Đáp ứng nhu cầu thực tế

Chia sẻ

Thí điểm không tổ chức HĐND phường - một trong những nội dung của Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị được TP Hà Nội xây dựng.

 
 
Đáp ứng nhu cầu thực tế  - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội

Giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực quản lý
 
Trao đổi về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội, đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP cho biết: Bộ máy chính quyền của TP hiện nay đang thực hiện với đầy đủ 3 cấp trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống tập trung và mật độ cao nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng nấc, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định, điều hành của UBND TP, các quận, huyện, thị đối với cơ quan cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Việc thực hiện đề án chính quyền đô thị theo mô hình chính quyền 2 cấp ở nội thành, nội thị và 3 cấp tại nông thôn (huyện), đồng thời đổi mới các cơ quan chuyên môn của TP và quận phù hợp với tính chất đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa TP với các cơ quan chuyên môn và UBND quận, thị là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) tán thành với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, đây là một bước thể chế hóa Kết luận số 46 của Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội” và thực hiện Nghị quyết số 18 BCH Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 có 2 điều quy định về chính quyền và cấp chính quyền; trong đó, điều 111 quy định cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điểm b, Khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có điều luật hoặc chưa có những quy định của luật hiện hành. Do đó, việc thực hiện thí điểm là hợp lý. 
 
Ở góc độ khác, theo đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh, huyện và xã) tồn tại trên 70 năm. Qua thời gian, nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến bộ máy, chức năng của Nhà nước đã thu hẹp và thay đổi rất nhiều. Hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đảm nhận cung cấp nhiều loại dịch vụ công thay cho Nhà nước. Bên cạnh đó, tại đô thị, tính tập trung cao và đa dạng về nguồn lực, ranh giới địa lý hành chính không có nhiều ý nghĩa khi các dịch vụ công được tổ chức ở quy mô TP... Vì vậy, một số chức năng, nhiệm vụ của chính quyền phường không còn phù hợp trong khi “tổ chức cấp chính quyền phường tạo nên bộ máy cồng kềnh, làm chậm quá trình tổ chức, triển khai các chủ trương, chính sách, làm lãng phí nguồn lực” – đại biểu Nguyễn Văn Hùng cho biết. 
Quyền lợi, đại diện của người dân được đảm bảo
 
Nhắc lại việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã thực hiện tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành trong cả nước, đại biểu Phan Thị Bình Thuận (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết: Theo báo cáo của Chính phủ kết quả điều tra, thăm dò dư luận tại những nơi thực hiện thí điểm, người dân đánh giá quyền đại diện vẫn được bảo đảm. Khoảng 53% trong số người dân khi được hỏi đều cho biết, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân; 55% - 61% người được hỏi đánh giá về tính ổn định, tinh gọn của bộ máy, tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành ở nơi thực hiện thí điểm có chiều hướng tốt hơn.
 
Với dự thảo Nghị quyết, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo quyền của người dân khi không tổ chức HĐND phường, phải tiếp tục nâng cao vai trò, đề cao trách nhiệm giám sát, công tác giám sát, kiểm tra của cấp ủy và công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. “Tôi nghĩ Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên có một văn bản hướng dẫn cụ thể với công tác giám sát, phản biện ở những nơi không tổ chức HĐND phường để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong công tác giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến.
 
Còn theo đại biểu Phùng Văn Hùng, khi không tổ chức HĐND phường, bộ máy hành chính ở phường sẽ do quận, thị xã thiết lập. Quyền lợi, đại diện cho người dân vẫn được đảm bảo bởi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND quận, thị xã. Không chỉ thực hiện thí điểm ở Hà Nội, cần tiến tới nghiên cứu tổ chức lại một cách toàn diện hệ thống đơn vị hành chính trên toàn quốc để khắc phục tình trạng manh mún nguồn lực về con người, tài nguyên và cát cứ địa phương làm đất nước khó phát triển.
 
Đức Hạnh
 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.