Đóng góp to lớn của Ngô Quyền trong việc xây dựng triều Ngô trong tiến trình lịch sử dân tộc

Chia sẻ

Sáng 1/10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước".

Dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ôn lại giai đoạn lịch sử, công lao, chiến công hiển hách của Ngô Quyền, góp phần lập nên nhà nước tự chủ và độc lập, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: "Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ "đồng hóa" của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở để mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944".

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng nêu rõ, sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam. Công lao to lớn của Ngô Quyền đối với đất nước, sử sách nước ta trong nhiều thập kỷ vừa qua đã xác định rõ, song giới sử học và các cơ quan liên quan vẫn đặt ra nhiệm vụ tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu và nghiên cứu sâu sắc hơn về Ngô Quyền. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, một số cuộc hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền đã được tổ chức; nhiều công trình nghiên cứu về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng được công bố trên các sách và tạp chí chuyên ngành. Những nguồn tư liệu, tài liệu này được tổng hợp tương đối đầy đủ thông qua các kết quả nghiên cứu về Ngô Quyền trong những năm gần đây do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước" nhằm thêm một lần nữa khẳng định rõ các nguồn tư liệu, thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng Vương ở Cổ Loa nói riêng; khẳng định những đóng góp to lớn của Ngô Quyền trong việc xây dựng triều Ngô trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa vào mùa Xuân năm 939 có ý nghĩa tiếp nối truyền thống An Dương Vương, phục hồi lại quốc thống..., đã tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc, xứng là vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng với các đại biểu dự hội thảoPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng với các đại biểu dự hội thảo

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, những di sản liên quan đến Ngô Quyền cũng như hướng nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm vinh danh công lao to lớn của Đức vua Ngô Quyền với đất nước. Hội thảo là bước nghiên cứu cần thiết để đưa ra những cơ sở khoa học phục vụ Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghiên cứu xây dựng kịch bản Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội), Vương triều Ngô được thành lập và tồn tại trong thời gian khá ngắn (939-965); Ngô Quyền tại vị khoảng 6 năm (939-944) nên có lẽ vì lý do đó mà các vua triều Ngô chưa để lại dấu ấn lớn ở Cổ Loa, nhưng những tư liệu dân gian và đặc biệt là đôi câu đối trong Đình Cổ Loa cho thấy rõ, Cổ Loa là nơi đóng đô của Ngô Quyền.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước" là nguồn tư liệu khoa học nhằm khẳng định vị trí và vai trò của Ngô Quyền và triều Ngô trong tiến trình lịch sử Việt Nam, cũng như những đóng góp về mặt lịch sử, khoa học đối với di tích Cổ Loa, củng cố cơ sở khoa học phục vụ dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền để tỏ lòng thành kính đối với vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam; xây dựng kịch bản tổ chức lễ hội thường niên tại Cổ Loa để tưởng nhớ công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc.

THU THU

 

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.