Phụng dưỡng bố mẹ già trong nhà dưỡng lão

Chia sẻ

Gần 10 năm chạy chữa thuốc thang khắp nơi, bố mẹ mới sinh được tôi. Đã vậy, từ lúc sinh ra tôi không khoẻ mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác.

Ông bà nội kể lại rằng, bố mẹ đã bế tôi đi khắp nơi để chữa những căn bệnh nan y mà tôi mắc phải, bao nhiêu tài sản tích cóp cạn kiệt dần. Tuy nhiên với tấm lòng thương con, bố mẹ đã không quản khó khăn làm đủ mọi công việc để có tiền chữa bệnh cho tôi. Rồi cứ như thể ông trời cảm động trước tấm chân tình ấy, đến năm 13 tuổi nhờ gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật của tôi được chữa khỏi hoàn toàn. Nhìn thấy kỳ tích ấy, ai cũng bảo tôi sau này phải phụng dưỡng, đối xử tốt với bố mẹ để bù đắp lại những năm tháng họ đã hi sinh hết mình cho tôi. Từ trong sâu thẳm trái tim của một người con, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ rơi hay đối xử không tốt khi bố mẹ đã về già.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với suy nghĩ ấy, tôi đã cố gắng làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Khỏi bệnh được đi học, tôi cố gắng học hành chăm chỉ để bố mẹ tự hào. Suốt những cấp học, tôi đều đạt học sinh giỏi. Bố mẹ tôi hết sức vui mừng trước điều đó. Họ bảo đúng là trời không phụ lòng sự vất vả lâu nay, con dù ốm đau bệnh tật nhưng cuối cùng cũng khỏi bệnh, lại còn học hành chăm chỉ, giỏi giang. Nhìn tôi ngày một trưởng thành, mạnh mẽ, bố mẹ tôi yên tâm vì về già chắc chắc được nhờ đứa con trai biết nghĩ, hiếu thảo như tôi.

Chính vì lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt ấy nên khi trưởng thành, đến tuổi lập gia đình tôi luôn nghĩ phải tìm cho bố mẹ một cô con dâu hiếu thảo, có thể cùng chồng chăm con sóc cho họ khi về nhà chu đáo. Tìm kiếm mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được một người con gái có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp như mong muốn. Từ ngày lập gia đình, rồi sinh con, tôi luôn căn dặn vợ và các con phải ăn ở phải đạo, đối xử tốt với ông bà. Lòng hiếu thảo của tôi đã trở thành tấm gương tích cực để vợ con tôi soi vào, vì thế gia đình tôi đã có những ngày tháng sống hạnh phúc bên bố mẹ già.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dù biết rằng quy luật sinh lão bệnh tử là tất nhiên nhưng bố mẹ tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện một ngày nào đó ai sẽ là người ra đi trước, người còn lại sẽ sống như thế nào. Những tháng ngày khỏe mạnh sống bên nhau, bố mẹ tôi là người luôn hiểu tâm lý con cháu trong nhà nên chúng tôi chẳng bao giờ chịu cảnh phiền muộn bởi sự trái tính trở nết của người già như những gia đình khác. Cho đến một ngày, bố tôi bất ngờ ốm nặng, đi khám ở bệnh viện thì bác sĩ kết luận ông bị bệnh hiểm nghèo, chỉ còn sống được hơn một tháng nữa. Đó là những tháng ngày đau khổ của mẹ và chúng tôi, bởi ai cũng bất lực trước cảnh bố dần dần rời xa gia đình mà không thể làm cách nào để kéo dài sự sống cho ông. Đặc biệt là mẹ tôi, bà suốt ngày bên cạnh bố tôi, khóc sưng cả mắt, oán hận số phận sao lại để vợ chồng già rơi vào cảnh chia ly đau đớn thế này. Rồi chuyện xấu ấy cũng đến, bố tôi ra đi trong nỗi đau buồn tột cùng của mẹ và chúng tôi.

Ngay sau khi bố tôi mất, mẹ tôi sống trầm cảm, trái tính trở nết, không ai trong gia đình có thể chiều nổi. Do đau buồn nhiều, mẹ tôi lại đổ bệnh và bị tai biến. Bệnh tật nằm một chỗ khiến bà trở nên khó tính, thường xuyên mắng chửi con cái, kể nghèo, kể khổ, thậm chí còn đập phá đồ đạc trong nhà. Là một người kiên nhẫn, hiểu và yêu thương bố mẹ hết mình như tôi nhiều lúc cũng cảm thấy quá sức chịu đựng. Sự khó tính của mẹ tôi đã làm cho tình cảm giữa mẹ chồng - con dâu cũng như bà và các cháu có phần rạn nứt. Vợ con tôi không còn gần gũi, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống như trước đây với mẹ tôi. Nhận thấy sự xa cách, lạnh lùng dần trong các đối xử của con cháu, mẹ tôi lại càng chửi rủa và đổ bệnh nặng hơn.

