Bà ngoại thời Cô-vít

Chia sẻ

Mình rất thương mẹ, nhất là sau khi bố qua đời, mẹ chỉ còn một mình trong căn nhà đã từng có 4 người: bố mẹ và hai chị em mình. Nhưng sau một thời gian em trai mình lấy vợ, con được 2 tuổi thì ra ở riêng, mặc dù nhà rộng, mẹ bảo chúng ở với mẹ nhưng em dâu mình không muốn.

Em dâu là người làm ra tiền hơn em trai mình, lại có tính quyết đoán nên em trai mình chiều theo, không chỉ việc này mà nhiều việc khác nữa, vợ nó là nhất. Mình biết là mẹ rất buồn, mẹ nhìn đông nhìn tây, nhiều nhà gia đình vẫn sống chung mấy thế hệ, và coi đó là chuẩn mực xã hội. Còn mẹ thì vò võ, lủi thủi. Buồn, nhưng mẹ không nói, mẹ chỉ bảo buồn vì con trai lại quá sợ vợ… Mình không thể góp ý gì trong chuyện này. Quan hệ gia đình luôn là chuyện rắc rối và ở thế hệ tuổi mình thì mọi chuyện cần tế nhị, nên giải quyết nhẹ nhàng, tình lý phải có sức thuyết phục.

Bà ngoại thời Cô-vít - ảnh 1Ảnh minh họa

Mình thủ thỉ với mẹ: “Từ lâu mọi thứ thay đổi rồi mẹ, bố cũng luôn nghe lời mẹ đấy thôi. Thuận vợ thuận chồng là hơn cả mẹ ạ. Nguyên tắc là do chính chúng ta đặt ra mà chúng ta sống với sự hợp lý của nó chứ đừng vì người khác, sợ người khác đánh giá này nọ. Xưa, đàn bà nhất nhất phải theo ý chồng, phải ở nhà chồng phục vụ và gánh vác vì đàn bà hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế của người chồng và gia đình chồng. Giờ đã khác, em dâu đã quá vất vả trong công việc rồi, cũng phải cho cô ấy một cuộc sống thoải mái chút mẹ ạ…”.

Có lẽ mẹ cũng nghe mình nên thôi thở dài. Mẹ thu xếp cuộc sống độc thân, không có ý đi bước nữa, mỗi lần mình về thăm thấy mẹ đỡ buồn dần mình cũng đỡ lo. Nhà cửa của mẹ gọn gàng, ngăn nắp hơn lại có thêm hoa tươi mỗi chủ nhật. Thấy mình ngạc nhiên, mẹ bảo, hồi bố còn sống bố bị bệnh hen không thích hoa vì sợ bụi phấn và hương thơm của hoa, vả lại hồi đó mẹ cũng tất bật cho các em con và cháu, giờ có thời gian hơn nên cũng hưởng thụ một chút. Mẹ bảo, giờ mẹ đi tập thể dục ngoài công viên, đọc sách, xem phim, dự các cuộc vui với bạn cùng trang lứa, có khi đi du lịch cả nhóm… Nghe thế, mình yên tâm hẳn. Đàn bà Việt mình đã qua thời gian sống chả nghĩ gì đến bản thân, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, đến khi con cháu ở tách ra rồi lại rơi vào tình trạng “khổ quen rồi, sướng không chịu được”. Giờ thì mẹ đã chăm lo hơn cho mẹ…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc sống cứ tươi đẹp thế nếu không xảy ra chuyện con virus tệ hại kia. Mẹ đã trên 60, ở cái tuổi sức đề kháng đã ít dần, mình bỗng thấy lo mẹ ở một mình, lỡ có điều gì xảy ra sẽ rất rắc rối. Nhưng, sự thực thì mẹ lại không lo cho mẹ, mà lại quá lo cho mình. Cả hai vợ chồng mình đều là bác sĩ, con thì nhỏ nên đều nghỉ học ở nhà. Lúc đầu mẹ bảo gửi con xuống nhà mẹ, mẹ trông nom săn sóc. Mình nghĩ ngợi ghê lắm. Đưa con xuống mẹ thì vợ chồng mình không muốn, đưa mẹ lên đây thì mẹ cũng không muốn mà chồng mình chắc chắn cũng không muốn. Bởi lẽ, chồng mình là bác sĩ phòng khám đã rất khổ với bệnh nói nhiều của hầu hết bệnh nhân, về đến nhà là anh mệt phờ, muốn nghỉ, muốn được hoàn toàn vô tư trong không gian riêng, nếu có thêm người, lại là mẹ vợ thì mọi sinh hoạt sẽ đảo lộn. Mẹ mình vì hay quan tâm người khác và là người xởi lởi nên cũng… nói nhiều.

