Chồng lắm lời

Chia sẻ

Đêm khuya, chị Tân tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện. Ngồi ngủ gục đầu trên góc giường bệnh của chị là anh Năm, chồng chị. Sao mình lại ở trong bệnh viện? Chị dần dần nhớ ra. Sau khi cãi nhau với chồng, chị đã dắt xe máy lao ra đường định về nhà bố mẹ đẻ...

Hôm đó là Chủ nhật, vợ chồng chị nhận lời mời của nhóm “các gia đình phòng 1” cơ quan cũ, gặp mặt liên hoan tại nhà anh Huỳnh. Phòng 1 xưa có 20 thành viên, sau khi chia tách Cục đã thành nhiều phòng khác nhau. Nhưng các thành viên của phòng 1 hồi ấy vẫn yêu thương nhau như anh em, nên mọi người vẫn hẹn nhau mỗi năm sẽ gặp nhau một lần theo kiểu “các gia đình quay vòng đăng cai”. Các cặp vợ chồng gặp nhau đều ríu rít hỏi han chuyện sức khỏe thế nào; con cái ăn học ra sao, đứa nào sắp lấy vợ lấy chồng, có phải mải học thì cần giới thiệu kẻo quá lứa lỡ thì; rồi các vị mới được giải thưởng hoặc thăng chức thì chuẩn bị “ưu tiên” đăng cai cuộc gặp tiếp theo... Thực ra trong cuộc sống, nhất là trong đồng nghiệp, yêu thương chia sẻ trong cả một tập thể đông người thường là không dễ, có được như tập thể phòng 1 cũ này phải nói nhờ sự “quân tử” của ông Trưởng phòng và 2 ông Phó phòng xưa. Họ luôn gương mẫu, nhường nhịn, biết cách động viên, khen ngợi và phê bình anh chị em cấp dưới rất thẳng thắn nhưng hết sức chân tình, chế độ khen chê, thưởng phạt rất công tâm.

Mặt khác, các sếp thời đó cũng rất quan tâm đến các đồng nghiệp không may gặp khó khăn hoạn nạn, sẵn lòng chia sẻ từ kinh tế đến gánh vác hộ công việc, hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính vì thế nên ai cũng tâm phục khẩu phục mà giữ được tình cảm trân trọng đồng nghiệp. Và nhờ đó mà cuộc gặp năm nào cũng vui như Tết, chuyện nổ như ngô rang, ai có niềm vui thì được chúc mừng, ai gặp khó khăn thì vẫn tiếp tục được giúp đỡ. Thế mà cuộc gặp mặt năm nay, chỉ vì anh Năm chồng chị gây chuyện khiến mọi người mất vui, phải giải tán sớm, thậm chí các mâm cỗ gần như vẫn còn nguyên vì chưa ai kịp cầm đũa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực ra xuất phát thì cũng không có mâu thuẫn gì lớn, hay tranh cãi gì to tát, nhưng anh Năm dạo này có thêm tý tuổi, tóc có tí muối tiêu, lại thích ra cái vẻ “dạy đời”. Mấy cuộc gặp mặt gần đây, anh đã ra vẻ khoe khoang, nào là nhà cửa vợ chồng anh là đàng hoàng nhất phòng 1, nào là 2 con anh đã đưa được hết vào công tác trong Bộ, nào là anh chị đã lên ông bà ngoại, rồi anh lại đã sắm được cái ô tô. Mọi người nghe thì đều hồ hởi mừng cho vợ chồng anh. Nhưng đến cuộc gặp này, ngoài chuyện khoe khoang cũ, anh Nam lại “ra vẻ” khi lên lớp, chỉ trích hết đồng nghiệp này sang đồng nghiệp khác. Anh chê bai người này kém tài, kém chuyên môn, người kia thành đạt được đề bạt thế chẳng qua là “ăn may” chứ “có cái quái gì đâu”. Mọi người nghe anh Năm nói cũng thấy bực, nhưng cũng nhường nhịn, không ai nói lại gì. Thấy thế, anh Năm lại chạy qua bàn khác, lại chê bai người này người nọ, thậm chí các thành viên là vợ hoặc chồng của cán bộ phòng 1 được MC giới thiệu lên hát, đọc thơ góp vui, cũng bị anh Năm chê bai, khiến cho không khí càng lúc càng kém vui.

