Thách thức già hóa dân số

Chia sẻ

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 chỉ ra: Hiện tuổi thọ bình quân của người dân nước ta đã đạt 73,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam được cho là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh.

Ở Việt Nam, người già thường sống bên con cháu (ảnh minh họa)Ở Việt Nam, người già thường sống bên con cháu (ảnh minh họa)

Thách thức lớn khi dân số già hóa

Tại Việt Nam, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Thứ nhất, nó sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn nhưng sinh ít con hơn nên ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, đa số người cao tuổi (NCT) vẫn sống nương tựa vào con cháu. Nhưng nếu nhịp độ già hoá dân số vẫn tăng nhanh đều như hiện nay thì chỉ trong khoảng vài chục năm tới, NCT ở nước ta sẽ gặp khó khăn về vấn đề chỗ ở và chăm sóc.

Thứ hai, già hoá dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống bảo trợ xã hội. Thứ ba, dân số già sẽ thách thức lên nền kinh tế. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Tất cả những hệ luỵ đó nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển của đất nước trong tương lai gần.

Theo báo cáo Già hóa trong Thế kỷ 21: Thành tựu và Thách thức của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, những NCT tham gia báo cáo này nhấn mạnh nhu cầu được đảm bảo thu nhập, có các cơ hội việc làm phù hợp, được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc men có thể chi trả được, nhà ở và giao thông thân thiện với NCT, và không bị phân biệt đối xử, bạo hành và lạm dụng. NCT cũng nhấn mạnh rất nhiều lần rằng họ muốn tiếp tục là những thành viên năng động và được tôn trọng trong xã hội.

Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe NCT từ mỗi gia đình

Một trong những mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là: Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe NCT. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, một trong những hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT hiệu quả là dựa vào gia đình và cộng đồng với việc xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe không chuyên và bán chuyên.

Tại Hội thảo Già hóa dân số và sức khỏe NCT: Nghiên cứu dọc và vai trò cộng tác viên dân số trong chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh - cán bộ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho hay, xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, từ đó đặt ra vấn đề chăm sóc ra sao, chất lượng sống thế nào với NCT, nhất là trong mỗi gia đình. “Trung bình mỗi NCT có 2,7 bệnh. Theo thống kê 14% NCT gặp các khó khăn trong các hoạt động hàng ngày và cần phải được hỗ trợ, con số này là 28% ở người 60-90 tuổi và lên tới hơn 50% ở người trên 80 tuổi”, bà Quỳnh thông tin.

Bên cạnh gánh nặng bệnh tật, đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn thấp. 72,3% NCT sống cùng con, cháu nhưng tình trạng NCT sống không có vợ hoặc chồng chiếm tỷ lệ cao. Những điều này, khi xảy ra có thể khiến nhiều NCT cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, nhất là những người già sống ở thành thị. Với NCT ở nông thôn, dù không bị gò bó trong khoảng không gian chật hẹp nơi thành thị nhưng do điều kiện vật chất khó khăn, nhiều cụ phải gác lại các hoạt động cá nhân để ở nhà trông cháu hoặc tham gia lao động sản xuất như những nhân lực chính trong gia đình. Điều này cũng khiến nhóm đối tượng này bị thiếu thốn cả về sức khỏe vật chất lẫn tinh thần.

Trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 vừa qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu. Những gia đình này có điểm chung là gồm nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt, tích cực tham gia các hoạt động có ích tại địa phương, đơn vị, cộng đồng xã hội. Đây chính là một cách làm hay nêu cao vai trò “cây cao bóng cả” của NCT trong gia đình, thể hiện sự tiếp nối và cho thấy, già hóa dân số không phải chỉ là thách thức.

Bởi vậy, việc đảm bảo chất lượng cuộc sống của NCT theo phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích” cần sự hỗ trợ và chăm sóc từ gia đình và cộng đồng dựa trên những hiểu biết về những khó khăn và nhu cầu thực tế của NCT về kinh tế, sự tham gia xã hội và trên hết là vấn đề chăm sóc sức khỏe.

Không chỉ đảm bảo già hóa và các nhu cầu của NCT được tính đến trong tất cả các chương trình và chính sách phát triển cấp quốc gia, mà trong mỗi gia đình, NCT già yếu có được các dịch vụ chăm sóc lâu dài cần thiết, và thúc đẩy cuộc sống tuổi già mạnh khỏe, năng động. Với giới trẻ - những NCT tương lai, cần đẩy mạnh những thói quen sức khỏe lành mạnh, thay đổi quan niệm và thái độ xã hội về già hóa và NCT, nhìn nhận NCT không phải từ góc độ những người nhận trợ cấp xã hội mà là những thành viên có đóng góp tích cực và không phải gánh nặng trong gia đình và xã hội.

PHƯƠNG ANH

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.