngoài da chứ không đi sâu vào nội tạng. Nhưng chỉ cần kỹ thuật viên sơ suất, động chạm, làm tổn thương những tổ chức xung quanh như: mạch máu, thần kinh... có thể gây chảy máu ồ ạt, thậm chí đe dọa tính mạng của người làm PTTM. Nếu bác sĩ không tuân thủ các bước thăm khám trước khi tiến hành PTTM, không biết bệnh nhân bị tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường… cũng sẽ ảnh hưởng tới việc phẫu thuật. Tại BV Da liễu TƯ, hầu như ngày nào cũng có trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng nề do tiêm chất làm đầy, chăm sóc da chuyên sâu… tới điều trị.
 
Chưa kể, Điều 24 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định: Để được cấp chứng chỉ hành nghề định hướng chuyên khoa (trong đó có chứng chỉ hành nghề PTTM), bác sĩ phải qua thời gian 18 tháng thực hành tại bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh… Tuy nhiên,  PGS.TS Lê Hành - Chủ tịch Hội PTTM tạo hình TP Hồ Chí Minh cho biết: Học định hướng chuyên khoa 18 tháng thì người học mới chỉ biết về ngành, khó có thể thể kinh qua để có kinh nghiệm xử lý PTTM ở tất cả các vùng trên cơ thể con người. 
 
Bên cạnh đó, từ trước tới nay, chúng ta không có văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa. Hoạt động này hầu hết do các trường đại học Y Dược, các bệnh viện tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người học và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nên chưa có chuẩn năng lực chung để bảo đảm chất lượng đào tạo. Do đó, bên cạnh sự cẩn trọng của người bệnh trong việc chọn cơ sở khám chữa bệnh, để hoạt động PTTM đi vào hoạt động hiệu quả, an toàn, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có quy trình chặt chẽ từ cấp phép tới quản lý hành nghề, đặc biệt với bác sĩ PTTM.
 
Yên Hưng  
 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.