Phong trào “Ba đảm đang”, lan tỏa trong đội nữ tự vệ nhà máy cơ khí Mai Động

Chia sẻ

"16 tuổi, nhưng với khát khao được cống hiến, đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, bà Phạm Thị Viễn đã khai tăng thêm một tuổi cho đủ 17 để được vào làm công nhân tại Nhà máy Cơ khí Mai Động".

 Bà Phạm Thi Viễn-Bà Phạm Thi Viễn- (Ảnh: T.T)

Bà Phạm Thị Viễn- Nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Tương Mai - một trong số năm làng kẻ Mơ ở khu vực phía nam thành phố. Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt cũng là thời điểm phong trào “Ba đảm đang” do Hội LHPN Việt Nam lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ. Năm đó, tôi mới 16 tuổi, nhưng với khát khao được cống hiến, đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, tôi đã khai tăng thêm một tuổi cho đủ 17 để được vào làm công nhân tại Nhà máy Cơ khí Mai Động.

Năm đầu tiên vào nhà máy, tôi học nghề lắp ráp. Năm 1967, tôi được tham gia tự vệ tập trung. Đây cũng là năm gia đình tôi chịu một nỗi đau lớn. Vào một ngày trời quang mây tạnh, như thường lệ, mẹ tôi vẫn gánh rau ra chợ bán. Tôi cùng một số công nhân trong tổ đi sửa chữa nhà cho một người bạn bị máy bay Mỹ đánh sập. Bất ngờ, máy bay Mỹ ném bom rải thảm xuống làng Tương Mai và một số địa điểm lân cận. Tôi bị thương vào cổ, được anh em đưa đi cấp cứu. Hai ngày sau, người nhà mới tìm được tôi ở bệnh viện và báo cho tôi tin sét đánh: Mẹ tôi trên đường đi bán rau, dù có nghe thấy còi báo động máy bay Mỹ nhưng vì gấp gáp, mẹ tôi nhường hầm trú ẩn cho mấy cháu nhỏ nên đã trúng bom và qua đời ngay tại chỗ.

Nhận được tin báo, cổ quấn bông băng, tôi chạy về nhà nhưng vẫn không gặp được mẹ. Nỗi đau xé lòng. Anh trai tôi đang chiến đấu ở chiến trường xa. Thế là từ đây, tôi vừa đi làm, vừa phải phụ giúp bố để nuôi 05 đứa em thơ, trong đó, em bé nhất mới lên 4 tuổi. Hàng ngày, đầu chít khăn tang, tôi lặng lẽ, cần mẫn đạp xe đi làm ở Nhà máy cơ khí Mai Động, tham gia lực lượng tự vệ tập trung với lòng căm thù giặc sâu sắc.

Hà Nội trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước oanh liệt, các nhà máy, xí nghiệp đều có trận địa pháo cao xạ cùng lực lượng tự vệ để bảo vệ mục tiêu. Các trận địa này đều được bố trí xung quanh nhà máy, trên nóc nhà, ở ngoài đê… với từ 1 - 2 khẩu pháo cao xạ 14,5 ly, hỏa lực nhỏ để cùng với trận địa của lực lượng chính quy tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc. Nếu tên lửa, không quân và pháo 100 ly bắn rơi máy bay B-52, máy bay tiêm kích các loại ở tầm cao thì pháo cao xạ của lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tiêu diệt máy bay địch thả bom đánh lén ở tầng thấp. Ngoài nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, những người lính thợ chúng tôi còn tham gia chuyển đạn, cứu thương, cứu sập hầm…

Đầu năm 1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập cụm hỏa lực pháo phòng không tầm thấp 14,5 ly gồm tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, tự vệ Nhà máy Dệt kim Minh Khai, tự vệ Nhà máy bánh kẹo Hải Châu và tự vệ Nhà máy đồ hộp Xuất khẩu để phối hợp với pháo 37 ly và l00 ly ở khu vực Vĩnh Tuy, Mai Động và Vân Đồn. Trung đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động gồm 11 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 3 nữ) và 2 khẩu pháo phòng không 14,5 ly.

