Mẹ hãy “trả lại” cuộc đời cho con

Chia sẻ

Mới đây, chương trình "Đối mặt với cảm xúc" (Đài Phát thanh - Truyền hình TP.HCM) "gây bão" với câu chuyện chàng trai 30 tuổi vẫn… ngủ cùng mẹ. Bao nhiêu năm qua, bà mẹ của chàng trai này không hề biết tình yêu của mình đã vô tình giam hãm cuộc đời con trai.

Mẹ hãy “trả lại” cuộc đời cho con - ảnh 1 (Ảnh: minh họa st)

Tuy nhiên nhìn lại, người mẹ ấy không chỉ có... trên truyền hình, mà trong thực tế vẫn còn rất nhiều người mẹ yêu con đến nỗi không chịu "trả lại" cuộc đời cho con.

Hàng xóm của tôi gả con gái chưa được một năm đã phải đón con trở về. Lý do, con gái chị không chấp nhận được người chồng là con một vẫn chưa thoát khỏi vòng tay mẹ. Cưới tuần trước thì tuần sau, con gái chị về nhà bố mẹ than thở chuyện chồng vẫn sống phụ thuộc mẹ, rồi chuyện mẹ chồng chi phối mọi thứ trong cuộc sống riêng tư của con trai. Đêm tân hôn, mẹ chồng vẫn vô tư vào phòng riêng của con trai mắc màn vì lo con bị muỗi đốt. Con gái chị nghĩ bà chỉ làm việc ấy trong đêm đầu tiên để hướng dẫn cho con dâu còn lạ nhà. Không ngờ những đêm tiếp theo, bà vẫn vào phòng riêng của vợ chồng con để làm việc đó, dù con dâu bảo "việc ấy giờ là của con".

Ngoài chuyện ngủ thì chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, mẹ chồng cô vẫn xem con trai như đứa trẻ lên 3, cung phụng, chăm sóc bất chấp việc con đã có vợ và sắp tới sẽ làm cha. Chồng cô từ nhỏ đến lớn, việc gì cũng có bàn tay mẹ làm cho. Ăn uống theo ý mẹ, mặc đồ cũng theo gu thời trang vừa mắt mẹ, giao lưu, kết bạn với ai cũng nghe theo sự tư vấn của mẹ. Buổi tối, bà đã lựa sẵn đồ cho con trai, là lượt cẩn thận treo lên, tối về mặc bộ đồ nào ở nhà cũng được bà để sẵn trong phòng tắm. Phòng riêng của con, nội thất, chăn ga, gối đệm, bà đều lựa chọn theo ý của mình. Cô nghĩ vì chồng là con một, chưa lấy vợ nên mẹ chăm sóc như thế, nhưng kết hôn rồi thì phải khác. Nhưng, mẹ chồng vẫn không có khái niệm "con trai đã lớn", và dù có con dâu bà vẫn không thay đổi cách chăm sóc con trai.

Con gái chị cố gắng thay đổi chồng để thoát khỏi tình yêu kìm cặp của mẹ. Chị cũng góp ý với con rể nhiều nhưng không hiệu quả, bởi nó sống quá phụ thuộc vào mẹ nên không dám thoát ra. Mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh từ chính sự can thiệp, chi phối quá nhiều của mẹ chồng vào cuộc sống riêng tư của họ. Sự việc như giọt nước tràn ly khi việc sinh con, con rể chị cũng phải theo sự "chỉ đạo" của mẹ. Con gái chị không chịu đựng nổi đã quyết định ly hôn.

Lại có người mẹ chăm bẵm con cái đến nỗi gần như "sống hộ" cả cuộc đời của con. Đến mức, khi con gái lấy chồng, người mẹ theo sát "làm dâu" hộ con. Người mẹ ấy đã từng tìm đến văn phòng tư vấn Tâm Giao, ấm ức kể tội thông gia "ăn ở không biết điều". Rằng, chị đã thay con chu toàn mọi thứ trong nhà chồng, vậy mà họ vẫn không vừa lòng, "hành hạ" con dâu đủ điều. Thế nhưng khi chuyên gia hỏi rõ ngọn ngành câu chuyện thì bi kịch làm dâu của cô con gái lại xuất phát từ tình yêu con sai lầm của người mẹ. Từ nhỏ đến lớn, cô con gái sống theo sự chỉ đạo của mẹ. Nhân danh tình yêu của một người mẹ, chị đã làm mất đi sự độc lập, tự chủ trong cuộc sống của con gái. Chị tự mình đưa đón con đi học hàng ngày cho đến khi con tốt nghiệp đại học. Ra trường, con gái đi làm, chị vẫn không thay đổi cách chăm sóc con.

Đến ngày con gái lấy chồng, chị lại lẽo đẽo theo con làm dâu. Chị bàn với chồng mua nhà tặng con gái làm của hồi môn rồi thuyết phục con rể đưa vợ ra sống riêng sau khi cưới. Hàng ngày, chị đến căn hộ của con, lau chùi dọn dẹp, nấu nướng hộ con vì nó chẳng biết làm những việc đó. Được một thời gian, con rể khó chịu với sự xuất hiện quá nhiều của mẹ vợ trong tổ ấm của mình, ảnh hưởng cuộc sống riêng tư của họ nên phản ứng lại. Không thể trực tiếp quán xuyến việc nhà cho con gái, chị điều động giúp việc nhà mình sang nhà con. Mỗi lần, con gái có việc về bên nhà chồng, chị bảo con mang giúp việc đi cùng để hỗ trợ dọn dẹp, nấu nướng. Quà cáp để lấy lòng nhà chồng, chị cũng chuẩn bị sẵn cho con. Lần nào, con về bên đó, chị cũng gọi điện trước nói khó với thông gia để họ thông cảm nếu con dâu vụng về việc nhà chồng. Nhà thông gia ban đầu nể nang nên không ý kiến, nhưng lâu dần thấy khó chịu bởi sự can thiệp quá đà của chị. Hạnh phúc của con gái chị vì thế mà bất ổn theo.

Ngẫm lại, tình yêu, sự hi sinh cho con cái của người mẹ là cần thiết, nhưng cách yêu thương của họ đôi khi lại phạm sai lầm lớn. Không ít bậc cha mẹ "giam cầm" cuộc đời của con cái trong vỏ bọc yêu thương khiến cuộc sống của con ngột ngạt, hạnh phúc bế tắc. Họ không hiểu rằng, dù mẹ sinh ra con, dính liền khúc ruột. Nhưng con cái cần được sống cuộc đời của mình. Sự bảo bọc của người mẹ sẽ kìm hãm những kỹ năng thích nghi trong cuộc sống của con, khiến con mất đi sự chủ động, quyết đoán trong công việc, hạnh phúc riêng tư, các mối quan hệ xã hội khác. Hậu quả là cuộc đời con gặp bất hạnh nhiều hơn là hạnh phúc.

Yêu con, thay vì giữ con bên mình, sống hộ cho con thì những người mẹ hãy huấn luyện, dạy dỗ con từ bé để con có thể độc lập trong cuộc sống, con tự bước đi trên chính đôi chân của mình thay vì o bế con suốt cuộc đời.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.