Cha mẹ giúp con chữa “bệnh lười”

Chia sẻ

“Con mình rất lười học”, “Con mình thông minh, tiếp thu bài tốt nhưng không chịu học nên kết quả học tập không cao”… Đó là những lời than thở của không ít bậc cha mẹ về “bệnh lười học” của con.

Vậy, bệnh lười học có thực sự đáng sợ? Trao đổi giữa PV báo PNTĐ với chuyên gia Lê Thị An Hạ, Học viện Quốc tế Pines, Philippines tại Việt Nam, sáng lập tổ chức Vườn ươm công dân toàn cầu Amazing Group. Bà Hạ đã có nhiều năm làm việc với trẻ em và giúp các bố mẹ giải quyết nhiều vấn đề về giáo dục con em trong gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thưa bà, có thể lý giải như thế nào về hiện tượng nhiều trẻ không chịu học trong khi có thể lướt internet, mạng xã hội hàng giờ? Phải chăng, thời đại @ khiến trẻ lười học hơn xưa?

Thực tế con lười học, chán học, ghét học không hẳn vì internet, nhưng nói các em bị cuốn vào internet, bị ảnh hưởng bởi internet là hoàn toàn đúng.

Theo tôi, có các nguyên nhân sau dẫn tới trẻ chán học, lười học:

- Thứ nhất, nhiều trẻ không thấy mục đích, ý nghĩa của việc học. Nhiều em khi được hỏi "con học để làm gì?" đều đồng thanh trả lời: "Vì ba mẹ". Ngày trước, tôi và nhiều bạn bè cũng tiếp xúc với internet từ cấp 2, cũng học chương trình đổi mới như các em bây giờ, nhưng rất chăm chỉ và ham thích học. Đó là vì chúng tôi từng trải qua nghèo khổ, khó khăn, nếu không học tốt, thì sẽ không thể "đổi đời" không thể lên thành phố học, không có nhiều cơ hội được phát triển bản thân...

- Thứ hai, nhiều em đang bị quá tải học, học quá nhiều, học không hiệu quả, học xong không dùng nhưng vẫn phải học rất nhiều, học liên tục. Chính điều này lại kéo các em vào vòng xoáy học không hiệu quả, học máy móc và dần mất đi niềm vui khi học. Thậm chí đi chơi game, tiệc tùng rất vui, nhưng không ai có thể tiệc tùng liên tục như lịch học hiện tại của nhiều em. Tôi đã từng gặp một số em chỉ cần nghe chữ "học" là nhảy dựng, là sợ hãi, là chán ghét, cho dù là "du học" hay học những môn năng khiếu các em rất có tài năng như vẽ, như đàn... Và rồi, thấy con em chán học, người lớn lại quy cho các em là "lười học" và cho "đi học các lớp học thêm và các lớp kỹ năng" nhiều nhiều hơn. Đúng là một vòng xoáy thật bế tắc.

- Thứ ba, nhiều em bị mất năng lực học vì quá tải và sai phương pháp. Tôi đã từng dạy nhiều học sinh không còn khả năng tiếp thu kiến thức, không nhớ được, không tập trung được, học vừa xong là quên ngay sau đó. Đáng lẽ tình trạng này chỉ diễn ra ở người lớn, người già, thì bây giờ, các em đã phải hứng chịu khá sớm.

- Thứ tư, nhiều em bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, bị lệ thuộc bởi các ứng dụng và bị thay đổi hành vi, sự tập trung, thói quen khi sử dụng các ứng dụng quá nhiều. Dần dần việc học qua trường lớp, sách vở truyền thống, là một điều khó khăn với các em.

Thưa bà, không chỉ lười học, nhiều trẻ còn lười cả tư duy, lười vận động. Hình như các bệnh lười này có liên quan đến nhau?

- Chúng ta cần phân biệt được giữa "lười" là không muốn nhưng vẫn làm được, và "không thể làm được". Não bộ, tâm lý là thứ không thể nhìn thấy, nên có nhiều em bị ám ảnh tiêu cực về việc học, hoặc mất khả năng tư duy, học không vào nên dùng mọi cách né tránh nó, chứ không phải lười. Còn lười vì không muốn làm mặc dù làm được vì không có lý do, mục đích, khao khát, mong muốn, hay cảm thấy thiếu thốn để làm điều gì đó. Khi các em không cảm thấy đói, thì các em không muốn ăn, cho dù ăn được. Khi mới ăn xong no rồi, cho dù nhìn thấy món ăn yêu thích, cũng không thể nào nhét nổi nữa. Học cũng vậy.

