Chàng rể Tây

Chia sẻ

Hồi cháu nội của ông được bố mẹ nó đồng ý cho đi du học, ông đã không bằng lòng. Ông sợ cháu nội có người yêu Tây thì ông sẽ mất cháu.

Thế mà nỗi lo lắng của ông lại thành sự thực. Ngày tốt nghiệp đại học, nó đồng thời báo cáo với ông đã có người yêu. Cậu thanh niên đó là tây 100%. Trong suy nghĩ của ông, người Việt thì chỉ hợp với người Việt. Ông ngán ngẩm nghĩ tới cảnh nó ngồi trước mặt ông, tiếng là ông và cháu thật nhưng nào có nói được với nhau câu nào! Chưa kể, sau cưới, cháu gái ông theo chồng sang tít tận bên trời Tây sống, chắc đến lúc chết, ông cũng không còn cơ hội gặp lại nó nữa.

Ngày cháu ông đưa bạn trai về nước ra mắt gia đình, ông chẳng hào hứng chút nào. Nhưng, vì thể diện ông đành nhượng bộ. Cậu rể tướng người cao lênh khênh, mắt xanh, da trắng, tiếng Việt một chữ bẻ đôi không biết. Nhìn thấy ông, nó liền cúi xuống chào, rồi sổ ra cả tràng tiếng tây. “Anh ấy chào ông, hỏi thăm ông có khỏe không ạ”, cháu gái đứng bên cạnh, làm phiên dịch viên. Ông chau mày: “Cháu chắt cái gì, một tiếng chào ông cũng không nổi”. Cháu gái ông quay sang nói một tràng tiếng Anh cho người yêu nghe. Chẳng biết nó dịch gì mà cậu cháu tây tương lai cười toe toét, miệng không ngớt “Thank you”, “Thank you” với ông.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ đó, cậu cháu tây coi nhà ông như nhà mình, rất năng đi lại khiến ông càng tức mắt. Lần đó, cháu tây đến đúng lúc nhà ông đang chuẩn bị bữa ăn chiều. Nó xì xồ nói với ông câu gì đó rồi tự nhiên chui tọt xuống bếp. Ông còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì cháu gái ông cười: “Anh ấy bảo đang đói quá, muốn được ăn cơm với nhà mình. Anh ấy xin phép ông cho anh ấy xuống bếp nấu cơm đấy mà”. “Sao lại nấu cơm?”, “À, thì anh ý cho rằng, đàn ông không bao giờ ngồi chơi để phụ nữ phải nấu cơm phục vụ mình. Với anh ấy, đàn ông lo nội trợ, trông con là bình thường”.

Tự nhiên ông thoáng “khựng” lại. Về điểm này thì ông thấy nó được. Đúng là nhiều lúc, nhìn các bà vợ lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, hết đi làm lại về nhà lo nội trợ, hy sinh tất cả cho chồng con tới quên cả bản thân ông cũng ái ngại lắm. Nhưng, để lao xuống bếp thì ông chưa làm bao giờ. Ông cứ thấy ngài ngại, ngượng ngượng sao ý.

Một lát sau, mâm cơm được cậu cháu tây tương lai bê lên trên nhà. Trước khi ăn, cậu liền xin phép cả nhà, đứng chắp tay trước bàn thờ, lẩm nhẩm một hồi, sau đó vào mâm, cúi xuống mời hết thảy mọi người ăn cơm. Ông liền hỏi cháu gái: “Hôm nay không phải ngày giỗ, sao cậu này lại chắp tay trước bàn thờ như vậy?”. Cháu gái ông cười: “À, anh ý muốn mời các cụ tổ tiên ăn cơm. Anh ý bảo là con cháu phải biết ơn tổ tiên đã sinh ra mình”.

Ông vừa buồn cười vì kiểu nhập gia tùy tục của cậu cháu rể tây, nhưng, cũng vừa thấy hài lòng. Cậu thanh niên này như vậy cũng cho thấy biết suy nghĩ trước sau, hiểu đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ông liền nói với cháu gái: “Cháu dịch cho bạn cháu nghe, không phải cứ lần nào đến nhà mình cũng phải chắp tay khấn các cụ. Nhưng, nó hiểu đạo lý như vậy là ông ghi nhận, cho nó thêm điểm cộng”. Rồi ông quay sang hỏi cháu rể tương lai: “Thế sau này, cậu có ngại nếu phải ở rể nhà tôi không?”. Qua lời dịch của cháu gái, cậu cháu tây trả lời: “Cháu ở đây hay về nước cũng được. Mà sao ở rể lại phải ngại ạ. Rể chỉ ngại khi đối xử không tốt với vợ và gia đình của vợ thôi. Còn một khi đã là con thì bố mẹ nào cũng là bố mẹ”.

Tối hôm đó, ông liền gọi cháu gái vào nói: “Thôi, ông sẽ duyệt cho hai cháu kết hôn. Đúng là trước đây, ông còn có cái nhìn định kiến về rể ngoại. Nay, ông thấy, rể nội hay ngoại thì đều có điểm tốt. Rể ngoại mà ngoan ngoãn, biết điều thì còn tốt hơn rể nội mà hư. Thôi thì thời đại hội nhập, cháu lấy ai cũng được, miễn là người đó sẽ đem lại cho cháu hạnh phúc”.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.