Nỗi đau không báo trước

Chia sẻ

Ông Tâm vốn là một cán bộ quốc phòng về hưu. Trước năm 1986 ông công tác ở Lào. Thuở ấy, khi đương chức gia đình ông thuộc hạng “ giàu có” ở quê. Sự giàu có ấy được phô bày rất rõ.

Con ông đứa nào cũng khoác lên mình những chiếc áo mút tăm màu đỏ hàng Thái thật sang, thật xịn trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa khác chỉ áo sờn manh cộc. Những bàn chân trắng nõn của những cô con gái ông Tâm hoặc là xỏ vào đôi tông Lào mới tinh, khi đi nghe tiếng “ bật”, “bật” rất vui tai hoặc là những đôi guốc gỗ điệu đà… Cuộc sống gia đình ông Tâm đúng là đáng mơ của mọi nhà.


Thế rồi ông về hưu sớm trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ông chấp nhận đặt dấu chấm hết cho cuộc sống xa hoa, thừa mứa kia vì... muốn có cu con trai nối dõi tông đường. Ông về quê với một số món hàng và sổ hưởng trợ cấp hàng tháng không đáng là bao. Nhưng ông rất vui. Gia đình ông luôn rộn ràng vì lời ca thuộc giọng nam cao của ông Tâm. 4 cô con gái cũng rất vui khi bố được về gần nhà sau những năm dài xa cách. Ai nghĩ gì ông không quan tâm, ai bảo ông dại ông cũng ậm ừ như thừa nhận. Và rồi bà Hoan sinh thêm đứa thứ năm, lại là một cô con gái. Ai cũng nghĩ ông buồn vì sự đánh đổi không đạt được nguyện vọng, nhưng ông Tâm không nghĩ thế. Ông vẫn hát, vẫn hò, vẫn diễn trò với lũ trẻ. Ông rất sôi nổi, dễ gần nên trẻ con rồng rắn đi theo để được nghe ông kể bao nhiêu là chuyện. Phải thừa nhận ông nhiều chuyện thật, ông kể thật lôi cuốn nên lũ trẻ nghe như xem phim, say sưa như nuốt từng lời…

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm


Rồi đứa con thứ sáu của ông bà Tâm chào đời. Lần này ông Tâm vui lắm vì đó là một cậu con trai kháu khỉnh. Ông lẩm bẩm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “bây giờ mình mới có con”. Theo quan điểm cổ hủ ấy thì ông có con khi đã sắp sửa lên “lão” thế mà ông như trẻ ra cả chục tuổi. Thì ra niềm vui là liều thuốc cải lão hoàn … niên rất hữu hiệu. Ông vừa ru cu con vừa cười đùa với đứa trẻ như trò chuyện cùng báu vật của riêng mình. Ông hát hò, kể chuyện cả ngày không chán. Nhưng nhân vật chính trong những câu chuyện ông kể luôn xoay quanh nhân vật chính là đứa con vừa mới chào đời, ông đặt tên nó là Vượng -  như gửi gắm và chờ đợi một điều gì tốt đẹp phía trước cho con và cho ông. Cu Vượng trộm vía rất ngoan. Hiếm hoi lắm người ta mới nghe tiếng cu cậu khóc. Niềm vui của gia đình được nhân lên từ khi có thêm cậu. Mấy cô chị giành nhau công việc bế và chăm em. Cậu bé lớn lên trong sự chăm bẵm và yêu thương của mọi người trong gia đình và làng xóm. 

Được chiều chuộng hết sức nhưng Vượng lại rất ngoan ngoãn và lễ phép. Mọi người ai cũng mừng cho ông Tâm có đứa con trai như mong đợi. Tuy nhiên ông vẫn chưa thoả mãn khi mới chỉ một… đứa con. Ông bảo phải sinh thêm đứa nữa cho cu Vượng có anh có em. Nghĩa là ông muốn sinh thêm một cậu con trai. Rồi bà Tâm có mang khi tuổi đã ngấp nghé 60. Ai cũng ái ngại khi bà đã có tuổi lại mang bầu. Nhưng bà lại vượt cạn thành công với một cô công chúa nữa… Vì thế, cu Vượng đã chiếm ngôi vị số một trong gia đình.

Những cô con gái lần lượt theo chồng, cô út cũng lấy chồng khi ông Tâm bảo “Còi to cho vượt”. Thế là nhà chỉ còn lại ông bà Tâm và cu Vượng. Thương cha mẹ già yếu nhưng chưa đến duyên nên cu cậu vẫn còn đơn chiếc. Đã bốn tháng nay cậu bỏ công ty ở miền Nam về quê xin đi làm bảo vệ ở công ty gần nhà để về ăn cơm tối cùng bố mẹ. Tết nào ông bà cũng chờ đợi nàng dâu về nhà, ông bà đã nói xa, nói gần, nói thật rồi giận dỗi nhưng chưa có sự đổi thay nào…

