Sáng mãi hình ảnh người phụ nữ Ba đảm đang"

Chia sẻ

Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam. Sau 55 năm, nhìn lại lịch sử, với việc chủ động khởi xướng, nhiệt tâm, nhiệt huyết tổ chức thực hiện phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Việt Nam đã thể hi

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện về ý nghĩa của phong trào “Ba đảm đang” với chị em phụ nữ Thủ đô (3/5/1965)Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện về ý nghĩa của phong trào “Ba đảm đang” với chị em phụ nữ Thủ đô (3/5/1965) (Ảnh: T.L)

Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư ĐCSVN thăm trụ sở cơ quan Thành Hội (24/4/1986)Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư ĐCSVN thăm trụ sở cơ quan Thành Hội (24/4/1986) (Ảnh: T.L)

Lớp học bổ túc văn hóa “Ba đảm đang” tại xã Định Công, Thanh TrìLớp học bổ túc văn hóa “Ba đảm đang” tại xã Định Công, Thanh Trì (Ảnh: T.L)

Nữ dân quân Lộc Hà, Đông Anh, đơn vị 5 năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng, tích cực luyện tập bảo vệ Thủ đôNữ dân quân Lộc Hà, Đông Anh, đơn vị 5 năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng, tích cực luyện tập bảo vệ Thủ đô (Ảnh: T.L)

Tự hào “Quê hương người gái đảm”

“…Ơi cô gái ơi! Súng trên vai sao vuông đầu mũ. Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng. Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang…” “Bài ca Hà Nội” (sáng tác: Vũ Thanh). Lời bài hát ấy hôm nay vẫn vang lên trong lồng ngực tuổi trẻ Hà Nội và cả nước với sự rung cảm về vẻ đẹp thanh khiết mà rắn rỏi của các cô gái Hà Nội thời đánh giặc trên nửa thế kỷ trước. Rồi nữa, “Đường cày đảm đang”, “Bài ca Năm tấn”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”… Rất tự nhiên và nhuần nhị, những người trẻ hôm nay trong khi thẳng bước hướng đến tương lai vẫn không thể quên những vẻ đẹp lung linh của lớp người đi trước làm nên một Thủ đô văn hiến anh hùng - Thành phố vì hoà bình vượt lên bom đạn, chia ly và hy sinh.

Đan Phượng hôm nay là huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội đang bắt tay xây dựng "Nông thôn mới nâng cao”, “Nông thôn mới kiểu mẫu”. Đây là thành quả từ chính sự nhiệt huyết của lớp người trẻ được các thế hệ “Ba đảm nhiệm” truyền lại bằng tình “Máu mủ ruột già” - dung dị mà thiêng liêng, tiếp tục tiếp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Những dấu mốc quan trọng của phong trào   “Ba đảm đang”

Trong hai ngày 5-6/2/1965, Hội nghị Ban Chấp hành Phụ nữ Đan Phượng mở rộng (tỉnh Hà Đông cũ) thảo luận, thống nhất chủ trương và bàn biện pháp phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1965, Hội LHPN Đan Phượng đã tổ chức mít tinh tai sân trường cấp II xã Đan Phượng nhằm phát động phong trào và biểu dương lực lượng phụ nữ với hàng nghìn người tham gia. Ngày 18/3/1965, báo Nhân dân đưa tin và cổ vũ phong trào Phụ nữ Đan Phượng trên trang nhất. Ngày 22/3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Ngọn lửa phong trào đã trở thành cao trào thi đua rộng khắp cả nước. Sau một thời gian ngắn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý cho Hội LHPN Việt Nam đổi tên phong trào thành “Ba đảm đang”. Cuối năm 1965, vào các ngày từ 1-3/12, Đại hội “Ba đảm đang” lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội; Phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội Phụ nữ giai đoạn 1965-1975.

Sự tích “Người gái đảm” bắt đầu từ tháng 2/1965, khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam bằng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra hầu khắp miền Bắc. Chiến lược này hòng mục đích ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho các chiến trường miền Nam; đồng thời phá hoại mọi tiềm lực kinh tế, văn hoá, đánh dập ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân và chiến sĩ cả nước. Tiến hành cuộc chiến tranh bằng những vũ khí, phương tiện tối tân nhất với cường độ tàn khốc nhất, Tổng thống Mỹ L.Johnson tuyên bố: “Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá cũ”.

