Thương nhớ tóc dài

Chia sẻ

Nàng gặp Du trong hiệu cắt tóc. Lúc nàng còn là cô sinh viên tỉnh lẻ bỡ ngỡ nhập trường. Suối tóc dài đen mượt ngày nào bỗng chốc trở thành nỗi phiền hà cho Miên.

Nước máy, bụi bặm, nắng mưa thành phố khiến tóc trên đầu nàng rụng tơi bời. Cha Miên – người thương binh trở về từ chiến trường đã vun xới cây bồ kết đầy gai phía sau nhà, lấy chiếc liềm buộc đầu cây sào trẩy xuống từng chùm quả cho hai mẹ con gội đầu. Mẹ cẩn thận dạy nàng cách chải đầu, gỡ tóc. “Nếu mái tóc dài khiến con khó chịu, thì hãy cắt bỏ nó đi, con gái ạ!”, Những lời nói của cha ngắt quãng vào đêm. Miên quyết định ra hiệu cắt tóc gần trường... Người đàn ông ấy nhìn qua gương, nói khẽ: “Em đừng nghĩ gì cả, hãy nhắm mắt lại nào!”. Không hiểu sao giây phút ấy, nàng như bị thôi miên. Ngoan ngoãn gật đầu như đứa trẻ. Những ngón tay chạm khẽ vào tóc Miên, từ tốn lồng sâu vào bên trong. Bất chợt, Miên nhận ra, đó không phải ngón tay mà là lưỡi kéo! Những ngón tay Du trượt trôi trên tóc, vừa nhẹ nhàng vừa dứt khoát. Nước róc rách bên tai như nhập vào dòng sông thổn thức trong kí ức. Miên thấy có bàn tay khe khẽ chạm vào... Lần đầu tiên một bàn tay đàn ông chạm vào vùng da sau gáy rất nhạy cảm. Nàng khẽ rùng mình gai lạnh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Tóc mới đẹp mà Miên” – đám bạn gái không ngớt lời ca tụng. Sự thực thì nàng cũng thấy thế. Dưới bàn tay ma thuật của anh, những lọn tóc trở nên khỏe khoắn hơn, uốn nếp dịu dàng. Du khuyên nàng đừng bao giờ nhuộm tóc, bởi nàng có đôi mắt đen và sâu. Màu mắt và màu tóc bao giờ cũng phải là cặp bài trùng. Nàng gật đầu im lặng.

*

Dường như nỗi buồn của tôi đã hóa thành ngọn đồi. Trong những giấc mơ trở đi trở lại, tôi thấy mình cưới ngọn đồi ấy rồi cuộn tròn như một con mèo nhỏ nằm xuống giữa đám cỏ gianh để nghe sỏi đá cựa mình. Người ta bảo họa có kẻ điên mới bỏ Miên để lấy ngọn đồi. Mẹ tôi cũng vậy. Người ta quên rằng từ rất lâu, chính cuộc đời đã bỏ lại một mình tôi với một người tình bí mật, với một nỗi cô đơn chất ngất không lời. Miên thì luôn yêu tôi bằng thứ tình yêu vừa âm thầm vừa điên dại. Như thể tự tay nàng đang nắm chặt những chùm gai, như thể từ sân thượng vắng tênh của khu nội trú, những gợn mây bay cũng mang đến niềm thổn thức khôn cùng. Chúng nhấc bổng nàng lên treo lơ lửng...

*

“Làm gì có anh chàng cắt tóc nào ở đây cô em? Hắn là khách. Khách thôi! Tự nguyện trông giúp cửa hàng để đám này đi ăn trưa, giờ bản mặt hắn ra sao đám này cũng không nhớ nữa...” - mấy cô gái tóc vàng tóc đỏ ở cửa hiệu ấy nhìn Miên cười rinh rích. Rốt cuộc, kẻ đã giữ tóc của Miên là ai? Chính xác là một phần hai mái tóc. Hắn định làm gì? Hắn đã đi đâu?

