Tâm Giao và chuyện “Cứu Tết” ngày xuân

Chia sẻ

Tết là khoảng thời gian đưa mọi người về đoàn tụ bên nhau nhưng đôi khi cũng khiến các thành viên gia đình ấm ức vì không có cùng tiếng nói trong việc đón Tết, sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết. Theo đó, chuyện gỡ rối để “cứu Tết” cho những khách hàng ngày x

Dâu đoảng sợ Tết

Tiếng là dâu trưởng nhưng vợ chồng cô công tác xa nhà, Tết mới về sum họp cùng gia đình chồng. Vợ chồng em trai thứ sống chung với bố mẹ chồng nên đến Tết là được phép về bên ngoại vui xuân, “nhường sân” lại cho cô những ngày Tết. Lẽ ra, đó là những ngày sum họp đầm ấm nhất với bố mẹ, người thân thì lại trở thành những ngày ám ảnh nhất đối với cô. Nguyên nhân chỉ vì cô là dâu đoảng nên việc chuẩn bị cỗ bàn đón Tết, bày biện tiếp khách trở thành một “cuộc chiến”.

Cô kể, những ngày vào bếp, vật lộn nấu nướng mệt mỏi cả ngày mà chẳng nhận được một lời khen, chỉ toàn lời trách mắng của bố mẹ chồng về việc con dâu chẳng tiến bộ chuyện bếp núc chút nào. Thêm vào đó, chồng chỉ mải vui nâng ly với khách đến chơi nhà, rồi say mềm chẳng phụ vợ, càng khiến cô thêm phần chán nản. Mẹ chồng là người cầu kỳ trong việc ăn uống ngày Tết. Bà dị ứng với đồ ăn sẵn nên món nào cũng phải nấu nướng mới yên tâm. Do đó, cô muốn mua thực phẩm Tết chế biến sẵn để “giải phóng” khỏi công việc bếp núc cũng không được. Bình thường, mẹ chồng chuẩn bị các món chủ đạo, con dâu làm các món phụ nhưng cô chẳng thể làm nổi. Với một người luôn bận rộn, chuyện bếp núc đều phải thuê giúp việc, cô hầu như chẳng vào bếp thì làm sao biết nấu nướng cho ngon, hợp khẩu vị của cả nhà. Đó là chưa kể, việc dọn dẹp, sắp xếp sao cho gọn gàng cũng chẳng hợp ý mẹ chồng nên thường bị mất điểm trước họ hàng, người thân của chồng. Tết với cô không còn là những ngày vui vẻ, đoàn viên mà trở nên mệt mỏi.

Năm nay, nghe bố mẹ chồng hỏi ngày về Tết mà lòng cô thấy buồn lo. Cô nảy ra ý định “trốn Tết” bằng việc bàn với chồng đi du lịch thay vì về quê, nhưng anh chẳng ủng hộ. Với anh về quê ăn Tết không chỉ là niềm vui mà còn là nghĩa vụ của con trưởng trong gia đình. Anh còn so sánh vợ với em dâu, bảo cô làm dâu mấy ngày Tết mà còn trốn chẳng bù cho em dâu thực hiện nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ cả năm chẳng kêu ca gì. Cả tuần nay, hai vợ chồng chiến tranh lạnh, mọi công việc mua sắm về ăn Tết với bố mẹ, anh tự chuẩn bị một mình. Cứ đà này, vợ chồng cô có nguy cơ “mất Tết”. Cô tìm đến phòng tư vấn, lòng ngổn ngang…

Chuyên gia tư vấn phân tích cho cô hiểu rằng, không có con dâu đoảng chỉ có con dâu muốn học hỏi để giỏi lên hay không mà thôi. Hai năm đón Tết cùng gia đình chồng mà cô vẫn chẳng thay đổi chút nào để thể hiện sự “nhập gia tùy tục”. Để công việc bếp núc không còn là “cuộc chiến” mệt mỏi, cô phải tự học hỏi, khắc phục yếu kém của mình. Cô có thể nấu dở nhiều món nhưng nhất định phải nấu ngon một, hai món. Việc đó sẽ không khó nếu cô chịu khó học hỏi. Thời hiện đại, chuyện học nấu nướng rất dễ bởi có rất nhiều lớp dạy nấu ăn. Hãy góp tài nghệ bếp núc với mẹ chồng bằng một, hai món tủ đó của mình. Tinh thần cầu thị học hỏi, che giấu điểm yếu của mình bằng “mồm miệng đỡ chân tay”, cô sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh vào bếp và sự sát hạch của mẹ chồng. Không một mẹ chồng nào nỡ khó khăn khi thấy con dâu cầu thị học hỏi, cùng chung tay tạo nên cái Tết vui vẻ đầm ấm. Việc kéo chồng phụ mình dọn dẹp, chuẩn bị cỗ bàn tiếp khách cũng là cách để anh bớt sa đà vào những cuộc nhậu ham vui quá chén. 

