Người trẻ phạm tội vì nghiện game online: Trách nhiệm không của riêng ai

Chia sẻ

Thời gian gần đây, hàng loạt thanh thiếu niên sa lưới pháp luật vì nghiện game online. Môn “thể thao trí tuệ” này có gì hấp dẫn mà khiến các bạn trẻ đắm chìm không thoát ra được, thậm chí nhiều bạn trẻ còn phạm tội vì game? Và ai phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả này?

Quán game trên trục Đê Tả Sông Hồng xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội 	 Ảnh: Hải HảiQuán game trên trục Đê Tả Sông Hồng xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Cứ chơi là nghiện

Phóng viên (PV) Báo Phụ nữ Thủ đô đã vào vai một game thủ đến một quán game trên trục đê tả sông Hồng thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội (cách trường THCS Vĩnh Ngọc vài trăm mét). Trước cửa quán, xe máy đã chật kín sân, PV phải để xe ra gần ngoài cổng vì hết chỗ. Đẩy lớp cửa kính bước vào, mùi thuốc lá khét lẹt ập vào sống mũi kèm theo hơi máy lạnh phả vào khiến người không hút thuốc có cảm giác buồn nôn. Hàng chục thanh niên ngồi kín hết gian phòng có khoảng 30 máy tính cấu hình cao, mắt dán vào màn hình, tai đeo phone, tay di chuột và miệng liên tục la hét reo hò như đang đánh trận. Tiếng nói tục chửi bậy, tiếng hò hét rồi vỗ đùi đen đét của cả người chơi và người cổ vũ khiến máy lạnh dù chạy hết công suất nhưng căn phòng vẫn nóng, nhiều thanh niên phải cởi trần mặc quần đùi để việc chơi game được thoải mái nhất.

“Lấy chai nước đê… pha anh gói mì tôm trứng, nhớ cho tương ớt vào nhé… cho mấy gói bim bim ăn đỡ buồn mồm nào…” đồ ăn nhanh và thức uống lúc nào quán cũng sẵn sàng để phục vụ tận bàn cho các game thủ, chỉ cần gọi vài phút sau là có đồ nhâm nhi.

“Tính tiền đê… của anh cả tiền mua đồ (mua đồ để đua top trong game) là 270 ngàn… bơm em ít đạn đi đại ca, mai mốt em trả 1 thể… Đây, hôm nay 200 nữa là 500 nhé, mai không trả thì cứ xác định…”. Tiếng gọi đồ ăn uống, thanh toán, vay mượn xen lẫn tiếng nói tục, chửi thề, tiếng bắn súng phát ra từ máy tính tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp trong một căn phòng chừng 30m2. Lâu lâu, phục vụ quán lại đi dọn các túi bim bim và vỏ chai nước ở các bàn, lấy chổi quét các tàn thuốc lá…

Ngồi cạnh PV là một game thủ cừ khôi, chơi rất siêu và được nhiều người tán thưởng. Nam thanh niên này tên là Đ.H.T, năm nay 23 tuổi, đã chơi game từ năm 13 tuổi. T sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc. Bố không công ăn việc làm lại suốt ngày cờ bạc, nhà chỉ có mình mẹ đi làm nhưng về đến nhà là chửi cả bố cả con. T không được dạy dỗ tử tế, học hành không đến đầu đến đũa, T tìm niềm vui trong game.

Đầu tiên chỉ chơi để giết thời gian, nhưng suốt 2 năm đầu T không có một trò tiêu khiển nào khác, chỉ biết vùi đầu vào game. T thực hiện hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác trong game, đua hết các chặng để lên top đầu, T lên vị trí bang chủ trong game. Ở thế giới ảo, T có quyền lực, có lính để sai bảo, được thể hiện cái tôi cá nhân, một ngày T chơi game đến mười mấy tiếng đồng hồ, có những thời gian T ăn ngủ tại quán game mấy tháng liền không về nhà bố mẹ cũng không quan tâm.

T chia sẻ, khi nghiện game mỗi ngày tiêu hết khoảng 500 ngàn đồng, xin tiền gia đình không đủ T quay sang vay mượn hết bạn bè người thân, nhưng chỉ mượn mà không trả nên bị mất hết uy tín và thể diện. Để có tiền chơi game, T phải lừa cả chủ quán, chơi xong bảo nợ rồi quỵt, nhưng mỗi quán chỉ được 1 lần, T cứ đi hết quán này đến quán khác. T nói, tuy không dám đi ăn cướp nhưng rất nhiều bạn bè của T để có tiền chơi game đã đi ăn trộm, ăn cướp và vướng vào vòng lao lý.

