Người vi phạm chưa chủ động nộp phạt

Chia sẻ

Từ ngày 13/3/2020, Hà Nội và 4 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc không phải đến cơ quan chức năng để nộp phạt giúp người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc với người khác, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch.

 Lợi ích đã rõ, song ghi nhận thực tế một tháng qua thực hiện trên địa bàn Hà Nội cho thấy kết quả chưa như mong muốn; người vi phạm vẫn chưa chủ động nộp phạt qua mạng vì nhiều nguyên nhân...

Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội giải quyết thủ tục, trả giấy tờ, hóa đơn cho người vi phạm.Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội giải quyết thủ tục, trả giấy tờ, hóa đơn cho người vi phạm.

Người dân chưa mặn mà

Từ ngày 13-3, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với một số cơ quan, đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, người dân ở 5 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Thuận có thể sử dụng hình thức nộp phạt trực tuyến. Khi thanh toán thành công, người dân được chọn 2 phương thức nhận lại giấy tờ tại nơi ra quyết định xử phạt hoặc qua đường bưu điện. Người vi phạm chỉ cần ở nhà, nhân viên của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (đơn vị phối hợp thực hiện), sẽ chuyển giấy tờ, hóa đơn tận tay.

Để triển khai thí điểm, Công an thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp hướng dẫn người dân sử dụng hình thức nộp phạt này. Thượng tá Đinh Thanh Thảo, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị đã tổ chức tập huấn và đồng loạt triển khai việc xử lý vi phạm qua mạng tới từng đơn vị trên địa bàn thành phố. Cụ thể, những ngày đầu triển khai thí điểm, các tổ tuần tra đều thông báo, hướng dẫn người vi phạm đăng ký số điện thoại và trao đổi quy trình nộp phạt qua mạng. Được hướng dẫn về hình thức nộp phạt vi phạm “mọi lúc, mọi nơi”, nhiều người dân ủng hộ và đã đăng ký số điện thoại với tổ tuần tra để nhận thông báo quyết định xử phạt, nộp phạt qua mạng.

Mặc dù được chuẩn bị để sẵn sàng đáp ứng việc nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng theo Phòng Cảnh sát giao thông, trong một tháng qua, đa số người vi phạm vẫn tự nộp phạt tại kho bạc theo hình thức cũ. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa “mặn mà” như nhà gần, không muốn gửi giấy tờ qua bưu điện vì lo thất lạc… Chị Nguyễn Thị Trang (trú ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, cuối tháng 3-2020, chị bị xử phạt vì không bật đèn xi nhan khi rẽ hướng di chuyển. “Lực lượng Cảnh sát giao thông đã hướng dẫn tôi cách nộp phạt qua mạng và nhận giấy tờ tận nhà. Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng bị thất lạc giấy tờ nên đã đến kho bạc nộp phạt ngay rồi quay về cơ quan công an nhận lại”, chị Trang nói.

Bị Cảnh sát giao thông dừng xe vì lỗi vượt đèn đỏ, chị Nguyễn Vân Anh (phố Giảng Võ, quận Ba Đình) đã đăng ký số điện thoại với tổ tuần tra để nhận thông báo quyết định xử phạt và nộp phạt qua mạng theo hướng dẫn. Nhưng vì nhà và cơ quan đều ở nội thành nên chỉ vài ngày sau, chị lại tự đi nộp phạt thay vì nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tích hợp công nghệ

Đại úy Đỗ Xuân Khoa, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an thành phố Hà Nội) vừa xử lý lỗi vi phạm giao thông vừa kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân về hình thức nộp phạt trực tuyến.Đại úy Đỗ Xuân Khoa, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an thành phố Hà Nội) vừa xử lý lỗi vi phạm giao thông vừa kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân về hình thức nộp phạt trực tuyến.

Việc thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua Cổng dịch vụ công quốc gia lần đầu được triển khai, do đó dự báo có khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh. Đại úy Đỗ Xuân Khoa, Tổ trưởng Tổ xử lý, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, phần lớn người điều khiển phương tiện giao thông chưa hiểu rõ về quy trình nộp phạt qua mạng. Vì thế, dù đã được hướng dẫn, nhiều người vẫn không chủ động đăng ký số điện thoại để nhận thông báo và nộp phạt qua mạng khi cần...

“Thực hiện quy định cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, số vụ vi phạm giao thông ở Hà Nội đã giảm đáng kể trong 2 tuần qua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan khiến việc triển khai xử phạt và nộp phạt qua mạng chưa có tiến triển”, Đại úy Đỗ Xuân Khoa nói.

Mặc dù mỗi ngày lực lượng Cảnh sát giao thông đều đưa hồ sơ vi phạm lên hệ thống dịch vụ công, tuy nhiên Thiếu tá Trương Việt Sơn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nếu người vi phạm không truy cập, nộp phạt qua hệ thống thì đơn vị không có cơ sở dữ liệu để tổng hợp. Để thay đổi nhận thức của người dân về hình thức nộp phạt này, Thiếu tá Trương Việt Sơn cho rằng, trong thời gian đầu thí điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông cần thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn mọi lúc, mọi nơi, cả trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở hay trong thời gian tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại hiện trường.

Về công tác thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian tới đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người dân các quy trình nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, tất cả các khâu kiểm tra, xử lý vi phạm, nộp phạt... đang được đơn vị chuyển dần sang trực tuyến, qua mạng internet, đồng thời đẩy mạnh công năng hiệu quả của hệ thống camera giám sát, xử phạt “nguội” của Cảnh sát giao thông.

Đại tá Dương Đức Hải cũng khuyến cáo, để tránh sai sót, khi nộp tiền vi phạm trên Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân cũng cần kiểm tra cẩn thận tài khoản ngân hàng, các chứng từ liên quan...

 Triệu Dương, Mai Hữu/Hà Nội mới

 

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/964396/nguoi-vi-pham-chua-thuc-su-chu-dong

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.