Mối ràng buộc duy nhất giữa nàng với chồng đã không còn nữa. Dù cố Miên cũng không giữ nổi. Sinh linh bé bỏng ấy đã chối bỏ làm chiếc cầu cho hai người lớn cô đơn. Miên ước mình chết đi. Mãi mãi làm dòng suối nhỏ, chảy quanh một ngọn đồi... Thế rồi Du quay lại thật. “Em làm gì ngốc nghếch vậy Miên?” – Du không thét lên như Miên từng tưởng tượng, giọng nói anh nhỏ nhẹ. Anh bế thốc nàng trên tay lao đi như một mũi tên. Đó là lần thứ hai nàng nằm trên tay Du. Lần đầu, vào buổi chiều cuối năm trong khu nội trú, bạn bè Miên đều đã đi vắng. Nàng nằm trên giường với cái chân bó bột. Chiếc xe máy của mấy đứa thanh niên choai choai chạy ngược chiều đâm vào khi nàng đang trên đường đi làm thêm về. Tiếng bước chân vọng giữa hành lang báo với nàng Du đang đến. Nàng nhìn qua cửa sổ nói bâng quơ: “Em muốn được anh gội đầu, như ngày nào đó!”. Nàng không ngờ, Du từ tốn cúi xuống bế Miên đi giữa hành lang vắng, qua cả khoảng sân trường xao xác lá bay. Du đưa Miên ra quán gội đầu, mặc kệ những lời bàn tán...

*

Người yêu tôi ngồi đó, với những bức tranh xếp đặt cạnh nhau không theo một trật tự nào. Tranh tôi vẽ thấp thoáng gương mặt mờ xa, vài lọn tóc rụng rời chắp nối... Người ấy vẫn bảo, dưới tay tôi, những bức tranh ngày càng trở nên hoàn mỹ, vậy mà sao câu chuyện tình này cứ mãi dở dang. Khoảnh khắc ấy, chúng tôi tránh nhìn vào mắt nhau. Người ấy khóc. Nhưng nước mắt không phải lúc nào cũng xoa dịu được nỗi buồn.Trái lại, nước mắt dần vắt kiệt chúng tôi trong căn phòng ngột ngạt. Mùa hè quánh đặc hơn, ly cà phê cũng đắng đót hơn... Trước hai con người đang cố thu mình nép vào nhau tránh cái nhìn dửng dưng, kì thị của cuộc đời...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

*

Miên đặt trên bàn Du đĩa hoa ngọc lan còn đẫm sương đêm. Đó dường như là cử chỉ duy nhất kết nối giữa hai người ở cái trại sáng tác hẻo lánh ấy. Họ không biết phải làm gì cho hết những buổi chiều quẩn quanh khi tác phẩm đã viết xong. “Anh còn giữ tóc em không?”. Du nhìn sâu vào mắt nàng khẽ gật. “Và sẽ giữ mãi đấy chứ?”. Anh không nói gì, nhìn xa xăm. Giây phút ấy, nàng cảm nhận có một khoảng cách mờ xa đang âm thầm lan tỏa. Người ta gọi thác nước kia là thác Bạc. Sau trận mưa mùa hạ như gột rửa, thác lừng lững buông một dòng trắng xóa. Nửa giống tóc. Nửa như mây. Từ ngày có Miên, mẹ Du thôi ngồi một mình tụng kinh gõ mõ. Bà tỉ tê kể cho nàng từng mẩu chuyện ngày Du còn lẫm chẫm tập đi, bi bô tập nói. Còn Miên kể về nỗi thèm khát được trở về bên cha mẹ, ngắm dòng sông trước nhà quyện đặc phù sa. Những ngày còn nhỏ, nàng vẫn ngồi xem cha vẽ bằng bàn tay còn lại. Một bàn tay tài hoa đã nằm lại chiến trường. Căn phòng của nhà sáng tác có ô cửa sổ nhìn ra sườn đồi lúp xúp cây bụi, ánh nắng chiếu xiên qua màn mưa thành nhiều luồng sáng mang sắc màu kì diệu hơn cả bức tranh Du dày công pha trộn. Anh ngồi lặng, trong bức tranh anh vẽ dở có một ngọn đồi bảng lảng khói sương, một dòng thác đổ dài như tóc... Cũng như cha nàng, Du cầm cọ vẽ bằng tay trái. Miên hay thắc mắc: “Tay phải anh để làm gì?”. Du nháy mắt tinh nghịch: “Để nắm tay em mỗi lúc qua đường, và...” –“Và gì nữa?”. Du tiến sát bên Miên: “Em hơi tò mò rồi đấy, cô bé ạ”. Miên dỗi hờn, quay về phòng đóng sập cửa lại.

*

“Anh xin lỗi, vì không thể yêu em, dù người ta cũng đã bỏ anh rồi...”. Câu nói ấy mở đường cho cuộc trốn chạy của Miên, đồng lõa với những cơn say không hồi kết. Và chính tôi đã không còn gì cả, tôi thành người điên, mộng mơ cưới một ngọn đồi... sự mộng mơ rồ dại như cái thời tôi từng khát khao tự nuôi mái tóc người ấy cho thật dài, dạy người ấy cách đi đứng nói năng nhẹ nhàng uyển chuyển... để làm vừa lòng thiên hạ và cả mẹ tôi. Nhưng rốt cuộc, người ta đã đi đâu, với một phần hai mái tóc? Với những lời trách móc, những giọt nước mắt chảy tràn từ đôi mắt mẹ tôi...

