Những nhà nông thế hệ mới

Chia sẻ

Vùng ngoại thành Hà Nội sau 10 năm xây dựng nông thôn mới đã trở thành những miền quê văn minh, trù phú và đáng sống. Sản xuất nông nghiệp - công việc lâu nay vốn được xem là “chân lấm tay bùn” đang có sức hấp dẫn, lôi cuốn nhà nông, nhất là những ng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng bưởi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng bưởi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. (Ảnh: P.V)

Ước mơ hoa của kỹ sư cơ khí

Nguyễn Xuân Trường sinh ra và lớn lên ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh - thủ phủ hoa lớn nhất miền Bắc. Thi đỗ đại học chuyên ngành cơ khí, Nguyễn Xuân Trường mang theo ước mơ trở thành kỹ sư, thoát ly khỏi đồng ruộng với nghề nông “đầu tắt mặt tối”. Cầm tấm bằng cử nhân, chàng trai sinh năm 1987 nhanh chóng tìm kiếm công việc phù hợp. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm, Trường bỏ nghề, về quê…

“Hàng nghìn luống cây ở quê tôi không ra hoa, rũ xuống và đổ rạp mà không rõ nguyên nhân. Đó là năm 2009, người trồng hoa ở Mê Linh trắng tay, bà con nông dân thất thần, lo lắng, bao nhiêu vốn liếng đầu tư mà không cách gì cứu vãn. Hộ thiệt hại ít thì mất 20 triệu, hộ nhiều mất đến 200 triệu đồng. Cuộc sống, thu nhập của cả gia đình trông vào cánh đồng hoa mà nhìn ruộng hoang tàn, nhiều người lặng lẽ gạt nước mắt…” - Nguyễn Xuân Trường nhớ lại.

Vạch từng thân cây, bới đất… Trường nhận thấy, suốt 20 năm trồng hoa, bà con chỉ làm theo kỹ thuật cũ, lạc hậu, canh tác duy nhất một loại hoa cùng với việc sử dụng phân bón hóa học lâu ngày khiến đất bị chai lì, độ PH thấp khiến sâu bệnh trên cây nhiều hơn và kháng thuốc nên hoành hành dữ dội. Đây chính là nguyên nhân khiến cây trồng đến đâu chết đến đó. Nguyễn Xuân Trường cho biết: Không có cách nào khác, nhà nông buộc phải thay đổi phương thức canh tác và giống cây. Trong đó, việc thay đổi phương thức canh tác dễ thực hiện hơn. Sau 2-3 vụ trồng hoa (mỗi vụ 2-3 tháng) là luân phiên trồng 1 vụ lúa, hoa màu, rồi mới quay lại trồng hoa. Việc khó chính là thay đổi giống cây. Trường đầu tư hàng trăm triệu đồng, cất công mua cây giống từ các vùng hoa trong và ngoài nước nhưng đều cho năng suất thấp, hiệu quả không cao.

Đủ thứ khó, chàng trai trẻ khi đó đã nghĩ đến việc tự sản xuất giống. Song, với một người được đào tạo để cầm búa, cầm kìm thì sản xuất giống là chuyện… không tưởng. Ý tưởng tốt đẹp này chỉ được biến thành hiện thực khi Trường, với sự cầu thị và nỗ lực, đã chủ động tìm đến một số nhà khoa học đề nghị hợp tác, cùng xây dựng phòng nghiên cứu mô tế bào thực vật. Kết quả của cái bắt tay này là sự ra đời của phòng mô rộng 220m2 trên xã Đại Thịnh. Căn phòng vô trùng ấy là một thế giới khác hẳn với những mảnh ruộng đầy bụi đất và những bàn tay cuốc, tay cày. Phòng mô được trang bị đầy đủ thiết bị như tủ cấy vi sinh, hệ thống chiếu sáng, trang thiết bị đầu tư, pha chế... nhiệt độ luôn cố định, có thiết bị theo dõi 24/24 giờ trong ngày… 10 kỹ sư thường xuyên làm việc tại phòng mô chuyên nghiệp và không cho phép công việc có sai số nào.