Đáp lại đanh thép những lời đe dọa và các cuộc bắn phá, ném bom tàn bạo của giặc là lời kêu gọi “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chiến lược chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Đảng và Nhà nước ta, là tư thế “Nhằm thẳng vào quân thù mà bắn” của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang.

Đáp lại quân giặc cuồng chiến và bom đạn dã man là khí thế sục sôi toàn dân đánh giặc với những phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, phong trào “Ba điểm cao” của cán bộ, công nhân viên chức, “Ba quyết tâm của trí thức”… Hoà cùng chiến sĩ và đồng bào cả nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Sau quá trình chuẩn bị, bàn thảo khẩn trương trong các cán bộ, đảng viên, các cấp Hội Phụ nữ cùng lãnh đạo địa phương, đúng ngày 8/3/1965, một lễ mít tinh lớn và cuộc biểu dương lực lượng với hàng ngàn chị em phụ nữ và nhân dân Đan Phượng tham gia, phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ đã chính thức ra mắt và lan toả khắp trong huyện Đan Phượng, ra toàn tỉnh Hà Đông (lúc bấy giờ) và Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố miền Bắc.

Thể nguyện đúng nỗi lòng của chị em phụ nữ và cả xã hội, phong trào đã đươc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khơi dậy và phát triển thành cao trào ngay trong những tháng đầu tiên. Quan tâm đặc biệt đến phong trào “Ba đảm nhiệm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho phong trào là “Ba đảm đang” với ý nghĩa vừa gần gũi với truyền thống ngàn đời của phụ nữ Việt Nam vừa bao hàm đầy đủ và chính xác các nội dung. Đó là:

- Đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng con đi chiến đấu.

- Đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu.

- Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Cuối năm 1965, vào các ngày từ mồng 1 - 3 tháng 12, Đại hội “Ba đảm đang” được tổ chức tại Hà Nội với trên 500 đại biểu thay mặt cho 26 vạn phụ nữ Thủ đô. Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Miền Nam Tạ Thị Kiều đã đến dự. Tại Đại hội, Bác kêu gọi: “Phụ nữ miền Bắc thi đua với phụ nữ miền Nam”.

Bức tranh hào hùng và tấm lòng nhân ái

Năm 1965, sau thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” dùng quân đội Sài Gòn với cố vấn và vũ khí, trang bị của đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược mới “Chiến tranh cục bộ” đưa lực lượng quân đội Mỹ với đủ các loại quân, binh chủng vào trực tiếp tham chiến trên toàn chiến trường miền Nam. Thời điểm này, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ được đẩy lên ác liệt hơn tại các địa phương thuộc khu 4, Bắc miền Trung. Tuy bom đạn chưa rơi trên bầu trời các tỉnh phía bắc song toàn bộ quân dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía bắc đều đã ra trận. Những đợt tuyển quân diễn ra sôi nổi. Những cuộc hành quân, những đoàn xe chi viện vào Nam liên tục diễn ra đêm ngày. Cùng đó là hình ảnh hậu phương lớn miền Bắc với nam nữ công nhân “Tay búa tay súng”, nông dân “Tay cày tay súng”, là “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” theo lời Bác, là không khí khẩn trương “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Cùng với việc duy trì lao động sản xuất tại chỗ, người Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã còn thực hiện một cuộc sơ tán khổng lồ đưa nhiều cơ quan, xí nghiệp nhà máy, trường học… ra khỏi nội đô và các trung tâm để bảo đảm sản xuất, cung ứng cho các chiến trường và tổ chức cuộc sống chiến đấu lâu dài. Nhịp điệu thời chiến đó đã giúp cho Hà Nội sẵn sàng đương đầu trực tiếp với các cuộc bắn phá của không quân Mỹ bắt đầu vào giữa năm 1966.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng hoa công nghệ cao tại HTX Đan Hoài (Đan Phượng)Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng hoa công nghệ cao tại HTX Đan Hoài (Đan Phượng) (Ảnh: Trọng Tùng)

