Để niềm tin bớt chênh vênh

Chia sẻ

Bất cứ ai trong cuộc đời đều khát khao kiếm tìm hạnh phúc và cơ hội đón nhận điều tử tế. Những người PNKT cũng không ngoại lệ. Giữa những cuộc đời phải sống cùng khiếm khuyết không hề mong muốn ấy, đã và đang có những người mạnh dạn mang tiếng nói trong cuộc đến gần hơn với cộng đồng. Người khuyết tật hiện nay, đã biết nói ra câu chuyện của mình.

“Khi chồng đánh em nghĩ gì? - Em đâu có lựa chọn nào mà nghĩ nữa?”

Tham gia một cuộc thi sáng kiến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung – một phụ nữ khuyết tật (PNKT) quyết định dấn thân vào công việc bảo vệ và lên tiếng cho những người có thiệt thòi như mình. Hiện nay, chị là Trưởng ban Truyền thông Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân (TP Hà Nội). Chức vụ ấy đủ cho thấy người phụ nữ này chất chứa biết bao câu chuyện thiệt thòi mà phụ nữ và trẻ em khuyết tật phải trải qua.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung tại một buổi truyền thông hỗ trợ PNKTChị Nguyễn Thị Cẩm Nhung tại một buổi truyền thông hỗ trợ PNKT.

“Có những câu chuyện ám ảnh chúng tôi tới mấy ngày, tới mức nếu tâm lý không vững vàng để sa đà vào cảm xúc tiêu cực của nó, thì chúng tôi sẽ không thể trụ nổi và tỉnh táo để giúp đỡ người trong cuộc. Giá trị của phụ nữ và trẻ em khuyết tật đã từng bị đánh giá thấp, để lại nhiều hậu quả đau lòng”.

Với chị Nhung, ám ảnh nhất là những câu chuyện về trẻ em gái khuyết tật trí tuệ, bị lạm dụng tình dục dẫn tới có thai. “Tôi từng biết có em mang thai tới mấy lần, lần nào cũng phải nạo hút thai, bởi em đâu có đủ trí tuệ và sức khỏe để nuôi con. Các em không hề có ý thức rằng mình bị lạm dụng, nhưng điều đau lòng hơn cả là gia đình và cộng đồng lại quay lưng, chửi bới các em. Chỉ vậy thôi là đủ hiểu, các em bị tước đi quyền của mình một cách nghiêm trọng đến thế nào!”.

Trong những câu chuyện về những người PNKT được chị Nhung tư vấn, giúp đỡ thì hạnh phúc đều là xa xỉ với họ. Nếu lấy chồng, họ rất dễ bị bạo hành và họ mặc định rằng: chồng có quyền được đánh mình. Chỉ vì khiếm khuyết mà việc nấu nướng, chăm sóc gia đình phải làm rất chậm chạp, người vợ khuyết tật bị chồng đánh. “Tôi hỏi cô ấy: Khi bị chồng đánh, em nghĩ gì? Cô ấy bảo rằng: Em làm gì có lựa chọn nào mà nghĩ nữa?”, chị Nhung nghẹn ngào kể lại.

Một trường hợp khác: Cô gái bị cưỡng hiếp tới mức có bầu khi mới 17 tuổi. “Được” chấp nhận cưới, nhưng vì khủng hoảng tinh thần mà cô sinh ra người con bị ảnh hưởng thần kinh. Khi mang bầu lần 2, với khao khát sinh được đứa con khỏe mạnh, thì cô nhận được tin chồng có nhân tình. Nỗi đau khiến cô gặp tai nạn, mất đi một chân. Ngày cô gặp nạn cũng chính là ngày chồng cô mang lá đơn ly dị đến, đòi cô ký. Cô gái không những vĩnh viễn mất đi một phần cơ thể, mà còn mất đi một ước ao cuộc sống hạnh phúc. “Giờ đây, cô ấy đang cố gắng làm việc để có được thu nhập khá và đón một đứa con về với mình. Nhưng con đường ấy gian nan lắm…”, chị Nhung cho biết.

