Phim truyền hình “thời Covid”: Càng được quan tâm, càng nhiều áp lực

Chia sẻ

Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, rạp chiếu đóng cửa, các chương trình biểu diễn trực tiếp bị tạm dừng thì phim truyền hình trở thành lựa chọn giải trí hàng đầu của người xem. Nhưng cũng vì vậy mà áp lực về chất lượng phim càng nặng nề...

Bộ phim Nhà trọ Balanha khiến khán giả thích thú vì hài hước.Bộ phim Nhà trọ Balanha khiến khán giả thích thú vì hài hước.

Phim Việt nhiều màu sắc

Đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả trong mùa dịch, truyền hình mang đến khá nhiều bộ phim hấp dẫn trên các kênh sóng. Hiện tại, hầu hết những bộ phim Việt đang phát sóng là phim tâm lý xã hội, phim dành cho tuổi trẻ, hài hước, dễ xem. Trong đó, bộ phim Nhà trọ Balanha cùng Tình yêu và tham vọng thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả.

Tiếp sóng bộ phim Tiệm ăn dì ghẻ vào lúc 21h30 thứ hai, thứ ba hằng tuần trên VTV3, bắt đầu từ ngày 23-3, Tình yêu và tham vọng được người xem đặt nhiều kỳ vọng bởi đây được coi là dự án trọng tâm của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) trong năm 2020. Bộ phim dẫn dắt người xem vào một câu chuyện đầy chất ngôn tình với hình ảnh nam diễn viên chính vừa đẹp trai, thành đạt vừa chung tình. Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt ở chốn thương trường với những âm mưu, cạm bẫy được thể hiện một cách hấp dẫn.

56 tập phim Tình yêu và tham vọng, dù lấy ý tưởng từ format phim Thế lực cạnh tranh của Trung Quốc song vẫn khiến khán giả trong nước chờ đợi bởi đây là mô típ phim dài tập đặc biệt ăn khách. Bộ phim do đạo diễn Bùi Tiến Huy dẫn dắt, có sự tham gia của nhiều gương mặt được yêu thích như: NSND Minh Hòa, Nhan Phúc Vinh, Diễm My, Mạnh Trường, Lã Thanh Huyền, Thanh Sơn, Thùy Anh...

Hài hước, đáng yêu là những gì người đọc có thể nhận thấy ở hầu hết các bài bình luận về Nhà trọ Balanha, bộ phim được mua bản quyền từ nhà sản xuất Welcome to Waikiki của Hàn Quốc, và được phát sóng trên kênh VTV3 vào các tối thứ tư, thứ năm và thứ sáu hằng tuần. Fanpage bộ phim nhận được “cơn mưa lời khen” từ khán giả. Không ngôn tình sến súa như thường thấy với mô típ phim tình cảm Hàn Quốc, bộ phim của đạo diễn Khải Anh mang đến cho công chúng những giây phút thư giãn thú vị bởi tính trẻ trung, mới mẻ. Bộ phim cũng ghi nhận bước tiến về diễn xuất của dàn diễn viên trẻ, đặc biệt là nét hài hước mà duyên dáng của Xuân Nghị. Trên facebook, NSND Hoàng Dũng đưa ra lời nhận xét hóm hỉnh: “Chả chê được đứa nào, kể cả những đứa không xuất hiện”.

Bên cạnh những bộ phim đang phát sóng, nhiều bộ phim truyền hình đình đám trong thời gian qua như Về nhà đi con, Bán chồng, Hoa hồng trên ngực trái, Chạy trốn thanh xuân... cũng được khán giả tìm xem lại trên ứng dụng VTV giải trí. Điều này cũng cho thấy vị trí đặc biệt của phim truyền hình trong đời sống giải trí hiện nay.

Áp lực từ khán giả

Tuy nhiên, không phải phim truyền hình nào cũng có lịch phát sóng “xuôi chèo mát mái”. Ngày 23-3, website của VTV thông báo tạm dừng chiếu phim Đừng bắt em phải quên trên sóng VTV1 (khung giờ 21h từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần) khiến khán giả hết sức bất ngờ. Theo VTV, lý do tạm ngừng phát sóng là “để phù hợp với việc sản xuất và phát sóng chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền”. Thế chỗ bộ phim này là Mùa xuân ở lại của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng - đã phát sóng vào dịp Tết. Sau đó, trong khung giờ này sẽ là một bộ phim mới do VFC sản xuất.