Trong bối cảnh đó, các hoạt động của phụ nữ “Ba đảm đang” đã thể hiện được vai trò rất quan trọng, đưa lại hiệu quả thiết thực trong mọi mặt cuộc sống. Tại Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ lao động nữ đã tăng vượt hẳn lên trong những năm tháng này, từ 37,35% năm 1965 đến năm 1968 đạt 51,03%. Trong khối công nghiệp nhẹ, tỷ lệ này là 62,73%. Mọi công việc từ dạy học, y tế đến giao thông vận tải sửa chữa đường xá hay trong lưu thông phân phối… ở đâu số lượng đông hơn cũng là phụ nữ. Không chỉ về số lượng mà chất lượng lao động cũng được thay đổi, phù hợp với hoàn cảnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hàng vạn sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, quy trình lao động, quản lí… từ chị em đã được áp dụng trong giai đoạn này. Cho đến năm 1974, số nữ chiến sĩ thi đua của ngành y tế Hà Nội đã chiếm 63%. Trong công nghiệp, đến năm 1967 thì Hà Nội là địa phương thứ hai ở miền Bắc đạt năng suất 5 tấn lúa/ha…

Làm thay việc người đi chiến đấu, lo toan mọi việc nhà, những người phụ nữ Hà Nội và Hà Tây cũ là những chiến sĩ dũng cảm xông vào lửa đạn cứu nhà, cứu hàng, sửa chữa khẩn cấp đường xá, tham gia xây dựng các trận địa pháo, tên lửa, tải thương, tiếp tế cho bộ đội. Nhiều đơn vị tự vệ, dân quân nữ trực tiếp bắn máy bay Mỹ. Có nữ chiến sĩ như chị Nguyễn Thị Ngoan ở Đông Anh lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn. Có các “chiến sĩ gái” ở Gia Lâm tham gia bắt giặc lái. Có các chị em Đông Anh tháo ngòi bom nổ chậm và phổ biến kinh nghiệm cho các nơi khác áp dụng. Có đơn vị nữ tự vệ nhà máy dệt phối hợp với bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay Mỹ…

Khi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, những chị em phụ nữ Hà Nội đã hóa thân thành những anh hùng. Khi bom đạn ngừng rơi họ lại trở về với dáng vẻ dịu hiền, chịu thương chịu khó. Hình ảnh người phụ nữ đạp xe đạp vừa đèo con vừa đèo hàng đi về nơi sơ tán là phổ biến và quen thuộc trên các ngả đường phố phường và các làng quê ngoại thành hay các tỉnh gần Thủ đô. Những câu chuyện bà con lối xóm, khu tập thể cứu giúp nhau giữa lúc bom rơi đạn nổ, những câu chuyện tình nghĩa của người phụ nữ Hà Nội với các gia đình, bà con các vùng quê sơ tán những năm tháng xa xôi ấy bây giờ vẫn truyền lại qua các thế hệ. Những cặp gia đình thị thành Hà Nội và gia đình thôn quê nơi sơ tán coi nhau như người nhà cho đến tận hôm nay…

Vì sao những câu chuyện cùng chịu đựng thiếu thốn đủ đường, cùng chia sẻ với nhau chút mắm muối, cùng xếp hàng lấy nước máy, mua gạo, mua rau… thời bao cấp, kháng chiến bây giờ vẫn được các cụ, các bác kể lại sôi nổi, say sưa? Vì sao bên chiếc gậy Trường Sơn tặng người chiến sĩ lên đường chiến đấu lại có “chiếc nhẫn thủy chung” từ tay các cô gái Hòa Xá (Ứng Hòa) trao gửi cho người thương?... Những câu chuyện đẹp về một thời đảm đang đánh giặc và yêu thương nhân ái cứ mãi đọng lại trong mỗi gia đình, làng xóm, phố phường.

Và những người lớp trước mãi không thể quên hình ảnh những cô gái 18, đôi mươi của Hà Nội trong những năm tháng ấy không một người nào mặc áo sáng màu, áo hồng, áo tím, áo hoa. Tất cả hầu như chỉ mặc áo xanh lá cây, màu nâu, gụ hoặc đen để khi di chuyển trên đường không cho các cặp mắt cú vọ điện tử từ máy bay địch phát hiện. Một thế hệ không biết đến môi son má hồng, nước hoa và quần áo đẹp. Họ hy sinh tất cả để dâng hiến cho Hà Nội và đất nước thứ đẹp nhất, cần thiết nhất là phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.