Hà Nội: Sốt xuất huyết gia tăng

Chia sẻ

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt. Một số dịch bệnh lưu hành như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… dù có tỷ lệ mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng có xu hướng gia tăng trong vài tuần trở lại đây.

Chủ động tiêm vắc-xin cho trẻ là cách tốt nhất phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.Chủ động tiêm vắc-xin cho trẻ là cách tốt nhất phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. (Ảnh: VNCDC)

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 1/2020 tới nay, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết (phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã và 198/579 xã, phường, thị trấn), có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và ổ dịch có diễn biến phức tạp như: Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca); Khánh Hà - Thường Tín (48 ca); Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).

Ngoài sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận 201 trường hợp mắc, với sự gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây; bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã, 105 xã, phường, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư. Bệnh sởi có 15 trường hợp mắc bệnh, hầu hết đều do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Một số dịch bệnh khác như: Ho gà ghi nhận 5 trường hợp mắc, Não mô cầu ghi nhận 2 trường hợp mắc, Viêm não Nhật Bản ghi nhận 3 trường hợp mắc...

Tuy tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đã được kiểm soát, nhưng diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang phức tạp, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch tiếp theo hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, TTYT các quận, huyện tiếp tục thực hiện quản lý tốt người nhập cảnh để phòng chống dịch Covid-19 xâm nhập; Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời người nhập cảnh trái phép…

Đối với các dịch bệnh khác, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị quyết liệt triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; thực hiện triệt để các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với mục tiêu tất cả các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ thường xuyên. Tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy.

Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, TTYT quận, huyện, TYT xã… tiếp tục thực hiện duy trì tiêm chủng hàng tuần trên địa bàn mình, qua đó tăng cường cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế việc tiêm muộn, hoãn tiêm; Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non mẫu giáo.

Riêng với nguy cơ của dịch sốt xuất huyết năm nay các chuyên gia cho rằng: Dù cao điểm của dịch đã rơi vào các năm 2017 và 2019, song năm 2020 người dân không được phép chủ quan. Trong đó, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai là những đối tượng dễ bị tổn thương, cần đặc biệt chú trọng phòng ngừa sốt xuất huyết.

Liên quan tới bệnh bạch hầu, hiện Hà Nội chưa có trường hợp nào mắc bệnh. Tuy nhiên, trước việc bệnh bạch hầu bùng phát, lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên - nơi có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp (từ tháng 6 đến nay có tổng cộng 36 người mắc, 3 người tử vong), nhiều người dân vẫn có tâm lý hoang mang, lo lắng, đổ xô đi tiêm phòng.

Đối với trẻ em, những bé dưới 2 tuổi đều được tiêm miễn phí vắc-xin 5 trong 1 có thành phần ngừa bạch hầu; Lịch tiêm nhắc lại được thực hiện trong những độ tuổi như 4-7 tuổi, 9-12 tuổi và mỗi 10 năm một lần sau liều tiêm cuối cùng (Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Y học dự phòng Việt Nam). Đáng nói, tất cả người không có hoặc không còn miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh.

Vì vậy, gia đình có con ở lứa tuổi tiêm chủng mở rộng nên cho con đi tiêm đúng lịch, tránh bỏ sót mũi và nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh bạch hầu nói riêng. Với người lớn, trong trường hợp không nhớ đã được chích ngừa vắc-xin phòng bạch hầu hay chưa, vẫn có thể tiêm vắc-xin.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.