Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo quy định

Chia sẻ

Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban TG Thành ủy HN tổ chức, UBND TP Hà Nội thông tin về giá nước sạch sông Đuống và việc kiểm soát chất lượng nước, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Võ Tuấn Anh, Nhà máy nước sạch sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có tổng diện tích 65ha, mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm, đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng. Dự án do nhà đầu tư tư nhân thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách, sử dụng công nghệ tiên tiến, chất lượng nước có thể uống được nước tại vòi. Dự án được khởi công từ tháng 3 năm 2017, đến tháng 10 năm 2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, vượt tiến độ 1 năm. Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động bổ sung nguồn nước sạch sinh hoạt cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam thành phố như khu vực quận Hai Bà Trưng. Dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
 
Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo quy định - ảnh 1
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà thông tin tại cuộc họp giao ban

  
TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào
Về vấn đề liên quan đến giá nước sạch, đã có nhiều ý kiến thắc mắc về việc giá nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao hơn nguồn nước từ các nhà máy khác? Lý do Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch cho Nhà máy nước mặt sông Đuống? Phải chăng Hà Nội đang ưu ái Nhà máy nước sạch sông Đuống?
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan. Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính. Cụ thể, theo phương án phê duyệt giá bán tạm tính đối với nước sạch sông Đuống tại văn bản số 3310/UBND-KT, Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án này. Giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
 
Việc ký kết thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án, trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, TP đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch. Tại thời điểm đó, giá là tạm tính và là tối đa. Giám đốc Sở Tài chính Vũ Việt Hà nhấn mạnh: mức giá 10.246 đồng là mức giá tạm tính tối đa để  phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước  trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án  đầu tư, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ. 
 
Sau khi được TP chấp thuận, Sở Xây dựng đã thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước với công ty CP nước mặt sông Đuống theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Căn cứ xác định giá nước dựa theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP phải tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối nước sạch để đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật được cơ quan thẩm quyền công bố. 
 
Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính, TP quyết định chỉ có một mức giá chung tiêu thụ nước sạch bán cho người sử dụng; giá bán buôn của đơn vị cấp nguồn cho đơn vị bán lẻ theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các đơn vị. Giá này phụ thuộc vào chi phí của đơn vị sản xuất nước và chi phí lưu thông của đơn vị bán lẻ. TP không quy định giá cụ thể, trường hợp đơn vị sản xuất bán buôn nước và đơn vị bán lẻ không thỏa thuận được với nhau thì Sở Tài chính sẽ tổ chức hiệp thương. Sở Tài chính Hà Nội cho biết đã tổ chức hiệp thương thông qua mức giá bán buôn tạm tính 7.700 đồng/m3. Thời gian tới sau quyết toán, sẽ có kiểm toán để xác định chi phí chính thức, từ đó mới xác định giá bán chính thức của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
 
Đề cập đến việc giá bán nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn, theo ông Nguyễn Việt Hà, Nhà máy nước sông Đà đưa vào khai thác 2009 chi phí đầu tư 1.555 tỷ đồng nhưng Nhà máy nước mặt sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỷ đồng. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch của mỗi nhà máy khác nhau nên chi phí sản xuất cũng khác nhau. Ngoài ra, Nhà máy nước mặt sống Đuống vay 3.998 tỷ đồng (tương đương 80% vốn đầu tư), chi phí lãi vay này phải tính vào giá nước, trong đó, ở giai đoạn đầu tư, chi phí lãi vay được tính vào vốn đầu tư dự án; ở giai đoạn sau đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước, chi phí lãi vay chiếm khoảng khoảng 20% giá thành nước sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3. Trong khi đó, công ty CP nước sạch sông Đà sau đầu tư không phải trả lãi vay nên có sự chênh lệch giá nước lớn giữa sông Đà với sông Đuống. Chưa kể, khấu hao tài sản cố định, tổng mức đầu tư hai nhà máy khác nhau nên phân bổ chi phí khấu hao cũng khác nhau; chi phí xử lý bùn thải Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng lớn hơn Nhà máy nước sông Đà; chất lượng nguồn nước thô khác nhau, hao phí khác nhau, chi phí vật tư hóa chất xử lý nước sạch cũng khác nhau nên giá bán nước Nhà máy nước mặt sông Đuống cao hơn Nhà máy nước sông Đà rất nhiều. Trách nhiệm Sở Tài chính là thẩm định giá, tính đúng, tính đủ bảo đảm quyền lợi người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. 
 
TP kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt 
Về các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho hay, sau sự cố nước sạch nhiễm dầu thải của công ty CP nước sạch sông Đà, để tăng cường kiểm soát an ninh nguồn nước, TP đã ban hành quy hoạch về cấp nước an toàn, trong đó có quy hoạch, buộc các nhà đầu tư phải kiểm soát về lưu lượng, chất lượng nước. TP sẽ giám sát chất lượng nước cung cấp đến khách hàng. Cùng với đó, Hà Nội cũng yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các tác động gây ảnh hưởng tới nguồn nước tới nhà máy. 
 
Phó Chánh Văn phòng UBND TP Võ Tuấn Anh khẳng định, Hà Nội không nắm cổ phần chi phối với dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống mà kiểm soát chất lượng, kiểm soát trước, trong và sau đầu tư, đặc biệt kiểm soát chất lượng nước đầu ra, phải đạt trên mức quy chuẩn tối thiểu theo Quy chuẩn Việt Nam, của Bộ Y tế lúc đấy mới được đưa ra sử dụng. Quá trình thực hiện hiện nay Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế và Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, chỉ khi nào đạt tiêu chuẩn, có báo cáo chất lượng thì nước mởi chảy tiếp. 
 
Đức Hạnh
 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.