Vì điều kiện công tác không thể thường xuyên có mặt ở nhà để chăm sóc mẹ, vợ chồng tôi đã bàn đến phương án thuê người giúp việc về đỡ đần. Thế nhưng không một người giúp việc nào chịu đựng nổi tính nết của bà. Người nào giỏi lắm thì làm được hai tháng còn không chỉ được dăm bữa nửa tháng là họ xin thôi. Tình cảnh ấy đã khiến vợ chồng tôi lâm vào thế bí bách, chỉ còn biết tạm thời luân phiên nhau xin nghỉ việc không lương để chăm sóc phụng dưỡng bà. Tuy nhiên đó chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt, vợ chồng tôi không thể hết lần này đến lần khác xin nghỉ làm kiểu ấy.

Nhiều người cho biết căn bệnh của mẹ tôi sẽ phải kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt rất cần có người bên cạnh giúp tập phục hồi chức năng, tránh bị bại liệt hoàn toàn. Họ bảo với hoàn cảnh và điều kiện của tôi thì nên cho bà vào các trung tâm, nhà dưỡng lão, trại điều dưỡng dành cho người già. Ở đó sẽ có các điều dưỡng viên chăm sóc và giúp bà tập phục hồi. Chúng tôi chỉ cần bỏ ra một khoản tiền đóng vào đó là xong. Thoạt nghe qua, tôi cũng thấy tiện lợi cho cả hai bên. Thế nhưng người thân và họ hàng của tôi lại kịch liệt phản đối kế hoạch ấy. Họ bảo rằng tôi có tiền nhưng bất hiếu, ai lại bỏ tiền ra thuê người báo hiếu mẹ như thế bao giờ. Làm như vậy, khác nào "tống" mẹ già vào trại dưỡng lão cho nhẹ gánh; rằng các nơi đó chỉ dành cho những người già cô đơn không nơi nương tựa, mẹ tôi còn có con cái đàng hoàng, kinh tế ổn định thì không có lý do phải vào những nơi ấy. Mặt khác, chẳng lẽ phận làm con, tôi lại để cho bà phải chịu những năm tháng cuối đời cô đơn, vò võ không con không cháu... Nói tóm lại, đưa bà vào nhà dưỡng lão là tôi đã phạm vào tội bỏ rơi, ngược đãi bố mẹ già lúc ốm đau già cả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quả thật tôi rất muốn đưa mẹ vào trung tâm điều dưỡng vì thấy nó không những tốt cho chúng tôi lại còn tốt cho bà. Vì ở đó bà sẽ được chăm sóc, phục hồi đúng bài bản hơn. Nhưng vợ chồng tôi không thể nào thuyết phục được mẹ cũng như người thân trong gia đình, họ hàng.

Thiết nghĩ, vấn đề chăm sóc bố mẹ khi về nhà nên chăng cần được các gia đình và xã hội có cái nhìn thông thoáng hơn. Nếu có điều kiện, con cháu chăm sóc bố mẹ già ở nhà là tiện và đúng đạo nhất. Nhưng trong một số hoàn cảnh đặc biệt, việc để bố mẹ sống già trong nhà dưỡng lão cũng tiện lợi cho cả đôi bên. Điều cuối cùng mà bản thân bố mẹ già cần là được chăm sóc chu đáo khi tuổi cao sức yếu, là nhận được sự quan tâm của con cháu. Nếu như sống trong nhà dưỡng lão, bố mẹ già được chăm sóc tốt cả về y tế lẫn cuộc sống hàng ngày, con cháu vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi thì tại sao lại không thể xem đó là cuộc sống già hạnh phúc. Người già không hẳn cứ phải sống cùng con cháu trong gia đình mới được phụng dưỡng, được quan tâm đầy đủ. Vì bây giờ, do điều kiện hoàn cảnh cuộc sống, một số con cháu không thể hàng ngày trực tiếp ở nhà để chăm sóc bố mẹ già, mà phải dựa vào sự hỗ trợ của các loại dịch vụ khác như thuê người giúp việc. Trong khi đó, không phải người giúp việc nào cũng “có tâm” và sự kiên nhẫn khi phục vụ các gia chủ khó tính của mình.

Lê Thành Nghị (Tây Hồ - Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.