Mùa thi: Báo động trẻ bị bạo lực tinh thần

Chia sẻ

Tình trạng trẻ bị bạo lực tinh thần trong các mùa thi ngày càng gia tăng bởi sự kỳ vọng của gia đình và áp lực thi cử quá sức. Hậu quả của việc bị bạo lực tinh thần ấy là không ít trẻ đã tìm đến cái chết.

Mùa thi: Báo động trẻ bị bạo lực tinh thần - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Gia tăng bạo hành tinh thần

Gọi điện đến văn phòng tư vấn Tâm Giao (Báo Phụ nữ Thủ đô), em Trần Thu Mai (học sinh lớp 12, sống tại Hà Nội) kể rằng mấy tháng nay em rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên vì áp lực thi cử. Mai là con một nên bố mẹ em đặt hết tất cả hi vọng vào con gái. Trước khi có dịch Covid-19, bố mẹ em đặt mục tiêu con phải thi tốt và tìm học bổng để du học. Khi dịch bệnh diễn ra, mục tiêu du học được gác lại thay vào đó, Mai sẽ phải thi đậu vào trường top đầu trong nước. Đó là lý do khiến em luôn lo sợ dẫn đến mất ngủ triền miên. Trong câu chuyện đầy ám ảnh về việc thi cử, Mai không ít lần nói về những tiêu cực mà em có thể làm nếu như thi hỏng, khiến bố mẹ thất vọng.

Từ hôm biết điểm thi vào lớp 10 của Tuấn không tốt, kỳ vọng con trai đỗ vào trường điểm vỡ vụn khiến chị Hường (Cầu Giấy, Hà Nội) như muốn phát điên. Ngày nào lên Facebook, chị cũng thấy bạn bè đăng kết quả con thi đỗ vào trường điểm, trường chuyên mà lòng càng rầu rĩ. Chị trút mọi nỗi thất vọng lên Tuấn, đay nghiến, đổ lỗi cho con không ngớt. Từ hôm biết kết quả thi đến nay, Tuấn ru rú nhốt mình trong phòng, không thiết ăn uống, cười nói như mọi lần. Mải nghĩ cho cảm xúc của mình, chị không còn tâm trí để ý đến sự thay đổi tâm trạng của con. Cho đến khi Tuấn có hành vi tự tử không thành, chị mới giật mình hối hận.

Tuấn và Mai chỉ là hai trong số vô vàn những đứa trẻ rơi vào cảnh bị bố mẹ bạo lực tinh thần trong mùa thi cử. Sự kỳ vọng của những bậc cha mẹ như chị Hường, bố mẹ Mai đã tạo áp lực cho con cái trong một thời gian dài, khiến những trẻ chịu áp lực khủng khiếp. Không ít trẻ đã có hành vi tiêu cực vì không thể chịu nổi cảnh bố mẹ mắng chửi, do không đạt được kỳ vọng của họ.

Những lá thư tuyệt mệnh bế tắc của trẻ

Cho tới bây giờ, dư luận vẫn không quên nỗi ám ảnh trước cái chết thương tâm của nữ sinh lớp 7 trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Cô bé 12 tuổi đã viết bức thư tuyệt mệnh bằng hai thứ tiếng rồi dùng khăn quàng đỏ treo cổ ở lớp học. Bố của cô bé chia sẻ trước đó có nhắc nhở con khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện về cho gia đình báo con gái có biểu hiện sa sút trong học tập.

Trước đó, một nữ sinh 16 tuổi (lớp 11, trường THPT Đồng Xoài, Bình Phước) cũng đã để lại 5 lá thư tuyệt mệnh rồi gieo mình xuống đập nước tự tử. Nguyên nhân là do em không chịu được áp lực học tập như mong muốn của bố mẹ. Trong 2 lá thư tuyệt mệnh để lại cho bố mẹ có đoạn viết: "Năm nay con được học sinh trung bình, con phụ lòng bố mẹ rồi, tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ... Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được…”.

Hay vụ việc nam sinh 16 tuổi, lớp 10 - trường THPT Nguyễn Khuyến (Q. Tân Bình, TP HCM) để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại của nam sinh này có nội dung do không chịu được áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình mong muốn con trai phải có điểm số tốt để đứng đầu khối 10 nên đã nghĩ tìm đến cái chết.
Rõ ràng, tình trạng trẻ bị áp lực học tập từ sức ép của gia đình và nhà trường dẫn tới tiêu cực bế tắc đang hiện rõ. Theo tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Điều đáng báo động là hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Gia đình bỏ quên chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ

Một nghiên cứu của bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương về sức khỏe tâm thần của học sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy có gần 20% học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo đó, 15,94% em có rối nhiễu về tâm lý, hiện tượng lạm dụng chất gây nghiện đang tăng nhanh chóng với thanh thiếu niên. Trong số các ca tự sát thì có 10% ở độ tuổi 10-17. Nghiên cứu 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi.
Nghiên cứu "Bản chất vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam" của tổ chức UNICEF cũng cho thấy do môi trường học tập ganh đua căng thẳng trẻ em chịu nhiều áp lực về thành tích, và sự kỳ vọng quá nhiều vào con trong học tập đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các hành vi tự sát của trẻ.

BS Nguyễn Mạnh Hoàn - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Trước kia người ta cho rằng trầm cảm nặng không xảy ra ở trẻ em nhưng ngày nay các chuyên gia đều chỉ ra trầm cảm nặng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trẻ bị trầm cảm nặng nổi bật với các dấu hiệu thay đổi cảm xúc như buồn rầu, khóc lóc, tự ti, thay đổi hành vi như mất quan tâm thích thú trong các hoạt động, hoặc giảm sút trong học tập, thay đổi thể chất như ăn kém, sụt cân, mất ngủ, ngủ nhiều, hoặc phàn nàn về các chứng đau không rõ ràng… Đặc biệt một số thay đổi trong suy nghĩ như chúng là người xấu xa, có tội, không xứng đáng, chẳng làm được gì đúng, cuộc sống vô giá trị… Bố mẹ và các thầy cô giáo cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng này. Vì nếu không chữa trị chúng có thể là nguyên nhân thúc đẩy hành vi tự sát ở thanh thiếu niên.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe. Sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân. Việt Nam có dân số hơn 97 triệu người trong đó trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50%. Tuy nhiên, hiểu biết của dân chúng về vấn đề chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em còn rất hạn chế.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, mùa thi đang diễn ra, và sau đó là hiện tượng mạng xã hội ngập tràn các thành tích thi cử của trẻ được bố mẹ đăng lên để..."tự hào". Đây sẽ là áp lực rất lớn cho những đứa trẻ không có kết quả thi tốt. Nếu ngay từ bây giờ, hành vi bạo lực tinh thần con cái không được các gia đình nhận diện và xóa bỏ trong các mùa thi, hậu quả những đứa trẻ bị trầm cảm, có hành vi tự sát sẽ tiếp tục tồn tại và gia tăng.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.