Còn có người PNKT khác cũng bất hạnh trong cuộc hôn nhân của mình. Ngoài việc một mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, thì chị rất đẹp và khéo léo. Vì muốn lấy chồng, có một tổ ấm mà chị quyết định từ bỏ công việc tẩm quất người mù với thu nhập khá tốt vì cho rằng sẽ có nhiều đàm tiếu không hay về công việc này, để về gần nhà mở quán gội đầu, cắt tóc. Lấy nhau rồi, chị mới biết chồng nghiện. Tiền của làm ra bao nhiêu, sức chị hao mòn đi bấy nhiêu vì nuôi cả hai đứa con lẫn người chồng nghiện ngập. Người ta khuyên chị chấm dứt với chồng, đi tìm cuộc đời mới đi. Chị run rẩy, “bỏ thì thương, vương thì tội. Cuộc đời mình có tốt đẹp hơn đâu”…

Trong suốt thời gian làm công tác xã hội về phụ nữ và trẻ em khuyết tật, chị Nhung nhận thấy: Với PNKT ở nông thôn, họ thường chấp nhận lấy người đàn ông từng ly dị, vợ mất, hoặc nghiện ngập, vô công rồi nghề. Nếu không dám lấy, họ cũng không dám làm mẹ đơn thân. Vì kinh tế ở khu vực nông thôn thường khó khăn và hạn hẹp cho PNKT. Ở khu vực thành thị, cuộc sống và công việc có nhiều cơ hội hơn, nhưng mặc cảm vẫn còn đó. Cũng có – nhưng không nhiều người PNKT chấp nhận làm mẹ đơn thân, chấp nhận sống với định kiến từ gia đình, xã hội. Người ta sẽ cho đấy là một cái tội, làm nặng gánh cho đứa con sau này… “PNKT chúng tôi luôn mặc cảm, tự ti về hình thể. Lòng tin vào đàn ông, vào hạnh phúc lứa đôi luôn chênh vênh, cơ hội đón nhận những điều tử tế ít lắm…”

“Phải lên tiếng và hành động, vì bất cứ ai cũng có quyền bình đẳng!”

Những năm gần đây, người khuyết tật đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm, sát sao về quyền và lợi ích. Từ các chính sách, luật pháp cho đến các hoạt động xã hội, đều góp phần đưa tiếng nói của người khuyết tật ngày một có sức nặng và đến gần với đời sống hơn.

Cuối tháng 6 vừa qua, Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức cùng UN Women và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã diễn ra. Với thông điệp chính “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, sự kiện xác định các vấn đề ưu tiên về bình đẳng giới của các nhóm xã hội, và lấy ý kiến trực tiếp của hơn 50 đại biểu, trong đó có đại diện nhóm người khuyết tật.

Người khuyết tật hiện nay, đã biết nói ra câu chuyện của mình với mọi người, để tìm kiếm sự giúp đỡ, động viên, và hơn cả là họ bắt đầu nhận ra, mình cũng có quyền bình đẳng.Người khuyết tật hiện nay, đã biết nói ra câu chuyện của mình với mọi người, để tìm kiếm sự giúp đỡ, động viên, và hơn cả là họ bắt đầu nhận ra, mình cũng có quyền bình đẳng.

Tham dự Hội thảo, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung cho rằng: “Một bất cập trong giáo dục cho trẻ khuyết tật hiện nay là còn quá ít cơ sở giáo dục chuyên biệt. Các gia đình có con em khuyết tật vẫn còn “mơ hồ” trong việc chọn trường phù hợp với tình hình của con. Điều kiện kinh tế bấp bênh và không chấp nhận con mình đặc biệt cũng là nguyên nhân một số cha mẹ cho đứa con của mình buộc phải nghỉ học. Cũng có rất ít trường đại học “rộng mở” với sinh viên khuyết tật. Tôi cũng đề xuất vấn đề việc làm cho người khuyết tật cần phù hợp với sức khỏe, năng lực của họ. Điều này cũng đòi hỏi, người khuyết tật cần nâng cao năng lực, chủ động tiếp cận với các kiến thức.

Nhu cầu của người phụ nữ cũng chính là nhu cầu của PNKT, nhưng chúng tôi còn vấp phải nhiều rào cản. Tôi đặt ra vấn đề này, vừa mong muốn cả xã hội thay đổi cái nhìn và mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi hơn. Nhưng cũng là lời gửi gắm đến các chị em, rằng bất cứ ai cũng có quyền bình đẳng và kiếm tìm hạnh phúc”.

Ngày nay, các câu chuyện buồn về xâm hại phụ nữ và trẻ em, trong đó có cả người khuyết tật ngày càng được phanh phui, tố cáo và nhiều người biết đến. “Điều này cũng thể hiện người khuyết tật chúng tôi đã tự tin hơn để không che giấu khó khăn, mặc cảm của mình nữa. Thật sự rất khó khăn để hòa nhập, nhưng nếu có sự chung tay của toàn xã hội, thì rào cản và sự chênh lệch bình đẳng giữa người khuyết tật và người bình thường, sẽ ngày được thu hẹp lại trong thời gian không xa”, chị Nhung tin tưởng.

QUỲNH CHI

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.