Từ ngày 18/12 đến ngày 21/12/1972, với dã tâm “đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã đưa máy bay B52 cùng các loại máy bay hiện đại khác như F111đánh bom Hà Nội. Máy bay F111 là loại vũ khí lợi hại, bay rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội để đánh phá. Khi tác chiến, chúng bay rất thấp, luồn lách theo địa hình như khe núi, triền sông... khiến mục tiêu lẫn vào sóng nhiễu địa hình, địa vật, giảm tối đa khả năng phát hiện.

Ban ngày, máy bay Mỹ quấy phá liên tục, gây căng thẳng cho nhân dân và lực lượng pháo phòng không. Nắm được quy luật hoạt động của máy bay địch, tranh thủ thời gian yên tĩnh, đơn vị chúng tôi thay phiên nhau tiếp đạn cho đơn vị pháo 100 ly ở gần trận địa 14,5 ly. Có một điều kỳ lạ, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được. Hồi đó, ngườitôi mảnh khảnh chỉ hơn 45kg, sức khỏe không được tốt vậy mà vác quả đạn 100 ly nặng hơn 40kg trên vai cứ đi băng băng. Khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam thân yêu” đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim những người con yêu nước, chúng tôi thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ.

14h00 ngày 22/12/1972, chúng tôi nhận được lệnh chuyển trận địa từ Mai Động đến Vân Đồn. Chỉ huy trận địa là Đại úy Hoàng Minh Giám. Chúng tôi được quán triệt nhiệm vụ chính là đón lõng máy bay tầm thấp của Mỹ đánh vào Hà Nội. Lực lượng của ta đã nắm được quy luật của máy bay tầm thấp F111 với một đường bay ổn định, quen thuộc là đi từ hướng dãy Tam Đảo, theo mặt nước sông Hồng vào Hà Nội thả bom rồi bay thoát ra biển. Trận địa Vân Đồn được bố trí 5 khẩu 14.51y gồm 2 khẩu của tự vệ Cơ khí Mai Động, 2 khẩu của tự vệ Xí nghiệp Gỗ 42, 1 khẩu của tự vệ Cơ khí Lương Yên. 2 khẩu đôi của tự vệ Cơ khí Mai Động thì tôi và đồng chí Đỗ Thị Dần 1 khẩu, khẩu còn lại do đồng chí Ngô Thị Hiếu và đồng chí Đặng Văn Sinh đảm nhiệm. Sau khi làm công tác chuẩn bị như: cân chỉnh pháo, cắm cọc phương vị, lau chùi súng, đạn... chúng tôi được giao nhiệm vụ cụ thể: Hướng đón lõng chính ở góc phương vị 14. Mọi thông số kỹ thuật đã được chuẩn bị kỹ và kiểm tra chu đáo, chúng tôi hồi hộp chờ đợi lệnh để sẵn sàng chiến đấu.

Sẩm tối ngày 22/12/1972, máy bay Mỹ đánh vào Bệnh viện Bạch Mai, khu vực Văn Điển, Giáp Bát...21h còi báo động rú vang. Thành phố tắt điện. Máy bay địch xuất hiện, chúng bay thấp dọc theo sông Hồng - hướng chúng tôi đón lõng chờ sẵn. Lệnh của Đại úy Hoàng Minh Giám dõng dạc và rất đanh: Điểm xạ ngắn - bắn! Tình huống diễn ra quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp bắn 1 điểm xạ 19 viên, đuôi máy bay Mỹ lóe sáng. Khoảng 21h30, Bộ Tư lệnh Thủ Đô thông báo: Chiếc F111 bay theo hướng 14 bị bắn rơi tại chỗ. Chúng tôi chẳng biết nói gì, chỉ ôm nhau reo hò mà nước mắt cứ giàn dụa. Đêm đó, trận địa chúng tôi không ai chợp mắt được dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Sau nhiều ngày chờ mong bắn được máy bay giặc nhưng không ngờ mình bắn được cả loại máy bay “cánh cụp, cánh xòe” hiện đại vào bậc nhất lúc đó. Những ngày sau, chúng tôi vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tặng hoa, chúc mừng. Chúng tôi vui và vô cùng sung sướng!