Trong khi các kỹ sư tập trung phát triển giống trong phòng mô thì ở ngoài đồng, trong môi trường tự nhiên, anh Nguyễn Xuân Trường liên tục đánh giá và thử nghiệm cây giống ứng dụng. Sau mỗi mẫu giống đưa ra từ phòng mô, hơn 40 nông dân đã trồng thành công hàng triệu cây hoa cúc tại 2 trang trại với 3ha ở Mê Linh và 4ha ở huyện Sóc Sơn của gia đình Trường. Trải qua 4 mùa xuân, hạ, thu đông, trong hơn 2 năm dài miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, đầu năm 2014 thành quả lao động của các nhà khoa học, kỹ sư, sự bền bỉ của Trường và những người nông dân đã cho hoa thơm: Một ngân hàng phôi hoàn chỉnh có thể xuất ra hàng chục triệu cây giống các loại. Những cây giống được tách ra nhiều cây giống khác để bán ra thị trường miền Bắc; hoặc tạo ra thành phẩm là những bông hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền… phục vụ nhu cầu của người dân trong nước và xuất khẩu.

Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, ưu điểm nổi trội của giống hoa được nhân từ phòng cấy mô là hiệu quả kinh tế, sản lượng cao hơn so với cây giống thông thường mà lại ít sâu bệnh và thân thiện với môi trường. Trên cùng một diện tích, trồng giống hoa chất lượng cao giảm từ 30 - 50% lượng phân bón và thuốc sử dụng. Vì vậy, giống hoa chất lượng cao được nhân từ phòng cấy mô được bà con ưa thích và đón nhận.

Cho đến nay, tại mảnh đất hoa Mê Linh, đây vẫn là mô hình đầu tiên và duy nhất được thực hiện theo phương thức nuôi cấy mô hiện đại. Cơ sở sản xuất giống và trồng hoa của Trường đang thu hút 7 kỹ sư làm việc cùng khoảng 100 lao động, trong đó 1/2 là lao động thường xuyên, 12 người có trình độ đại học, cao đẳng với mức lương từ 5-8 triệu đồng/tháng. Trong năm 2018, sản lượng cây giống bán ra cho thị trường trong và ngoài nước của cơ sở khoảng 70 triệu cây, doanh thu đạt 7 tỷ đồng. Năm 2019, Trường đã nhận được đơn đặt hàng hơn 20.000 bông hoa cúc xuất sang thị trường rất “khó tính” là Nhật Bản với những đòi hỏi rất khắt khe như hoa phải tươi mới, không có chất bảo quản, hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học và kích thích sinh trưởng.

Từ những thành công trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Nguyễn Xuân Trường dự kiến mở rộng cơ sở thành Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt và trong chăn nuôi, góp phần cùng những nhà nông khác phát triển bứt phá nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trái ngọt trên đất cằn

Phùng Văn Hà - chủ vườn bưởi hơn 13ha ở thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thuộc thế hệ 8x. Gia đình Hà nhiều đời nay sống bằng nghề nông nhưng thu nhập không ổn định, thấp và bấp bênh. Đặc biệt, thôn Núi Bé có địa hình dốc, đến mùa mưa, nước từ trên đồi núi xối xuống rửa trôi lớp đất màu khiến nhiều diện tích canh tác trở nên cằn cỗi, khó có cây trồng nào có thể phát triển, ngoài một số cây hiệu quả kinh tế thấp như ngô, sắn. Cái nghèo, cái khó luẩn quẩn, không ít thanh niên rời quê, bỏ ruộng lên thành phố kiếm việc làm.