*

“Miên! Hãy giúp anh!”. Sau câu nói cùng điệu bộ khẩn thiết ấy, Miên lẽo đẽo theo Du về nhà, xuất hiện trước mặt mẹ anh như bạn gái. Sau trận mưa đêm, thành phố trở nên nhẹ bẫng. Vũng nước đọng bên hè phố cũng thật là trong. Nàng rón rén bước vào căn bếp ấy, nấu bữa cơm cùng mẹ Du. Chút muối vừng, dăm cái nem chay bóng vàng, canh mồng tơi thanh mát, vài bìa đậu phụ hoa mơ rồi cắm thêm một bình hoa cúc. Khi ấy, Du nhìn nàng từ phía sau thật lâu, mãi cho tới lúc Miên đưa tay gỡ phần tóc được búi lên gọn gàng lúc nàng vào bếp. Nàng bắt đầu yêu anh từ khoảnh khắc ấy. Nhờ mẹ Du. Bà bảo, cô gái ấy không biết làm bếp, không biết điểm trang, không biết ăn nói ngọt ngào... nhưng biết lắng nghe và cảm nhận. Bà cần người con dâu như thế. Miên yêu cái mái ấm nàng tự vẽ vời bằng trí tưởng tượng. Trên đường đưa nàng về khu nội trú, Du giữ vững tay lái, không một mảy may. Môi mắt Miên thì vẫn long lanh chờ đợi. “Anh biết ơn em, Miên ạ” – câu nói duy nhất khi Du tiễn nàng. “Chỉ thế thôi sao?”, “Thôi nào, anh sẽ đưa em qua đường”. Du nắm chặt cổ tay nàng, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Sau này, mẹ Du biết Miên đã lấy chồng, bỏ chồng nhưng vẫn thiết tha: “Thằng Du nó đã làm con phải khổ”. Nàng không sao quên được khoảnh khắc tiếng gõ cửa vang lên giữa khuya vắng ở khu nhà sáng tác cách thành phố cả trăm cây số. Kiểu gõ từ tốn ấy chỉ có thể là Du. Tim Miên loạn nhịp. Nàng bắt đầu tưởng tượng, khi mở cửa ra, nàng sẽ nói câu gì. Hay không nói gì cả. Chỉ cần sà vào lòng Du. Lấy hơi thật sâu, tay nàng run run mở chốt. Lạ thay trước mặt Miên chỉ là hành lang hun hút. Từ ô cửa sổ, nàng nhìn thấy bóng Du chạy trên cung đường vắng. Bóng Du như nhập vào sương. Ngày Miên nước mắt lưng tròng: “Em nhận lời lấy người ta rồi...” Du vẫn không một mảy may. Anh cẩn trọng đưa Miên qua đường. Lúc nàng tưởng chừng có thể ngã quỵ, Du vẫn dịu dàng nhưng đầy tỉnh táo: “Anh sẽ bế em lên, nếu em không còn bước đi được nữa”. Nàng khựng lại, nhìn Du trừng trừng và vụt chạy. Đó là lần cuối cùng nàng đối diện với Du.

*

Tôi lấy từ Miên một phần hai mái tóc để trao cho người khác. Đêm đó, chính tôi đã gõ cửa phòng Miên, chỉ định nói với Miên về một bí mật, rồi thôi. Điều gì đã làm tôi chững lại? Chính đôi tay run rẩy những lúc nàng sợ hãi bước qua đường. Những lúc nàng nhắm nghiền đôi mắt trong tay tôi đầy yếu đuối... Tất cả khiến tôi không dám nói gì, về người đang giữ một phần hai mái tóc của Miên. Đó mới thật là người tôi đã yêu say đắm...

*

Giữa thành phố ngột ngạt, có hai người đã mất tích. Nhưng ít ai biết được rằng, thành phố còn có thêm một người trở về trong lặng lẽ. Người ấy căng toan trắng lên khung tranh, phết màu, vẽ về hai người đã ra đi. Người ấy để đời bằng bức tranh hội ngộ. Đó là một họa sỹ đồng tính – người Du yêu say đắm, người giữ một phần mái tóc của Miên.

MINH HOÀI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.