Ly hôn, chồng trả nốt đôi dép lào cho vợ tại Tòa

Chia sẻ

Khi phân chia tài sản sau khi ly hôn, có những cặp đôi “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” khiến người ngoài phải sửng sốt, không tin nổi họ đã từng đầu ấp, tay kề bao năm tháng…

Kẻ đo lọ mắm, người chia củ dưa hành

Ngày mùa hè trời nổi cơn giông do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối gọi tôi đến để cùng anh tiếp một vị khách mà anh đang trợ giúp về các thủ tục ly hôn và chia tài sản. Đúng 2 giờ chiều, chị khách hàng chân thấp chân cao bước vào quán cà phê dưới tòa chung cư gần đó. Thiếu phụ vừa bước qua tuổi ba mươi, xinh đẹp, quý phái, nhưng gương mặt lộ rõ sự lo lắng. Chị lôi đống giấy tờ trong chiếc cặp lap-top đã cũ sờn đưa cho luật sư Hùng. Chị bảo, trước đây, chị muốn nhờ luật sư tư vấn để giữ cuộc hôn nhân này, nhưng giờ, chị buông tay để mình được thanh thản.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vợ chồng chị kết hôn được 5 năm và có một cậu con trai 3 tuổi. Chồng chị là con một nên sau khi kết hôn, vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng trong căn hộ ở ngoại ô. Thế nhưng, mẹ chồng chị lại là người đồng bóng, xét nét, gia trưởng và tính toán chi ly với con dâu từ củ hành, lọ mắm, muối. Chị làm trưởng phòng một công ty nhập khẩu, lương tháng bình quân từ 20-30 triệu đồng, còn chồng chị chỉ mức lương cơ bản của nhà nước, nhưng lúc nào, mẹ chồng chị cũng nói chị ăn nhờ, ở đậu, sống phụ thuộc vào chồng.

Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, chị ép chồng chuyển ra ở riêng. Chị vay mượn bạn bè cộng với tiền tiết kiệm của hai vợ chồng và tiền bố mẹ đẻ cho thêm để mua một căn chung cư thu nhập thấp. Ngày nhận nhà, chị mừng rơi nước mắt. Vốn kỹ tính, đồ đạc trong nhà từ bộ ấm chén, bát đĩa, đến bức tranh treo tường… đều do một tay chị sắm sửa.

Anh chị ở riêng, nhưng mẹ chồng cũng không “buông tha”. Dăm bữa nửa tháng, bà lại sang “ăn vạ”. Khi thì lấy cớ sang thăm cháu đích tôn, lúc lại bảo nhớ con trai. Chưa dừng lại ở đó, vì ghét con dâu, mẹ chồng chị kiếm đủ lý do để gọi con trai về. Hôm thì bà mệt, hôm lại có việc quan trọng, hôm lại có em út ở xa về chơi… Lần nào về với mẹ thì chồng chị đều ngủ lại. Vợ chồng chị mang tiếng đi làm ở ngay Hà Nội, mà cứ mỗi tuần, anh về nhà tới 4-5 hôm để “chăm sóc mẹ”. Chị đâu biết, thời gian đó, mẹ chồng chị đã lên kế hoạch tìm kiếm một nàng dâu khác, hòng bắt ép anh chị ly hôn.

Ngày anh đề nghị ly hôn, chị bàng hoàng, chết đứng. Bởi lúc ấy, chị nghĩ, vợ chồng thi thoảng có mâu thuẫn, nhưng đều bắt nguồn từ mẹ chồng, ở riêng là có thể giải quyết được. Chị vẫn cố gắng hòa giải để gia đình không ly tán. Biết không thể níu giữ được nữa, chị đồng ý ly hôn. Thế nhưng, chị bất ngờ hơn khi anh đòi chia tài sản là căn nhà mà anh chị đang ở. Chị khóc nấc, nói: “Anh đòi bán nhà thì mẹ con em ở đâu? Nếu không bán nhà thì em cũng không có tiền để đưa cho anh. Với lại tính ra, căn nhà được mua do em vay mượn mà có”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chồng chị lấy lý lẽ đây là căn nhà mua trong thời kỳ hôn nhân nên bắt buộc phải chia đôi tài sản. Thậm chí, mẹ anh còn gọi luật sư đến thống kê tài sản cần chia, từ tài sản lớn như tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, quạt… đến cái bé như cái bàn ghế, bộ nồi niêu, cái chậu… Chị nhếch mép cười mà nước mắt cứ lưng tròng. Chị không thể ngờ, chồng và nhà chồng lại cạn tàu ráo máng đến thế. Dù gì, hai anh chị vẫn còn con chung là bé trai 4 tuổi. Chị sợ con nhìn thấy sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Chị buông xuôi, chịu thiệt về mình để ra đi, để tìm cuộc sống bình yên cho hai mẹ con sau ly hôn.