T cho biết, chơi game có 3 giai đoạn, mới chơi khoảng 1 đến 2 năm với tần suất thấp và người chơi vẫn kiểm soát được thời gian, bản thân chấp nhận được. Nếu gia đình phát hiện và can thiệp kịp thời thì giai đoạn này cai game rất dễ. Nhưng sau 2 năm mà mật độ chơi tăng lên và một ngày ngồi mười mấy tiếng trước màn hình, thậm chí ngủ gục trên bàn máy tính, bị hoang tưởng, ảo giác chạy ra ngoài để thực hiện các “nhiệm vụ” trong game là giai đoạn nghiện nặng và rất nặng. Những ai ở vào giai đoạn này thì rất khó cai, chỉ có cách tách biệt hoàn toàn khỏi máy tính và cho người nghiện game vào một môi trường hoàn toàn mới sống và học tập một thời gian dài mới có hi vọng.

Theo T, các nhà phát hành game rất biết cách cài đặt các nhiệm vụ để người chơi không thoát ra được, cứ đến giờ này là phải đi đánh trận, đến giờ này là phải đi công thành, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị loại ra khỏi hàng ngũ, mất hết “thành tích” đã phấn đấu suốt 1 thời gian dài. Vì thế, những người đã lỡ lún sâu vào game thì bất chấp học hành, danh dự, uy tín, sức khỏe, thời gian để lao vào mà không có đường quay lại.

Giết người, cướp của vì game online

Ngày 16/6, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố bị can, bắt tạm giam Đào Ngọc Hoàng (17 tuổi, ngụ xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) để điều tra về hành vi giết người. Hoàng bị cáo buộc liên quan đến cái chết bé H.T.V.Đ (5 tuổi, hàng xóm của Hoàng). Chiều ngày 7/6, bé Đ xin bố qua nhà Hoàng chơi. Đến tối cùng ngày gia đình không thấy bé Đ về liền đi tìm. Qua trích xuất camera an ninh người dân xác định Hoàng là người tiếp xúc cuối cùng với bé Đ.

Những gương mặt trẻ măng, “cày” game rất chăm chú 	Ảnh: Hải HảiNhững gương mặt trẻ măng, “cày” game rất chăm chú.

Thức ăn nhanh phục vụ tại chỗ 	Ảnh: Hải HảiThức ăn nhanh phục vụ tại chỗ. 

Chiều ngày 9/6, Hoàng dẫn cơ quan chức năng vào khu vực giấu bé Đ thì phát hiện bé đã chết từ trước đó. Lúc này, hai tay bé bị trói bằng dây vải từ áo chống nắng, miệng bị bịt bằng băng keo và vải. Cạnh thi thể bé còn có xúc xích, sữa và ít bánh. Kết quả khám nghiệm tử thi bé Đ xác định bé tử vong do ngạt, không có thương tích trên cơ thể.

Hoàng khai nhận việc đưa bé Đ vào khu vực rừng dẫn đến cái chết của bé là do nam sinh này thực hiện theo trò chơi điện tử giấu bé rồi sau đó làm "người hùng" đi cứu bé.

Sáng ngày 19/6, đại tá Trần Duy Trường, trưởng Công an huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, cho biết đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 6 thanh thiếu niên gây ra vụ cướp 2 ngày trước. Do cần tiền chơi game, 6 thanh thiếu niên rủ nhau đi cướp của một phụ nữ mang túi xách chạy xe máy tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk rồi bỏ trốn nhưng đã bị công an bắt sau gần 2 ngày gây án.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 9h30 sáng ngày 16/6, chị Cảnh (38 tuổi, trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) chạy xe máy đi trên đường thuộc buôn Ea Yông A, xã Ea Yông thì bị một nhóm thanh thiếu niên chạy xe máy áp sát.

Nhóm này giật túi xách bên trong có một lắc vàng, hơn 1 triệu đồng và một số giấy tờ tùy thân. Đến 22h cùng ngày, công an huyện đã triệu tập 3 thanh niên nghi vấn, gồm: L.V.M.H. (18 tuổi), P.V.L. (19 tuổi), N.P.H. (19 tuổi), cùng trú tại huyện Krông Pắk.

