Làm thủ tục ly hôn cho người bị tâm thần

Chia sẻ

Tôi có người cô ruột lấy chồng được 12 năm, sau khi sinh người con thứ hai thì có những dấu hiệu trầm cảm, rồi có biểu hiện của người bị bệnh tâm thần.

 Hiện tại cô ấy không tự chăm sóc được gia đình và ngay cả bản thân mình cũng cần phải có nhà ngoại hỗ trợ. Càng ngày bệnh của cô càng nặng và hiện nay gia đình phải quản lý mọi hoạt động của cô. Chồng cô vì thế mà chán nản và hay đi qua đêm, bỏ mặc con cái cho ông bà ngoại lo. Vợ chồng cô có tài sản chung là căn hộ chung cư hơn 100m2, 1 sổ tiết kiệm. Xin hỏi, với người bị tâm thần như cô tôi thì việc ly hôn được thực hiện như thế nào? Có ly hôn được không? Con cái và tài sản được giải quyết như thế nào khi cô tôi không còn tỉnh táo trong việc nhận thức?

Bích Thảo (Hoàng Mai)

Trả lời

Trước hết, để khẳng định cô của bạn là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải có xác định của Tòa án cấp huyện nơi cô của bạn sinh sống. Gia đình bạn làm đơn yêu cầu (theo mẫu của tòa án) và nộp để được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Nếu cô của bạn chưa có quyết định của cơ quan chuyên môn kết luận tình trạng bệnh của cô bạn, thì gia đình làm đơn đề nghị tòa án cho trưng cầu giám định sức khỏe, hoặc giám định pháp y tâm thần về tình trạng bệnh của cô bạn. Sau khi nhận được kết luận giám định, Tòa án sẽ ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu của gia đình về tình trạng của cô ấy.

Làm thủ tục ly hôn cho người bị tâm thần - ảnh 1

Theo Điều 378, Điều 517 Bộ luật Tố tụng dân sự (Luật số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ 01/1/2017), được quy định như sau:

“Điều 378. Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Trong quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Trong quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án phải chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”;

Khoản 3, Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau: “Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật Dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn”. Thông thường thì vợ (hoặc chồng) là người giám hộ đương nhiên của nhau, tuy nhiên trong trường hợp này người chồng không thể là người giám hộ trong vụ án ly hôn, nên có thể người được Tòa án chỉ định giám hộ là bố hoặc mẹ.

Theo Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 như sau:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:


2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

Sau khi tòa án chỉ định được người giám hộ, thì người giám hộ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Người giám hộ của người bị tâm thần yêu cầu được giải quyết ly hôn cho người con bị mắc bệnh tâm thần, cần chuẩn bị một số giấy tờ tài liệu và thủ tục như sau:

- Bệnh án hoặc kết quả giám định pháp y tâm thần.

- Giấy đăng ký kết hôn (bản sao).

- Giấy khai sinh của 02 con (bản sao).

- Giấy chứng minh thư nhân dân của cả vợ và chồng, hoặc của vợ (bản sao).

- Sổ hộ khẩu (bản sao).

- Giấy xác nhận nơi cư trú của công an hộ tịch đối với hai vợ chồng.

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất (bản sao).

Sau khi hồ sơ được gửi đến Tòa án có thẩm quyền đề nghị giải quyết ly hôn, thì tòa sẽ tiến hành thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung. Điểm khác biệt trong vụ án ly hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự là sau khi thụ lý, tòa án sẽ không qua thủ tục hòa giải như các vụ án ly hôn thông thường, mà trên cơ sở xem xét hồ sơ đã thu thập được và đưa vụ án ra xét xử.

Về phần tài sản: Tòa án sẽ xem xét chia tài sản chung (bao gồm cả động sản và bất động sản, tiền trong sổ tiết kiệm) của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân sẽ được chia đôi; Trong quá trình xem xét giải quyết vụ án ly hôn, việc chia tài sản sẽ giải quyết trên nguyên tắc xem xét đến một số yếu tố như: Hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; Xem xét đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…

Vấn đề cuối cùng mà tòa án cần giải quyết là quyền nuôi con. Việc xem xét cho con ở với bố trong trường hợp này sẽ được Tòa án ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu người bố vẫn tiếp tục bỏ bê con cái hoặc biểu hiện không có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, thì Tòa án sẽ quyết định cho 2 người con tiếp tục ở với ông bà ngoại cho tránh sự xáo trộn cuộc sống của các cháu sau này, người bố sẽ có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con đủ 18 tuổi.

Với những tư vấn chi tiết trên đây để bạn và gia đình có thể tham khảo, đưa ra những giải pháp cụ thể, tiến hành giải quyết việc ly hôn cho cô của bạn, nhằm sớm ổn định cuộc sống của cô và các con cùng các thành viên khác trong gia đình.

Luật sư: TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.