Sau ly hôn, đừng để “xấu đi” trong mắt nhau

Chuyện người trong cuộc “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” khi phân chia tài sản, đòi từ cái chổi cùn dế rách tưởng bịa nhưng là chuyện có thật và vẫn thường xảy ra. Một tháng trước, luật sư Nguyễn Hưng (Công ty luật The Light) cũng kể về một trường hợp ly hôn kéo dài 2 năm mà luật sư và thẩm phán cũng phải đau đầu chạy theo người chồng. Hai vợ chồng trẻ lấy nhau 6 năm và chưa có con. Họ góp tiền mua căn hộ chung cư ở quận Hà Đông, Hà Nội vào năm 2014.

Khi mua nhà, hai vợ chồng chỉ có một khoản tiết kiệm nhỏ, còn lại vay thêm bạn bè và ngân hàng. Mâu thuẫn bùng lên khi người chồng thất nghiệp nhưng lại chê bai các công việc tay chân như lái xe grab, giao hàng… hỗ trợ kinh tế và trả nợ cùng vợ. Để có tiền chi tiêu riêng, anh lại ngửa tay xin vợ. Quá sức chịu đựng, chị nghĩ đến phương án ly hôn. Tòa định giá căn nhà hơn 1 tỷ đồng, người nào nhận nhà thì trả tiền và ngược lại. Căn cứ vào đóng góp công sức của hai vợ chồng, Tòa định giá mức nhận: Vợ được hưởng 60% căn hộ, còn chồng chỉ hưởng 40%. Không đồng ý mức chia tài sản đó, anh chồng quyết đòi chia đôi 50/50 cho bằng được, thậm chí, anh còn trưng cả hợp đồng lao động để đòi chia tiền đến cùng. Đến mức, thẩm phán phải bức xúc đặt câu hỏi: Hết yêu thì vẫn còn nghĩa, hai người sẽ còn có thể làm bạn, tại sao sau ly hôn lại phải tính toán, đo đếm với nhau từng đồng như vậy?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Tôi từng tư vấn cho một người vợ trong quá trình ly hôn. Hai vợ chồng có chung một căn nhà và hai đứa con. Khi ly hôn, họ thống nhất mỗi người nuôi một đứa, còn toàn bộ tài sản sẽ chia đôi. Thực ra, việc chia đôi tài sản sau ly hôn khá bình thường và đúng pháp luật, nhưng điều đặc biệt ở đây chính là sự sòng phẳng đến mức chi ly thái quá của người chồng. Anh ta không ngần ngại liệt kê những thứ có trong nhà, từ cái cốc, đôi đũa, con dao… để chia cho “công bằng”. Thậm chí, anh ta còn định “kiểm kê” luôn căn hộ mà bố mẹ chị cho trước hôn nhân. Tôi tư vấn do căn hộ là tài sản phát sinh trước hôn nhân nên sẽ thuộc quyền sở hữu của chị” – luật sư Nguyễn Hưng thở dài.

Trong nhiều vụ ly hôn ở TAND Hà Nội, có nhiều câu chuyện buồn về chia tài sản sau ly hôn của nhiều cặp vợ chồng. Để rồi vì không thống nhất về tài sản, họ sẵn sàng dành những lời cay đắng cho nhau. Cuộc tranh chấp tài sản nghiệt ngã, để lại một vết thương lòng cho những người từng đầu gối, tay ấp. Có lần, tôi ngồi nghe một vụ xét xử ly hôn mà ấn tượng không quên là sau khi kết thúc phiên tòa, người đàn ông đi chân không về, trả luôn cho vợ đôi dép lào mà cô ấy nhất định đòi bằng được vì cho rằng đó là do tiền mình mua, trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.

Phân chia tài sản sau ly hôn là việc làm phù hợp với pháp luật, những người trong cuộc được quyền đòi hỏi nếu họ thấy chưa xứng đáng với mình. Nhưng liệu có cần phải chi ly, tính toán với nhau từng chút một như thế? Sau ly hôn, không còn tình thì còn nghĩa, đừng vì những chấp nhặt nhỏ mọn mà đánh mất đi những giá trị và hình ảnh đẹp đẽ đã từng có trong mắt nhau.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.