Đồng thời thu giữ túi xách, một lắc vàng và chiếc xe máy mà nhóm này đã sử dụng làm phương tiện phạm tội. Tại cơ quan điều tra tra, các thanh niên này đã khai nhận hành vi phạm tội và khai thêm 3 đồng phạm đã bỏ trốn.

Đến 18h ngày 18/6, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pắk đã bắt giữ 3 thanh niên liên quan còn lại, gồm: N.T.N. (17 tuổi), N.Đ.T.N. (16 tuổi), H.V.T. (16 tuổi) cùng trú tại huyện Krông Pắk khi cả ba đang lẩn trốn tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai. Các thanh thiếu niên này đều đã sớm nghỉ học, bỏ nhà đi lang thang và tất cả đều nghiện game online.

Nghiện game vì gia đình không hạnh phúc

Diễn giả Đỗ Thái Đăng, Giám đốc Công ty giáo Dục nhân tài Đất Việt VIG Education cho biết, anh đã gặp rất nhiều trường hợp bị nghiện game online và cũng giúp được không ít trường hợp thoát khỏi trò chơi điện tử này, tìm được niềm vui khác trong cuộc sống.
Đến tận bây giờ, anh Đăng vẫn nhớ ánh mắt vô vọng của một người mẹ đã ly hôn, con trai học cấp 3 ở với bố, bố bỏ bê không quan tâm đến con suốt một thời gian dài. Mẹ cứ gặp bố là cãi nhau và xung đột rất quyết liệt với cả mẹ chồng nên cậu con trai càng chán và không tìm được mục đích học tập, không có lý tưởng, ước mơ. Nó vùi đầu vào game online suốt ngày đêm, không giao tiếp với ai, học hành sa sút, người gầy nhẳng. Để có tiền chơi game, nó nói dối, ăn cắp và tỏ ra bất cần.

Cùng nhau… đua top 	Ảnh: Hải HảiCùng nhau… đua top Ảnh: Hải Hải 

Em học sinh đó tên là T. “Khi tôi đến nhà gặp T, em ấy cứ nằm dài trên giường chơi game và coi như tôi không xuất hiện”- anh Đăng chia sẻ.

Sau đó diễn giả Đỗ Thái Đăng tiếp cận T như một người bạn, lắng nghe em tâm sự, động viên và truyền năng lượng tích cực cho Tuấn bằng cách phân tích về nỗi khổ của mẹ, tình yêu của mẹ dành cho Tuấn, cho tham gia các lớp học về cách thiết lập mục tiêu ước mơ, nhờ bạn ấy làm phụ đạo viên cho các lớp truyền năng lượng tích cực để vừa giúp T được truyền cảm hứng, vừa giúp em tránh xa game online. Sau một thời gian dài kiên trì, đến nay em đã thoát khỏi cơn nghiện game đeo bám nhiều năm trời, đã đi làm và yêu đời hơn.
Qua tiếp xúc và can thiệp nhiều trường hợp nghiện game, diễn giả Đỗ Thái Đăng cho biết, những người nghiện game có biểu hiện là đi qua đêm, nếu chơi ở nhà thì sẽ thức đêm và ngủ ngày. Tinh thần luôn mất tập trung và dễ cáu giận. Hậu quả là hệ thần kinh bị ảnh hưởng, học hành chểnh mảng, hay bị ảo tưởng và ngáo làm những chuyện bất bình thường, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.

Yếu tố đẩy các em vào “vũng lầy” nghiện game không thoát ra được, theo diễn giả Đỗ Thái Đăng đầu tiên là gia đình. Có rất nhiều em nghiện game vì bố mẹ ly hôn hoặc mải kiếm tiền mà bỏ bê con cái, hoặc các thói tật của cha mẹ như hay chửi bới, mạt sát con khiến trẻ buồn chán, không có niềm tin vào bản thân và không biết xác định phương hướng, mục đích trong cuộc sống. Một số gia đình có điều kiện thì mua máy tính bàn để phòng riêng cho con và không kiểm soát được thời gian con chơi game…tiếp là mới đến trách nhiệm của nhà trường và xã hội, cả các cấp chính quyền không quản lý, kiểm soát tốt các loại game được phát hành trên thị trường cũng như thời gian hoạt động của các tiệm internet.

