Nhà vệ sinh, phòng tắm nữ dùng mã QR chống tội phạm tình dục gây tranh cãi

Chia sẻ

Tập đoàn Nhà đất và Nhà ở Hàn Quốc (LH) do nhà nước điều hành có kế hoạch giới thiệu nhà vệ sinh công cộng dựa trên mã QR cho phụ nữ như một phần trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm tình dục kỹ thuật số chụp ảnh hoặc quay phim bất hợp pháp trong phòng vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, vấn đề này đang gây tranh cãi nảy lửa ở xứ sở kim chi…

Tăng cường an toàn cho phụ nữ

LH đã thông báo rằng, họ sẽ phát triển một hệ thống quản lý lối vào mới cho các phòng vệ sinh công cộng của phụ nữ để ngăn chặn tội phạm tình dục kỹ thuật số và giới thiệu hệ thống này tại sáu phòng vệ sinh công cộng ở các thành phố Yangju và Sejong trên cơ sở thử nghiệm. Hệ thống mới yêu cầu phụ nữ quét mã QR để được vào nhà vệ sinh, đồng thời hạn chế nghiêm ngặt sự ra vào của nam giới. Những phụ nữ muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh của họ và nhận mã QR một lần sau khi thông qua chứng nhận của nhà mạng.

Mã QR không chứa bất kỳ thông tin cá nhân nào và có chức năng mã hóa để ngăn chặn hành vi trộm cắp danh tính. Đối với những người cao tuổi cảm thấy bất tiện khi sử dụng mã QR và những người không muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng mã QR, LH có kế hoạch triển khai hai loại phòng vệ sinh công cộng: loại dựa trên mã QR và loại thông thường tại các công viên thông qua tham vấn với chính quyền thành phố tại các công viên. LH dự định tăng cường hơn nữa sự an toàn của các phòng vệ sinh công cộng dựa trên mã QR bằng cách bổ sung các chức năng khác như cảnh báo tự động khi một cá nhân có mặt trong nhà vệ sinh trong một khoảng thời gian dài.

Những tranh cãi nảy lửa

Tuy nhiên, việc áp dụng nhận dạng mã QR này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều phụ nữ cảm thấy không thoải mái khi bị nhận dạng trước khi vào nhà vệ sinh hay phòng tắm công cộng như vậy.

Nhà vệ sinh nữ ở Hàn Quốc-ảnh koreabizwireNhà vệ sinh nữ ở Hàn Quốc-ảnh koreabizwire

Phòng tắm công cộng của phụ nữ ở Hàn Quốc là điểm nóng khét tiếng cho tội phạm quay lén. Theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, trung bình có 16,2 trường hợp quay lén diễn ra mỗi ngày trong năm 2019. Khoảng 97% thủ phạm là nam giới. Với nỗ lực này, có thể hình dung cảnh tượng một hàng dài phụ nữ cầm điện thoại thông minh hiển thị mã QR, chờ đến lượt vào nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng ở Hàn Quốc trong tương lai.

Hạ nghị sĩ Sim Sang-jung đưa ra vấn đề việc dùng mã QR bắt buộc trong phòng vệ sinh công cộng gây ra rào cản hạn chế quyền truy cập cho những người không có smartphone hoặc gặp khó khăn trong sử dụng điện thoại thông minh, như người già, trẻ nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và người khuyết tật. Bà Sim cũng cho rằng, thật bất hợp lý khi những "nạn nhân tiềm năng" của nạn quay lén, chứ không phải kẻ xấu, lại phải cung cấp thông tin cá nhân để truy cập các cơ sở công cộng. Bên cạnh đó, việc buộc những cá nhân không dùng mã QR phải sử dụng các nhà vệ sinh khác không phải là một giải pháp hay. Oh Joo-hyun, Giáo sư nghiên cứu tại đại học Yonsei, cũng đồng tình với ý kiến trên. “Vấn đề là liệu những người sử dụng nhà vệ sinh nữ có thể thực sự cảm thấy an toàn khi thông qua hệ thống truy cập kỹ thuật số như vậy hay không? Thay vì nhẹ nhõm, họ có thể cảm thấy như đang bị giám sát vì một ai đó có trách nhiệm theo dõi hồ sơ truy cập”, bà nói. Hệ thống này cũng dấy lên nghi ngờ về việc thông tin sẽ được lưu giữ trong bao lâu và được quản lý như thế nào?!

Hiện nay, trong khi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, liên tục cập nhật các công nghệ, ứng dụng mới, vẫn có nhiều người “thiệt thòi về kỹ thuật số” ngày càng bị bỏ lại phía sau. Theo báo cáo năm 2019 của Hiệp hội Thông tin Quốc gia Hàn Quốc, những người có khả năng cơ bản sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số khác trong nhóm người tàn tật, người cao tuổi và người có thu nhập thấp là 60,2%. Sự hạn chế tiếp xúc do dịch Covid-19 cũng làm tăng thêm khoảng cách giữa những nhóm người này. Vào tháng 7, Trung tâm Chứng nhận Khả năng truy cập Web Hàn Quốc (KWACC) đánh giá các ứng dụng di động như Naver, KakaoTalk và PASS có chức năng mã QR, phát hiện ra rằng chúng có khả năng truy cập kém đối với người khiếm thị. "Từ việc lấy mã QR đến quét chúng, những người mù gặp khó khăn khi không có sự giúp đỡ của người khác", trung tâm cho biết. Đối với những người nghèo, thậm chí không mua nổi smartphone, tình hình có thể còn tồi tệ hơn. "Yêu cầu người vô gia cư không có điện thoại thông minh dùng mã QR để sử dụng dịch vụ chẳng khác nào cấm họ cả", nhà hoạt động Lee Dong-hyun của Tổ chức Người vô gia cư nhận định.

Xem ra, câu chuyện dùng nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng phải quét mã QR tại Hàn Quốc vẫn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể hoàn thiện và phát huy tối đa hiệu quả được.

NGUYỄN MINH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.