Hà Nội chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV

Chia sẻ

Tới thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus nCoV. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, ngày 31/1, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch theo 4 cấp độ.

4 cấp độ được phân loại bao gồm: 

Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập.
Cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn thành phố.
Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố với trên 20 trường hợp mắc.
Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc.
Ở mỗi cấp độ, thành phố sẽ có phương án chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, dự phòng, điều trị người bệnh và xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, phù hợp.

Hà Nội tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus coronaHà Nội tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Ảnh: Nam Giang)

Trước đó, thông tin tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh nCoV của Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngành y tế Hà Nội, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Tính đến chiều 31/1, thành phố chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV. Công tác giám sát, cách ly các trường hợp nghi nhiễm bệnh đang được tăng cường. Số trường hợp nghi ngờ mắc bệnh là 19 trường hợp, trong đó 15 trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV, 4 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Qua điều tra có 86 trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, hiện chỉ có 22 trường hợp phải giám sát y tế còn lại 64 trường hợp đã kết thúc giám sát. Ngành y tế đã phân công 5 bệnh viện tiếp nhận những trường hợp nghi ngờ mắc và những trường hợp mắc bệnh gồm: Đống Đa, Bắc Thăng Long, Đức Giang, Thanh Nhàn và Hà Đông. Tại các bệnh viện này phải bố trí rõ khu vực cách ly, khu vực nghi ngờ, khu vực điều trị...Ngoài các bệnh viện này, các bệnh viện khác trực thuộc ngành vẫn tổ chức khu vực cách ly, khám, điều trị cho người bệnh khi cần.

Toàn ngành y tế có 499 máy thở, do vậy tùy từng cấp độ của dịch bệnh và số lượng bệnh nhân, Sở Y tế sẽ huy động các máy thở của các bệnh viện khác, thậm chí là đề nghị sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn, bệnh viện các bộ ngành để bổ sung cho 5 bệnh viện.

Sở Y tế cũng đang liên hệ với các đơn vị cung ứng khẩu trang y tế để mua thêm khẩu trang phục vụ cho công tacs phòng chống dịch. Để sử dụng khẩu trang một cách hợp lý, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, với những loại khẩu trang y tế chuyên dụng phòng bệnh như N95 chỉ sử dụng cho những nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Còn với khu vực ngoài vòng, nhân viên y tế có thể sử dụng khẩu trang 3M. Với những khu vực công cộng, khu vực khuôn viên bệnh viện, người dân có thể sử dụng khẩu trang y tế một lớp thông thường, thậm chí sử dụng được cả khẩu trang vải nhưng cần vệ sinh khẩu trang sạch sẽ.

Hà Nội cũng đã tăng cường các trang thiết bị phòng, chống nCoV cần thiết cho 65 đội phòng, chống dịch cơ động của thành phố và của 30 quận, huyện, thị xã. Sở Y tế Hà Nội cũng thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống nCoV tại các quận, huyện, thị xã.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giám sát, phát hiện ca bệnh từ sớm. Thời gian qua, tại sân bay quốc tế Nội Bài, thành phố đã triển khai sớm việc kiểm soát y tế hành khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt 24/24h. Cùng với đó, Sở Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hóa thể thao, Sở Du lịch…trong việc xử lý môi trường trường học, khuyến cáo học sinh, người dân đeo khẩu trang khi đến trường cũng như tiếp xúc ở nơi đông người.  Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế, nhất là y tế cơ sở tại các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng. Những người đi về từ vùng dịch nCoV nếu thấy có các biểu hiện ho, sốt, khó thở cần báo ngay cho cơ sở y tế. Các đơn vị y tế cần tổ chức tốt việc cách ly điều trị cho người bệnh cũng như bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế.

Riêng tại các lễ hội, đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị Sở Y tế phối hợp với ngành văn hóa thể thao, Ban tổ chức các lễ hội, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân tham dự lễ hội các biện pháp phòng bệnh, như: đeo khẩu trang, vệ sinh ăn uống, vệ sinh bàn tay, không ăn thịt thú rừng... Còn với các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn Thủ đô thời gian tới, đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm đáp ứng công tác y tế tốt nhất, tổ chức vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh tại khu vực diễn ra sự kiện.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, TS Nguyễn Khắc Hiền đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh, đưa ra cảnh báo kịp thời. Nhanh chóng triển khai xét nghiệm nCoV, dự kiến sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 3/2/2020. Tiến hành mua sắm kính, ủng, quần áo bảo hộ, hóa chất, khẩu trang phục vụ cho phòng chống dịch. Song song với việc giám sát tại sân bay quốc tế Nội Bài, bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cần chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới giám sát tại cộng đồng, cơ sở y tế được phân công và giám sát cả cán bộ y tế tiếp xúc và điều trị cho người bệnh. Đồng thời, cập nhật những hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế để thực hiện và hướng dẫn, hỗ trợ tuyến dưới.

Với khối bệnh viện là rà soát lại quy trình tiếp nhận, cách ly điều trị; chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị y tế, con người, vật tư tiêu hao để phục vụ bệnh nhân. Lãnh đạo các đơn vị cần quán triệt đến tất cả các nhân viên, đặc biệt là cán bộ y tế đã tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, hoặc đã và đang điều trị cho người bệnh hạn chế đi lại để không làm lây lan dịch bệnh.

Nguồn: soyte.hanoi.gov.vn

Theo https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/tap-trung-cho-cong-tac-phong-chong-dich-benh-do-ncov

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.