Sự phát triển của nông nghiệp thông minh là đòi hỏi tất yếu đối với nông nghiệp thế giớiSự phát triển của nông nghiệp thông minh là đòi hỏi tất yếu đối với nông nghiệp thế giới (Ảnh: Int)

Anh Nguyễn Xuân Trường tại phòng nuôi cấy mô tế bào thực vậtAnh Nguyễn Xuân Trường tại phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật (Ảnh: Dung Nhi)

Xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được thực hiện ở Nam Phương Tiến, trong đó có việc đưa cây bưởi Diễn về trồng trên đất cằn. Phùng Văn Hà chia sẻ: Quyết định đó quả là táo bạo bởi bưởi Diễn là cây trồng khó tính, lâu nay mặc định chỉ cho quả chất lượng cao khi trồng trên đất Diễn, sang đất ở vùng khác sẽ mất chất. Nhiều người khó tin loại quả đặc sản này có thể phát triển, ra hoa, đậu quả ở Nam Phương Tiến. Dù có đôi chút e ngại nhưng tuổi trẻ với sự xông pha và dấn thân, Phùng Văn Hà mạnh dạn trồng thử nghiệm bưởi Diễn. Những năm đầu, cây bưởi vẫn ra hoa, đậu quả nhưng chất lượng và hiệu quả chưa như mong muốn; quả tuy to nhưng mã chưa đẹp, tép khô và nhạt.

“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, nhà nông Phùng Văn Hà không nản trí trước thất bại ban đầu mà nỗ lực học hỏi, chịu khó đầu tư, không chỉ vốn liếng mà cả thời gian, công sức và… ý chí quyết tâm để cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng. Cách làm của Hà là tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp kết hợp với kinh nghiệm cha ông truyền lại. Nhu cầu tiêu dùng bưởi Diễn của người tiêu dùng lớn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán nên đây có thể xem là cây xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bưởi Diễn là cây khó tính, cần sự kiên nhẫn và sự chăm chút tỉ mỉ của nhà nông trong tất cả các khâu canh tác. Không lạm dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, trong vườn nhà mình, Hà nuôi giun và vi sinh vật có lợi để làm tơi xốp đất; dùng chế phẩm sinh học, bẫy sinh học và các biện pháp tự nhiên để phòng trừ bệnh. Ngoài cây giống tốt nhập từ đất Diễn, để tăng khả năng đậu quả và ra trái, Phùng Văn Hà thực hiện thụ phấn chéo cho cây bằng cách trồng xen trong vườn một số giống bưởi khác.

Dẫn chúng tôi đi trên những vườn bưởi xanh mướt đang ở tuổi lớn, Phùng Văn Hà tâm sự, làm nông thời nay cần sự nghiêm túc và chuyên nghiệp mới thành công; tuyệt đối không chủ quan, không bỏ qua bất cứ khâu nào để đảm bảo cây bưởi cho năng suất quả ổn định. Đặc biệt là khi nhà vườn đang hướng đến việc canh tác theo tiêu chuẩn cao, từ tiêu chuẩn VietGAP hiện có lên tiêu chuẩn hữu cơ rất khắt khe. Chỉ về phía cành có lá héo, Hà nói, chi tiết nhỏ đó không thể bỏ qua, nhất là trong mùa mưa bão. Cành khô, lá héo gặp thời tiết ẩm thấp dễ phát sinh nấm bệnh có hại. Nếu không cắt kịp thời, các cành này có thể cọ xát vào quả, làm quả bị xước, sâu bệnh xâm nhập khiến quả có thể bị hỏng. Hay, việc tỉa cành cũng vậy, thường quả trong thân cho chất lượng tốt nhưng bưởi Diễn quả đầu cành mới ngon nên việc tỉa cành chọn cành phải chọn lọc cành hướng sáng, cho năng suất kém; bỏ quả lép để dành dinh dưỡng tập trung nuôi quả...

