Vợ làm trụ cột kinh tế, "nói không" với việc nhà?

Chia sẻ

Nhà đang vào vụ gặt ở quê nhưng bà Hòa vẫn phải thu xếp để ra phố trông cháu cho vợ chồng con trai đi làm. Trước đây, con dâu thuê giúp việc nên không phải nhờ cậy mẹ chồng, giờ con cần, bà bận mấy cũng phải cố gắng.

Vợ làm trụ cột kinh tế, (Ảnh: minh họa).

Nhà bà Hòa có hai con trai, con đầu học xong lập nghiệp, lấy vợ ra ở riêng trên Hà Nội, con thứ sống cùng vợ chồng ông bà ở quê. Vì bận bịu mưu sinh nên ông bà chẳng có dịp ra phố chơi với con cháu thường xuyên. Vì vậy, lần đi trông cháu này, bà mới có dịp hiểu về cuộc sống của vợ chồng con trai.

Vừa ra được một tuần, bà Hòa gọi điện về than thở với chồng: Con trai mình cả đời sống "nhục" rồi ông ạ. Nó suốt ngày về nấu ăn giặt giũ cho vợ. Vợ nó thì chẳng khác gì "bà chúa" trong nhà. Phụ nữ mà không đụng tay làm việc nhà một chút nào cả.

Mấy ngày đầu, bà thấy con dâu đi sớm về muộn, chuyện đi chợ, nấu nướng bà lo, ăn xong, con trai bà dọn dẹp, con dâu chỉ ôm con chơi rồi lướt điện thoại, đến giờ đi ngủ. Bà cứ nghĩ con dâu bận một hai hôm nên con trai làm đỡ vợ. Ai ngờ chuyện đó cứ lặp đi lặp lại hàng ngày khiến bà "cay mắt". Bà hỏi con trai nguyên nhân do vợ không biết, hay không chịu làm việc nhà. Nếu không biết, bà sẽ dạy cho, còn không làm thì lại là vấn đề khác. Chẳng ngờ, con dâu nghe được câu chuyện hai mẹ con bà nói với nhau nên trả lời luôn: "Trong nhà con đã phân công rõ ràng nghĩa vụ của mỗi người rồi mẹ ạ. Con làm trụ cột kinh tế thì không có nghĩa vụ làm việc nhà nữa. Trước đây, con thuê giúp việc nên chồng con không phải làm, nhưng phải có nghĩa vụ quán xuyến mọi việc. Giờ không có giúp việc thì anh ấy phải làm là đương nhiên. Mẹ đừng thắc mắc và can thiệp sâu vào quy tắc chung trong gia đình chúng con".

Bà chưng hửng, ở đâu có cái "quy tắc" phụ nữ làm ra tiền thì không cần phải làm việc nhà cơ chứ. Trong khi đó, việc này lâu nay còn bị mặc định là của phụ nữ. Thời hiện đại, tân tiến, bình đẳng đến đâu thì phụ nữ cũng không bỏ hẳn "thiên chức" có từ xa xưa ấy. Bà nghĩ nhất định phải thay đổi "quy tắc" này của con dâu.

Từ hôm đó trở đi, bà dùng "quyền mẹ chồng" hạ lệnh cho con dâu đi làm về phải tắm rửa cho con, vì đó là con gái nên mẹ tắm sẽ tiện hơn bố. Con bé năm nay 6 tuổi, bụ bẫm, cơ thể phát triển sớm, việc đụng chạm khi tắm rửa trở nên nhạy cảm. Vậy mà lâu nay, con dâu bà cứ để chồng tắm cho con gái. Bà già rồi nhưng ngày nào cũng xem ti vi nghe người ta nói về việc chăm sóc, bảo vệ bé gái thế nào. Đồng ý, bố nó có thể đưa đón con đi học, nấu cho nó ăn hàng ngày nhưng việc tắm rửa, dạy con gái vệ sinh các bộ phận trên cơ thể thì mẹ phải làm. Bận mấy, làm ra tiền nhiều bao nhiêu, mẹ cũng không được bỏ quên việc đó. Ban đầu, con dâu còn bảo bà quan trọng hóa vấn đề, nhưng con trai bà thì có vẻ hiểu ra vấn đề. Nó thừa nhận sự lúng túng của con bé mỗi khi được bố tắm, kỳ cọ nên ủng hộ quan điểm để vợ chăm sóc con gái, anh đảm nhiệm phần tắm cho con trai.

Chuyện bếp núc, bà biết con dâu đi làm hàng ngày về mệt mỏi nên đỡ đần hộ. Nhưng ngày nghỉ, bà muốn con dâu giữ lửa bữa cơm gia đình bằng việc làm "bếp trưởng" bữa ăn cải thiện cuối tuần. Cả nhà sẽ phụ giúp nhưng cơ bản con dâu sẽ đảm nhiệm chính chuyện chọn món, nấu nướng. Cứ thế, mỗi tuần con dâu bà vào bếp một hai bữa. Ban đầu, nó miễn cưỡng làm nhưng sau đó thì hạnh phúc với việc ấy. Thỉnh thoảng, bà lại tỉ tê với con dâu về bí quyết giữ chồng "qua con đường dạ dày". Phụ nữ có thể không cần nấu ăn giỏi nhiều món nhưng nhất định phải biết làm một, hai món để giữ lửa cho bữa cơm trong gia đình.

Thời hiện đại, sự phân công trong gia đình sao cho hợp lý là cần thiết nhưng không có nghĩa là vợ chồng đổi ngôi nếu như chồng không làm ra kinh tế, vợ trở thành trụ cột. Việc làm trụ cột kinh tế cũng không có nghĩa là mình trở thành "ông vua, bà chúa" trong nhà, và đối phương phải phục vụ lại mình. Dù chồng hay vợ làm trụ cột kinh tế thì trong gia đình, việc nhà vẫn còn có sự chia sẻ lẫn nhau. Bởi việc nhà đôi khi lại là cầu nối, chất keo, giúp các thành viên gia đình quan tâm, chia sẻ, xích lại gần nhau hơn, giúp hạnh phúc trở nên bền vững.

THÁI THỊ HOA (Nghệ An)

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.