Cuộc sống hiện đại ngày nay cho các em quá-đầy-đủ. Nhưng tôi thấy, nhiều em lại thiếu đi tình cảm, sự thấu hiểu từ bố mẹ, bạn bè và thừa điều kiện, thừa đòi hỏi của gia đình và xã hội. Vì thế, cái các em khao khát ngày nay là tình yêu, mặc đẹp, phong cách để có sự ngưỡng mộ, yêu mến từ bạn bè và cộng đồng. Không khó để thấy từ khóa của các em thời nay "crush", "thả thính", "fan" và đây cũng là lý do các em dễ bị ảnh hưởng bởi những nhân vật như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng…

Vậy, bố mẹ nên làm gì để giúp con "chữa bệnh lười”?

Cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân, tìm hiểu xem tại sao lại dẫn đến tình trạng "lười" ở con. Ví dụ con lười học tiếng Anh vì thấy học mệt mỏi, học mãi mà không đâu ra đâu, thì hãy giúp con kiểm tra xem do con hổng kiến thức hay học sai phương pháp để từ đó có giải pháp đúng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thứ hai, sau khi tìm ra nguyên nhân, cha mẹ hãy thay đổi phương pháp tiếp cận hiệu suất cao. Ví dụ, học tiếng Anh là để tư duy và diễn đạt trong nghe-nói-đọc-viết, nên khi học từ vựng rời rạc, phát âm rời rạc, mẫu câu rời rạc, và 1001 bài tập riêng lẻ cho nghe-nói-đọc-viết... vừa tốn rất rất nhiều thời gian học mà kết quả không cao.

Thứ ba, cha mẹ hãy giúp các con tìm thấy ý nghĩa, động lực cụ thể, xác đáng đúng với mong muốn các em. Muốn vậy, hãy trao đổi, lắng nghe, thỏa thuận, chứ không thể nào ép các em theo ý mình.

Hãy hiểu rõ về cơ chế cảm xúc tích cực. Cha mẹ đừng biến việc học của các con trở thành nỗi sợ, hay gắn liền với cảm xúc tiêu cực, vì nó khó xóa, khó thay thế bằng cái gì tích cực lắm. Mỗi cá nhân sẽ có một cơ chế cảm xúc tích cực khác nhau. Cha mẹ hãy cùng trẻ tìm câu trả lời: học có gì vui? học với ai vui? vui vì điều gì? thích gì ở môn học này, lớp này... Nhiều em cố gắng học giỏi bởi vì thích một bạn nào đó trong lớp, thích thầy cô nào đó, thích môn đó vì mình học giỏi... Hãy tận dụng tất cả mọi thứ kích hoạt cảm xúc tích cực này.

Cuối cùng, hãy áp dụng nguyên tắc “kỷ luật là chìa khóa cho mọi thành công”. Cuộc đời không phải lúc nào cũng vui và tích cực. Vì thế, trong một khuôn khổ nào đó, chúng ta cũng nên áp dụng kỷ luật để rèn giũa chính mình.

Vậy, ngay trong mùa hè này, cha mẹ có thể đồng hành cùng con như thế nào?

Hè là thời điểm lý tưởng để cho con niềm vui giải trí, tự do, đọc sách, thể thao... và quan trọng nhất là "làm những điều con thích, con ấp ủ, con khao khát". Nhưng những điều đó phải là chính đáng và lành mạnh, không phải game. Trong mùa hè, tôi khuyến khích cha mẹ cho con tham gia các hoạt động như trại hè, các cuộc thi, các hoạt động cộng đồng, làm việc nhà giúp đỡ ba mẹ. Đây là những hoạt động giúp con phát triển lành mạnh thể lực, tinh thần, tạo động lực, cảm xúc, lý do cho việc học giỏi, học tốt. Khi trẻ được va chạm, cạnh tranh lành mạnh với bạn bè, được thể hiện kết quả năng lực học tập, đóng góp cho cộng đồng hay đội nhóm, sẽ thấy giá trị, ý nghĩa của việc cần học tốt.

Xin cảm ơn bà

HOÀNG LAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.