“Thất bại là mẹ thành công”, vườn bưởi với sự đầu tư chăm chút của nhà nông Phùng Văn Hà đã cho thu hái những trái ngọt, quả thơm. Mỗi năm, vườn bưởi cho thu hoạch 15.000 - 17.000 quả chất lượng cao, có độ ngọt đậm. Bưởi Diễn Nam Phương Tiến đã trở thành thương hiệu nên việc tiêu thụ của nhà nông dễ dàng; nhiều siêu thị, cửa hàng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Cùng với những hộ nông dân khác có chung mục đích, từ năm 2016, Phùng Văn Hà đã thành lập Hợp tác xã Núi Bé chuyên cung cấp bưởi Diễn chất lượng cao. Tập hợp, liên kết nhau để cùng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm là hướng làm ăn chắc chắn, bền vững và hiệu quả của nhà nông thời hiện đại, góp phần khắc phục tình trạng làm ăn manh mún, lạc hậu đã từng tồn tại nhiều năm trước đó. Có giá bán tại vườn trung bình khoảng 25.000 đồng/quả, sau khi trừ các khoản chi phí, những gia đình trồng bưởi Diễn có thể thu về lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ - khoản thu nhập từ nông nghiệp mà ít ai nghĩ được.

Làm giàu từ nghề nông

Nam Phương Tiến đã không còn là vùng quê nghèo, cát sỏi đã bị khuất phục trước ý chí, sự quyết tâm của nhà nông. Dù vẫn còn có những trăn trở trong phát triển nông nghiệp nhưng người dân Nam Phương Tiến, nhất là thế hệ nông dân mới, có sức trẻ và mạnh dạn như Phùng Văn Hà giờ đây đã có thể nghĩ đến việc phát huy hơn nữa giá trị của đất, làm giàu chính đáng, tiếp cận với những tiện nghi cuộc sống. Đặc biệt là khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ để chủ động phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong cơ ngơi khang trang được xây dựng từ công sức lao động trên đồng ruộng, Phùng Văn Hà hào hứng trao đổi về những dự định sắp tới trong công việc. Anh đang tiến xa hơn một bước trong nghề nông bằng việc xây dựng khu vườn giống cây riêng. Từ những cây bưởi cho chất lượng cao, Hà đã chọn lọc và tạo vườn giống riêng cho HTX, góp phần chủ động nguồn cung và duy trì chất lượng sản phẩm.

Tại huyện Mê Linh - địa phương có số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất tại Hà Nội, đại diện phòng Kinh tế huyện cho biết: Cùng với sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, quá trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự ủng hộ, tham gia hưởng ứng nhiệt tình của nhà nông. Từ tâm lý ban đầu còn trông chờ, ỷ lại, đón nhận thành quả kinh tế mang lại sau quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều nhà nông đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Không riêng Mê Linh, tại nhiều địa phương đã xuất hiện lớp thanh niên trẻ, có kiến thức, trình độ, kỹ năng và khát khao làm giàu tham gia sản xuất nông nghiệp - công việc lâu nay được xem là “chân lấm tay bùn” - thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Lê Thiết Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội - một trong những người đã dành nhiều tâm huyết cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đánh giá: Nông thôn mới đã trở thành động lực để nhà nông thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, chính những nhà nông thời hiện đại là những hạt nhân tiên phong, gương mẫu tạo hiệu ứng và sự lan tỏa trong cộng đồng. Tâm lý lâu nay của nhà nông là cố gắng lao động chăm chỉ, dành nguồn lực nuôi con ăn học nên người, ở lại thành phố kiếm việc thì nay, có nhiều nhà nông trẻ có nền tảng kiến thức vững vàng, tốt nghiệp các trường đại học, quay trở về quê hương tạo lập sự nghiệp. Nông thôn giờ đây không chỉ là nơi nuôi dưỡng khát vọng làm giàu mà là mảnh đất ươm mầm cho những sáng kiến, sáng tạo khởi nghiệp, làm giàu. Mảnh đất quê hương không sinh sôi nảy nở được nhưng giá trị khai thác từ đất ngày càng hiệu quả bởi nhà nông vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Xây dựng nông thôn mới vì thế là quá trình chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc… Câu chuyện này đang được các thế hệ nhà nông viết tiếp.

Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 70 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.