Mình rất lúng túng và quả thật không biết cách xoay sở ra sao trong tình cảnh này, nhất là khi cả hai vợ chồng đều phải trực tại bệnh viện. “Chống dịch như chống giặc”, là bác sĩ giỏi anh phải tham gia tổ trực covid, 9 ngày mới về nhà một lần, mình thì một tuần cũng trực 2 ngày ở khoa nội viện Nhi. Thần kinh 2 vợ chồng đều căng như dây đàn, giai đoạn này phải rất kiềm chế mới không cáu bẳn. Các con thì ở mãi trong nhà cũng là một vấn đề, cứ xểnh ra là quên học bài, làm bài.

Mình than thở với mẹ qua điện thoại, chỉ là than thở chứ không dám có ý gì, nhưng không biết vì sao mẹ lại hiểu ra vấn đề. Mẹ bảo sẽ đến nhà mình giúp mình. Mẹ chủ động, nói: “Mẹ nghĩ mãi rồi, lúc này ý nghĩa gia đình mới thấy rõ. Chúng ta cần nhau, chúng ta luôn là chỗ dựa của nhau. Các con cần mẹ, mà mẹ cũng cần các con, dù hiện tại mẹ còn khỏe… Mẹ lo cho các con, lo lắm, mẹ sẽ đến… và mẹ sẽ biết làm thế nào để không xáo trộn của sống của vợ chồng con, mẹ hứa sẽ chỉ làm cho nó tốt hơn thôi… Con yên tâm nhé. Nếu con và chồng con đồng ý thì mai mẹ đến…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ nói ngắn, nhưng hàm chứa nhiều điều, trong đó thấy rõ mẹ muốn ở bên con cháu. Mình gọi điện cho chồng. Anh đồng ý luôn, còn bảo, đừng để mẹ tự đi mà hãy cho xe đón mẹ. Ngày mẹ lên nhà mình, chưa phải là những ngày thành phố có lệnh giãn cách xã hội, ngày đó dịch chưa diễn biến khó lường như khi mình ngồi viết những dòng này. Nhưng, cả hai vợ chồng là bác sĩ nên đều luôn thường trực với trách nhiệm khi cần là có. Mẹ lên, cả nhà đều vui. Mẹ vốn là giáo viên cấp 2 lại là người ham đọc sách nên có vốn kiến thức sâu, bọn trẻ được bà ngoại kèm cặp theo tỷ lệ học và chơi trong ngày rất chuẩn nên chúng nghiêm túc và thoải mái. Mẹ biết dùng mạng nên cũng chủ động từ việc gọi thực phẩm đến xem thông tin y tế và dọn dẹp nhà cửa theo đúng ý mình. Thật không còn gì mừng hơn. “Mẹ lại một lần nữa cho con, và cho nhiều quá, không giá nào trả nổi”- mình âm thầm nghĩ. Mình so sánh những ngày lệ thuộc vào người giúp việc đã không lên từ trước Tết mà càng thấy thương mẹ.

Mẹ không chỉ bằng ba người như cô ấy mà nhiều việc mẹ còn làm hiệu quả hơn cả mình. Một điều ngạc nhiên nữa là mẹ không xen vào câu chuyện của vợ chồng mình như trước nữa, không góp ý phải thế này thế nọ, đôi khi góp ý ấy là con ruột mình còn thấy khó chịu. Mình bật cười tự bảo, cái được nhất trong mùa Cô- vít này là mỗi người dành nhiều thời gian để nghĩ nhiều hơn, để hoàn thiện bản thân hơn, chuẩn hơn trong quan hệ cư xử với người khác. Mỗi lần chồng mình rời bệnh viện về, mẹ đều biết trước, nấu sẵn những món ngon nhất, bày biện đẹp nhất lên bàn ăn, ăn cùng cả nhà rồi lặng lẽ rút lui vào phòng dành cho bà. Chồng mình cũng nhận ra sự thay đổi của mẹ và anh bày tỏ sự cảm động. Mình thấy hạnh phúc ngập tràn.

Mình viết ra điều này, mong tất cả mọi người đều hạnh phúc như mình. Mình và mẹ đã nói với nhau, nếu mai kia hết dịch, mẹ có thể vẫn về lại nhà mẹ sống với không gian quen thuộc của mẹ, nhưng mẹ sẽ hài lòng là đã giúp được con cháu khi cần. Nếu mẹ già hơn nữa, mẹ sẽ chuyển đến ở với vợ chồng mình và tin chắc về lòng biết ơn của vợ chồng mình với mẹ.

TRẦN LỆ DUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.