Cách đây hai, ba tháng cả nhà cảm thấy lo lắng khi cu Vượng sút cân trầm trọng. Từ một chàng trai cao to, vạm vỡ cậu đã sụt mười hai kg nên già nua so với tuổi. Da đen, xanh và xỉn màu đáng sợ. Cô chị cả lo lắng bảo em đi khám sức khoẻ. Lần ấy, cậu cắt phép năm với dự định đi khám sức khoẻ rồi vào chơi mấy cô chị ở miền Nam. Thế rồi tin sét đánh đến với cậu khi bác sĩ báo hung tin: Cậu đã bị K dạ dày giai đoạn 2. Cầm kết quả trên tay Vượng run rẩy, không dám tin vào mắt mình. Rồi cậu tự đưa ra quyết định cho mình vội vàng nhưng quả quyết. Theo gợi ý của bác sĩ cậu cần nhập viện để can thiệp ngay. Thế nhưng cậu đã từ chối. Cậu nhận kết quả khám và vội vàng khăn gói đi chơi gia đình các chị như kế hoạch đã định. Cậu đến chơi khắp lượt nhà các chị ở miền Nam, cậu vui vẻ với anh chị và các cháu và tỏ ra khoẻ mạnh, bình thường. Mọi người hỏi về sức khoẻ cậu bảo rằng không vấn đề gì, chỉ là hay suy nghĩ nên ảnh hưởng cân nặng, thế thôi. Sau chuyến đi thăm khám sức khoẻ và chơi gia đình người thân trở về cậu tỏ ra mệt mỏi và uể oải. Nhìn đứa con ngày càng héo mòn ông bà Tâm đau lòng lắm. Ông bà thuốc thang, lễ bái thần phật khắp nơi nhưng xem ra bệnh tình cu Vượng không thuyên giảm. Ánh mắt lo âu của ông Tâm khiến mọi người xót xa. Ông dự cảm một điều gì đó không lành…

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm


Một ngày trời mưa tầm tã, trong đêm vắng người ta nghe tiếng khóc xé lòng: Con ơi! Sao con lại bỏ bố mẹ mà đi con con ơi!...

Trước nỗi đau quá ngưỡng ông Tâm như điên dại. Ông không khóc, không nói chỉ ngồi đờ đẫn nhìn ra xa xăm thi thoảng lại thở dài ai oán. Tiếng kèn, trống của phường bát văn như trút cả nỗi sầu, nỗi đau nên tiếng trầm, buồn như lời than thở…

Đứa con ông yêu chiều như báu vật đã rời bỏ ông đi để lại trong ông cả một vùng khuyết không thể nào bù đắp nổi…

Hôm nay là một tuần con trai ông rời dương thế, cũng là một tuần ông ngồi bên con, chẳng buồn nói chuyện, chẳng đói để ăn. Ông cứ ngồi bên ban thờ nghi ngút khói hương như để được gần con trong tâm tưởng…   

Đột ngột, một cô gái nói giọng miền Nam tìm đến nhà ông Tâm. Vừa đến nhà, nhìn thấy di ảnh, nước mắt cô lã chã rơi. Cô nghẹn giọng:

- Cháu là bạn của anh Vượng bác ạ! Quê cháu ở Đồng Nai. Cháu vội ra để thắp cho anh ấy nén nhang…

Ông Tâm cảm ơn cô gái rồi thì thầm điều gì đó với con trai trong di ảnh. Cô gái tiến lại phía ban thờ thắp hương cho người quá cố và than trách:

- Anh à, sao anh ra đi vội thế? Sao anh không nói gì với em khi anh mang bạo bệnh.

Vừa lầm rầm cô gái vừa khóc có lúc nấc lên thành tiếng khiến ông Tâm phải quay sang an ủi cô giá lạ:

- Thôi, mệnh con trai bác bạc quá. Nó chỉ làm con của bác hơn 30 năm. Đau lắm nhưng đành phải chấp nhận thôi cháu ơi!

Cô gái nghẹn ngào: - Vâng ạ! Anh ấy làm con của bác hơn 30 năm nhưng làm bạn với cháu mới chỉ được 5 năm thôi ạ!

Vừa trả lời ông Tâm, cô gái lại gào khóc:

- Anh ác quá anh Vượng ơi! Anh bỏ em đi khi em cần anh nhất! Anh bỏ em đi khi còn có điều bí mật em chưa kịp báo với anh! Em giận anh lắm anh ơi!

Ông Tâm đưa mắt nhìn cô gái như muốn dò xét điều gì nhưng rồi ánh mắt ông lại đờ đẫn, vô cảm.

Ngoài góc vườn cây đào vẫn sum suê cành lá. Lộc non xanh mơn mởn, nụ đào he hé, hoa đào khoe sắc hồng tươi. Những tia nắng lấp lánh ánh nắng dịu nhẹ len lỏi khắp cành lá để ban phát chút ấm áp ngày xuân cho khắp nhân gian. Có con chim chìa vôi xanh đuôi ngũ sắc vừa đậu nơi cành cây có nhiều bông hoa đã nở. Nó hướng mình về phía cửa nhà ông Tâm và cất tiếng hót véo von! Tiếng chim hót báo hiệu mùa xuân đến!

Vương Thị Thư

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.