Game lậu tràn lan, pháp luật đi sau thực tế

Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, tình trạng phát hành game online mang nội dung bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã phần nào được hạn chế. Tuy nhiên, game có nội dung bạo lực, đồi trụy vẫn tràn lan, có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang mạng, các tiệm chơi game. Rõ ràng, pháp luật có quy định nhưng khả năng vận dụng trên thực tế là không cao.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do các loại game online đa phần nhập từ nước ngoài, thậm chí một số game còn nhập lậu, nhà nước rất khó quản lý. Mặt khác, vì là loại game trực tuyến nên người dùng có thể dễ dàng tiếp cận. Việc tham gia các trò chơi này không hề có giới hạn, chỉ cần có một tài khoản game, một chiếc máy tính đủ mạnh và được kết nối internet là đã có thể tham gia chơi.

Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn, luật sư Công ty Luật Ngọc Tấn và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc quản lý, cấp phép game online do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, cấp phép điều này được quy định tại Chương 4 - Nghị định 72/2013/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2013 và hướng dẫn tại Thông tư 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 01/03/2018 đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị đinh 27/2018/NĐ-CP. Trong đó có quy định phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông cũng như UBND cấp quận, huyện được UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương giao chủ trì việc cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Theo luật sư Tấn, hiện nay, việc quản lý hoạt động game online còn nhiều hạn chế bao gồm cả “lỗ hổng” về các quy định của pháp luật và trong thực tế. Cụ thể, pháp luật không quản lý được toàn diện hoạt động game online và có xu hướng đi sau, chậm hơn so với thực tiễn phát triển của loại hình trò chơi điện tử này. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 01/03/2018 nhưng nghị định này chỉ bổ sung, sửa đổi chủ yếu về mặt thủ tục hành chính trong việc thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng. Mặt khác, các văn bản này bỏ qua, không đề cập đến việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và cung cấp thông tin của các nhà mạng (là nhà cung cấp dịch vụ internet). Trong khi thực tế chỉ có chính các nhà cung cấp mạng này mới có đủ công cụ kỹ thuật và điều kiện để kiểm soát từng địa chỉ tài khoản Internet, biết được người chơi truy cập vào địa chỉ nào, trang nào. Đây chính là biện pháp quản lý tốt nhất nhưng không được quy định..., các văn bản hiện chỉ tập trung điều chỉnh hai đối tượng đó là doanh nghiệp, cơ sở cung cấp dịch vụ game online và người chơi.

Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn cho biết thêm, theo quy định pháp luật hiện hành về quản lý game online quy định nhà cung cấp game online phải có máy chủ đặt tại Việt Nam, phải có đủ nhân sự quản lý máy chủ, có trang điện tử giới thiệu và dấu hiệu phân biệt độ tuổi chơi game cũng như phân loại game, người chơi phải khai báo thông tin cá nhân... Trong thực tiễn hoạt động các đối tượng liên quan này thực hiện không đúng quy định hoặc không thực hiện, thậm chí khai báo thông tin giả... nhưng cơ quan quản lý không biết, không thể kiểm tra, giám sát và xử lý chưa kể có nhiều game là hàng nhập lậu chưa quản lý được. Các nội dung quy định tại văn bản pháp luật quản lý loại hình game online dù đã quy định chặt chẽ nhưng lại không mang tính khả thi, chưa hiệu quả trong việc quản lý, giám sát và điều chỉnh nó.

Cũng theo luật sư Tấn, hiện việc quản lý thanh toán tiền chơi game online được quy định giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa có biện pháp thanh kiểm tra, giám sát được các hoạt động của “tảng băng chìm” chính là các dòng tiền được dùng để thanh toán trong hoạt động của game online có liên quan đến thẻ cào điện thoại, các chương trình khuyến mãi của các nhà mạng. Một điều quan trọng nữa không thể bỏ qua đó là vấn đề con người, cụ thể ở đây là năng lực, đạo đức của cán bộ quản lý lĩnh vực này. Bởi nếu năng lực trình độ kém họ không theo kịp xu thế công nghệ để quản lý hoặc cán bộ có năng lực, trình độ quản lý họ biết các sai phạm xảy ra, nhưng vì đạo đức kém, có tính vụ lợi họ đã cố tình bỏ qua, bao che để thu lợi cá nhân trái pháp luật. Đây đang là những “lỗ hổng” để game online có đất sống.

Bài và ảnh: HẢI HẢI

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.