Trước ngày nghỉ Tết, văn phòng Tâm Giao nhận được món quà xuân của cô, là hộp mứt hoa quả và món gà nướng mật ong do chính tay cô làm. Cô bảo đây là bí kíp để Tết năm nay cỗ Tết nhà chồng “mới lạ” hơn. Nhờ sự tư vấn của văn phòng Tâm Giao mà Tết năm nay cô không còn mang danh dâu đoảng nữa.

Vợ chồng suýt ly hôn vì... sắm Tết quá đà

“Năm nay nhờ có kế hoạch chi tiêu Tết được lập trước cả năm mà vợ chồng em dư giả sắm Tết, lại còn có khoản để cả nhà đi du xuân đón năm mới ở Mũi Né kỷ niệm 5 năm ngày cưới. Chưa có Tết nào, vợ chồng em đón xuân hạnh phúc như năm nay”. Đó là tin nhắn của một anh chồng trẻ - một khách hàng tư vấn của văn phòng Tâm Giao. Ít ai biết rằng Tết năm ngoái, họ đã suýt mất Tết và đường ai nấy đi. 

Thời điểm đó, Tuấn và Hoa đón cái Tết tự lập đầu tiên. Họ đã cưới nhau được 4 năm nhưng 3 năm sống chung với bố mẹ. Căn hộ chung cư của họ được mua bằng khoản tiền vay dành cho người có thu nhập thấp. Hàng tháng, họ vẫn phải tiết kiệm để trả nợ ngân hàng. Đầu năm, Tuấn nhận được một dự án, cuối năm hoàn thành nên có một món thưởng Tết kha khá. Hoa tính để dành khoản thưởng Tết đó của chồng mang trả ngân hàng để giảm khoản nợ xuống. Vì thế, cuối năm cả nhà sẽ ăn Tết tiết kiệm. Nhưng không ngờ, Tuấn mang mấy chục triệu đó đi mua đồ để chơi Tết hết. Tuấn mua một bộ dàn âm thanh karaoke, một bể cá cảnh đắt tiền, cây đào cảnh gần chục triệu đồng. Tuấn muốn Tết đầu tiên ở nhà mới sẽ xôm tụ một chút để hãnh diện với mọi người khi đến nhà chơi. Hoa đi làm về, choáng váng trước việc mua sắm kiểu vung tay quá trán của chồng. Cô dằn hắt bảo còn nợ nần mà lại chơi hoang. Tuấn tự ái trước lời mỉa mai của vợ, bảo tiền mình kiếm được nên thích mua gì, chơi gì là quyền của mình. Chuyện “tiền anh tiền tôi” khiến vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng. Hoa viết đơn ly hôn, Tuấn ký ngay lập tức và bảo muốn đường ai nấy đi thì cứ mang đơn gửi lên tòa.

Trong không khí nhà nhà mua sắm chuẩn bị Tết, lòng Hoa tan nát tìm đến văn phòng Tâm Giao. Cô bảo không thể chấp nhận anh chồng mới kiếm được ít tiền đã phân biệt “tiền của tôi”, không nghĩ cho vợ con, nợ nần không chịu tiết kiệm để trả. Tuấn lại cho rằng, vợ ích kỷ, không tôn trọng chồng, không cho chồng quyền tự quyết trong gia đình. Văn phòng Tâm Giao ngày cuối năm dành gần một ngày để làm công tác hòa giải cho vợ chồng Tuấn. Cả hai vợ chồng được thoải mái nói ra những khuyết điểm của nhau. Rồi, chuyên gia tư vấn cho họ kể lại những ưu điểm, thời gian khó khăn trong tình yêu trước đây mà hai người vẫn vượt qua để đến với nhau. Và, trên hết là đứa con nhỏ đang háo hức được đón Tết sum vầy cùng bố mẹ. Tuấn thiếu sót khi vung tay sắm Tết không bàn bạc với vợ, nhưng không có nghĩa anh là người chồng, người cha vô trách nhiệm. Đồ đạc có thể mua về, bán lại nhưng tình cảm đánh mất thì khó hàn gắn. Hôm đó, hai vợ chồng cũng thống nhất sẽ để bộ dàn âm thanh và bể cá chơi Tết, ra năm sẽ bán lại, chấp nhận mất giá một chút nhưng vẫn lấy lại được một khoản tiền để trả nợ mua nhà. Tuấn đồng ý sau này mua sắm gì đều cùng vợ bàn bạc, thay vì tự quyết một mình. Hoa nhận lỗi xúc phạm chồng khi không kìm được sự bức xúc. 

Họ xé bỏ đơn ly hôn rồi cùng nhau ra về. Họ đã cùng nhau đón năm mới thật vui và có thêm một bài học trong hôn nhân.

Tâm Giao

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.