Đừng bắt em phải quên vẫn chưa có lời hẹn trở lại với khán giả, càng khiến công chúng tò mò về lý do thật sự mà bộ phim này bị dừng phát sóng. Tuy nhiên, theo nhận định của một số “mọt phim” thì rất có thể chất lượng của bộ phim này là một trong những lý do chính. Khung giờ phim 21h trên VTV1 lâu nay đã trở thành một “thương hiệu” mạnh của VTV, với sự xuất hiện của nhiều bộ phim hấp dẫn. Hai bộ phim trước đó trên khung giờ này là Về nhà đi con và Sinh tử, đều được coi là phim “quốc dân” hay “bom tấn” của VFC - rất khác với Đừng bắt em phải quên nhận khá nhiều lời chê kể từ khi lên sóng. Đừng bắt em phải quên là một bộ phim tâm lý xã hội, xoay quanh câu chuyện về một gia đình khá giả ở thành phố có vẻ ngoài hoàn hảo nhưng lại có nguy cơ rạn vỡ vì sự xuất hiện của người thứ ba.

Mặc dù được đánh giá là có câu chuyện dễ thu hút khán giả (chuyện ngoại tình), dàn diễn viên có nhiều kinh nghiệm diễn xuất như Quách Thu Phương, NSƯT Hoàng Hải, NSƯT Kim Oanh... cùng dàn diễn viên trẻ Thanh Sơn, Quỳnh Kool, Kiều My..., song hiệu ứng của phim không được như kỳ vọng. Trên fanpage của bộ phim cũng như trên các diễn đàn, khán giả thẳng thắn nhận xét rằng phim mang nhiều tính kịch, thoại cứng, nhiều tình tiết vô lý... Đặc biệt, vai diễn “người thứ ba” của NSƯT Kim Oanh hứng chịu nhiều “gạch đá” nhất - về tạo hình nhân vật, cách cười, cách thoại... khá vô duyên. Khán giả Nguyễn Minh nhận xét: “Phim chưa xứng để chiếu giờ vàng VTV1”. Bình luận này nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Trước Đừng bắt em phải quên, cũng có một số bộ phim từng bị cắt sóng đột ngột như Quỳnh búp bê, Kẻ ngược dòng, Anh chàng vượt thời gian, Nhật ký Vàng Anh... Trong đó, lý do chủ yếu liên quan tới chất lượng phim. Tuy nhiên, một số phim sau khi chỉnh sửa đã được tiếp tục phát sóng và vẫn hấp dẫn được người xem, chẳng hạn như Quỳnh búp bê. Điều này cho thấy, dù là phim chiếu miễn phí trên truyền hình nhưng đã qua rồi cái thời người xem thấy chán thì tắt tivi, giờ thì họ sẽ lên tiếng, tạo áp lực buộc nhà sản xuất phải thay đổi. Với trường hợp Đừng bắt em phải quên, trên fanpage chính thức của bộ phim, nhiều khán giả chia sẻ họ vẫn hy vọng có thể tiếp tục được theo dõi câu chuyện này bởi dù sao phim cũng đang hé mở nhiều tình huống kịch tính, đặc biệt là câu chuyện tình yêu của những nhân vật trẻ trong phim khá thú vị.

Những gì đã và đang diễn ra cho thấy vai trò quan trọng của phim truyền hình, nhưng kèm theo đó là áp lực đổi mới đối với phía làm phim - điều thực sự cần thiết cho sự phát triển.

An Định/hanoimoi.com.vn 

Theo http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giai-tri/963240/phim-truyen-hinh-thoi-covid-cang-duoc-quan-tam-cang-nhieu-ap-luc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) có chủ đề “Thủ đô Hà Nội - Vị thế mới - Tầm vóc mới”. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật để tuyên truyền tới Nhân dân Thủ đô và cả nước về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội.
Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân

Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân

(PNTĐ) - Với nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện K Tân Triều hay các nhân viên ở Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã không còn xa lạ với hình ảnh một cô giáo, ca sĩ có khuôn mặt nhân hậu thường lui đến sẻ chia tấm lòng với những người có hoàn cảnh kém may mắn. Đó là chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) – người đã được Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020.
Show nhạc hội K-POP Festival OPEN AIR #2 bị huỷ vào phút chót

Show nhạc hội K-POP Festival OPEN AIR #2 bị huỷ vào phút chót

(PNTĐ) - Đại nhạc hội "Kpop Festival Open Air #2" được Sở VH&TT Hà Nội cấp phép tổ chức vào tối 23 và 24/12 tới tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tuy nhiên 1 ngày trước khi sự kiện này diễn ra, dù sân khấu đã dựng xong xuôi nhưng Ban tổ chức bất ngờ xác nhận thông tin chương trình bị hủy, không thể diễn ra như dự kiến.