Đêm ngày 22/12/1972 đã đi vào lịch sử, khi lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô với trang bị vũ khí thô sơ, lực lượng không nhiều nhưng chúng tôi đã bắn hạ máy bay F111. Dẫu biết trước đó có 1 nữ dân quân bắn rơi F111 bằng súng bộ binh nhưng chúng tôi tự hào vì bắn rơi tại chỗ F111 mà lại rơi ngay trên mảnh đất Hà Nội. Trước sự chống trả quyết liệt của các lực lượng của ta, những ngày sau, máy bay địch đánh phá Hà Nội liên tục hơn, dữ dội hơn. Tuy nhiên, chúng không thể khuất phục tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, trong đó có lực lượng tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động.

Rạng sáng ngày 26/12/1972, tôi đang trực chiến tại trận địa Vân Đồn thì thấy 2 đứa em gái tôi hớt hải chạy đến, quần áo đầu tóc bê bết bùn đất, nước mắt giàn dụa vừa nói vừa khóc: Chị ơi! Bố mất rồi! Vì bom B52 đánh trúng hầm. 3 chị emtôi tất tưởi chạy về nhà. Căn hầm trú ẩn của gia đình tôi đã thành một hố bom sâu hoắm. Được bà con lối xóm hỗ trợ, 3 ngày sau, chị em tôi mới tìm được một phần nhỏ thi thể của bố tôi qua vạt áo bông rách và tấm thẻ chứng minh thư. Sau đólà những ngày cơ cực của 6 chị em khi mất cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, nỗi đau của gia đình tôi hòa trong nỗi đau chung của nhiều gia đình, của dân tộc đang bị đế quốc xâm lược, đất nước vẫn đang còn bị chia cắt… Nén nỗi đau, sau khi lo việc cho bố chu toàn, tôi tiếp tục trở lại trực chiến. Dịp ấy nhà thơ Tố Hữu cũng đến thăm trận địa, thấy một chiến sĩ gái ngồi trực trên mâm pháo, đầu quấn dải khăn tang, xúc động ông viết 4 câu thơ về tôi trong bài “Việt Nam máu và hoa”.

“...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu

Hỡi em gái mất cha mất mẹ

Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù

Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”. 

Thời gian công tác ở Nhà máy Cơ khí Mai Động, thời gian trực chiến của tôi nhiều hơn thời gian làm thợ. Tôi nghĩ: mình là công nhân Nhà máy, làm thợ hay đi trực chiến cũng là nhiệm vụ và tôi luôn hoàn thành tốt công việc giao. Sau thời gian công tác, tôi về nghỉ chế độ, lương hưu công nhân tuy thấp, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí chiến đấu như những ngày cuối năm 1972, mọi vất vả rồi cũng dần qua đi. Trở về địa phương, nhiều năm qua, tôi tích cực tham gia công tác ở khu dân cư số 10, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai như Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ phó dân phố, Tổ trưởng phụ nữ... Hiện nay, tôi đang là Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ phó tổ người cao tuổi của khu dân cư.

48 năm trôi qua kể từ ngày khi quân và dân ta lập nên chiến thắng 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không năm 1972, những ngày đầu Xuân mới năm 2020, nhớ lại những ngày tháng hào hùng của quân và dân Thủ đô, tôi nghĩ tới truyền thống của dân tộc ta “Dựng nước đi đối với giữ nước”. Ngày nay, Đảng ta chủ trương “xây dựng chủ nghĩa xã hội” đi đôi với “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” cũng là phát huy truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhớ lại những ngày tháng cuối năm 1972 để mỗi cán bộ hội viên phụ nữ, nữ thanh niên trẻ của thế hệ thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa hôm nay càng thêm tự hào về truyền thống Ba đảm đang của phụ nữ cả nước, càng phải nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để sao cho xứng đáng hơn với niềm tin yêu của bạn bè, của đồng đội và của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh – hiện đại, xứng đáng với danh hiệu UNESCO trao tặng “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình”

Phạm Thị Viễn

 

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.