Còn lúng túng trong xử lý sự cố

Chia sẻ

Ngày 4/11, Thường trực HĐND TP đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hà Nội.

Còn lúng túng trong xử lý sự cố - ảnh 1
Đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường 
và an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

 
Người dân chưa yên tâm về chất lượng thực phẩm
 
Với TP lớn có gần 10 triệu dân, hàng năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch trong và ngoài nước, ATTP là vấn đề được TP đặc biệt quan tâm. Năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ATTP trong tình hình mới trên địa bàn TP. Tại các Kỳ họp thứ 3, thứ 4 HĐND TP khóa 15, vấn đề này được Thường trực HĐND TP lựa chọn để chất vấn.
 
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thành ủy, nhận thức của các cấp đã có nhiều thay đổi, góp phần làm chuyển biến công tác bảo đảm ATTP. TP đã xây dựng, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như vùng trồng rau an toàn có diện tích hơn 5.000ha, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với hơn 3.800 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đã có 135 chuỗi liên kết ATTP được hình thành, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tham gia; 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể được xây dựng như gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Ðình, nhãn Ðại Thành, gạo thơm Bối Khê… Thực phẩm và rau xanh có kiểm soát; người dân có địa chỉ cụ thể để an tâm mua sắm; người sản xuất có cơ hội gia tăng thu nhập. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tăng mạnh với 70.000 cơ sở, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm.
 
Tuy nhiên, hiện việc sản xuất thực phẩm của TP mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Theo đánh giá của Thường trực HĐND TP, việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc thực phẩm chưa triệt để khiến người dân chưa thực sự an tâm sử dụng, nhất là thực phẩm mua tại các chợ tạm, chợ cóc; việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm, không thu hút được các nhà đầu tư; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong các khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh thú y, gây mất vệ sinh môi trường, ATTP, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh… Ngoài ra, 15 lượt đại biểu đặt câu hỏi trong phiên giải trình đã làm rõ hơn những bất cập, tồn tại trên. Đó là việc đảm bảo ATTP tại 4.534 bếp ăn tập thể, tại các trường bán trú, mầm non, tiểu học; 165 bếp ăn tập thể ở 9 khu công nghiệp, hàng ngày cung cấp 68.000 suất ăn (tự nấu chiếm khoảng 20% và thuê nhà thầu nấu chiếm khoảng 80%) khi vẫn còn một số cơ sở không đảm bảo điều kiện, xuống cấp, kho bãi không gọn gàng, truy xuất nguồn gốc chưa đảm bảo; tình trạng các sản phẩm quá hạn bán tại các siêu thị; chất lượng nước đóng chai chưa đảm bảo, một số nơi còn dùng giếng khoan… 
 
Đồng bộ nhiều giải pháp của UBND TP
 
Tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã phát biểu, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu HĐND TP nêu ra. Khẳng định thời gian qua, Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND TP chỉ ra một số khó khăn trong việc thực hiện. 
 
Cụ thể, việc đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung còn chậm, theo Chủ tịch UBND TP, một phần do nhận thức của các hộ giết mổ khó thay đổi; lợi nhuận mà họ thu được lớn do tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành và cung ứng ra thị trường nhanh hơn. Trong khi đó, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khi đưa các hộ vào các khu giết mổ tập trung còn bất cập. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng các khu giết mổ tập trung hiện đại cũng khó khăn, mấu chốt lớn nhất là liên quan tới thủ tục đất đai khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà.
 
Về giải pháp ứng phó khi xảy ra các sự cố về mất ATTP, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đã xây dựng các quy trình, quy chế, phân công trách nhiệm rất rõ ràng với phương châm 4 tại chỗ và có phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của trung ương trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, khi xảy ra sự cố vẫn còn hiện tượng vào cuộc chậm, xử lý lúng túng. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ: vẫn có hiện tượng cán bộ tuyến dưới giấu giếm; khi người dân, các cơ quan báo chí phản ánh thì mới báo cáo nên vào cuộc không kịp thời. Nhắc lại sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là nhà máy đầu tiên cung cấp nước cho TP được xây dựng ở tỉnh ngoài nhưng chưa có hệ thống quan trắc tự động nguồn nước vào; chưa thông báo sự cố kịp thời. Cùng với việc yêu cầu công ty khắc phục tồn tại “TP sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc để có những ứng phó kịp thời hơn với những sự cố tương tự” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường thanh kiểm tra ATTP, đặc biệt là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau củ quả; siết chặt quản lý nguồn gốc các chất bảo quản; nâng cao kỹ năng kiểm tra chất lượng ATTP cho các cán bộ phường; khuyến khích các DN, các chuỗi cung ứng sản xuất liên hoàn; tiếp tục tổ chức diễn tập các sự cố về ATTP, đặc biệt là ở trường học, khu công nghiệp... TP đang đề xuất Chính phủ sớm cho lấy nguồn đầu tư công để sửa chữa các chợ an sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, đảm bảo ATTP; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về trang thiết bị… 
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Từ lâu, Đông Trùng Hạ Thảo đã được y học Trung Hoa sử dụng như một loại thần dược chữa bách bệnh nhờ dược chất Cordycepin quý giá của nó. Hàm lượng Cordycepin trong Đông trùng hạ thảo rất dồi dào cũng đồng nghĩa với việc loại dược liệu này đem lại nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, những người lao động (LĐ) rời các thành phố về quê gây thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất đã khiến vấn đề an cư cho công nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động diễn ra trong tháng 5 là thời điểm các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp chung tay cùng tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Sạch ngày 29/4 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội và Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức hội nghị tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ về “Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19 với Nông Nghiệp Sạch” tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị - Quận ủy Cầu Giấy.