Thấy anh Năm như vậy, anh Quốc chủ động đem ly rượu qua chúc sức khỏe vợ chồng chị. Anh Quốc có ý muốn lái anh Năm sang chuyện khác để thay đổi không khí, chị Tân nghĩ thế. Thực tâm chị cũng thấy ái ngại khi chồng mình cứ chê bai tất tật mọi người, chị ngồi cạnh, đã giật áo nói nhỏ với chồng “thôi đừng nhận xét không vui về mọi người nữa”, nhưng anh gạt phắt tay vợ, và lại vẫn thao thao bất tuyệt. Khi anh Quốc vừa nâng ly chúc sức khỏe tất cả mọi người cùng bàn, trong đó có vợ chồng chị, thì không ngờ anh Năm cáu ầm ĩ. Anh chê bai anh Quốc không tiếc lời, thậm chí anh trừng mắt “Tay Quốc này láo quá! Ông thua tôi 1 tuổi, nhìn thấy mặt trời sau tôi, sao lại xưng ông - tôi với tôi được!” khiến anh Quốc và mọi người cùng ngỡ ngàng. Vợ anh Quốc hơi nóng mắt, đứng phắt dậy kéo chồng “Anh việc gì phải chúc tụng. Cứ để anh Năm tự khoe khoang bản thân tiếp đi!”. Anh Năm phản pháo lại vợ anh Quốc. Thế là thành to chuyện, ầm ĩ cả lên. Ông Trưởng phòng lập tức đề nghị “Tiệc đến đây kết thúc! Xin cảm ơn chủ nhà và hẹn sang năm gặp lại”. Các thành viên tíu tít chào nhau. Riêng anh Năm vẫn “căng” với vợ anh Quốc, nên lại “hạ” thêm chê bai anh Quốc mấy câu nữa. Chị Tân vội vã kéo tay chồng “Thôi thôi, mọi người về hết rồi, anh cũng nên về thôi”. Thế là “cuộc chiến” rẽ ngang đường, chuyển qua 2 vợ chồng chị.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về đến nhà, chị Tân bực quá, tiếp tục góp ý với chồng, ai dè anh Năm nổi cơn, mắng vợ té tát. Chị Tân vừa khóc vừa bảo chồng:

- Anh tự khoe khoang nhà lầu, xe hơi, con cái thành đạt. Anh lại đi chê bai tất tần tật mọi người. Anh không biết là con anh giỏi thì cũng chỉ tốt nghiệp đại học, con cái nhiều người phòng 1 này đã học xong thạc sĩ, lại học ở nước ngoài về đấy. Anh khoe là sang năm anh nghỉ hưu thì anh cần gì sẽ có đám học trò, đệ tử của anh chạy đến lo cho anh. Chả biết rồi có ai đến không? Nhưng ngay cả những đồng nghiệp xưa cũ này họ tốt với cả nhà anh từ lâu rồi, việc gì từ lúc anh khó khăn họ đều giúp đỡ, mà nay họ chán anh lắm rồi, chỉ vì cái tật nói nhiều, nói sai của anh đấy...

Anh Năm quát vợ:

- Cô nói ít thôi! Cô biết gì mà chen vào!

- Đúng là tôi không nên chen vào việc của anh. Nhưng anh ngày càng quá quắt. Ở nhà anh đã trở nên ngày càng lắm lời từ mấy năm nay, nhưng tôi và các con đều cố gắng nín nhịn. Anh có biết các con anh rất chán bố rồi không? Chúng gọi anh là “Mister lắm điều”. Chúng rì rầm bức xúc về bố sau lưng, tôi đã phải nói các con thông cảm cho bố. Nhưng anh ngày càng quá đáng. Anh nói lắm, cái gì cũng coi mình là nhất. Con rể về thăm, anh cũng chê bai nó đủ thứ, khiến nó chán, ngại không muốn đưa vợ con về thăm ông bà ngoại. Con gái anh lại thích theo chồng đưa con về chơi với ông bà nội hơn, tuần nào chúng cũng về bên đó, vì ông bà yêu thương, trò chuyện, bàn bạc tương lai cho các con, như: nên làm thêm công việc gì để phát triển kinh tế, nên cho con nhỏ học trường tư hay trường công. Nghĩa là họ bàn bạc với các con những chuyện có ích. Còn anh, anh chỉ tự vỗ ngực khoe mẽ bản thân, mà không biết bản thân mình đã “quá đát”! Anh không khen ai bao giờ, chỉ có chê bai người ta. Chê từ trẻ con đến người già, chê cả thanh niên cả phụ nữ. Anh không nhìn thấy ai có bất cứ điểm tốt nào để khen. Anh chỉ nhìn thấy điểm yếu của họ và moi móc họ, bêu riếu họ. 

Ảnh minh họaẢnh minh họa

- Anh moi móc, chê bai vợ con anh, thì vợ con anh đành phải chấp nhận, vì phản ứng thì anh lại làm ầm lên, mà góp ý thì anh “xì” không thèm nghe, không thèm rút kinh nghiệm. Nhưng hôm nay anh chê bai các đồng nghiệp của anh, mà anh chỉ “ếch ngồi đáy giếng” không biết rằng họ đã tiến xa hơn anh rất nhiều. Họ thăng chức thăng quyền, nhưng họ đâu có khoe khoang, họ chỉ lặng lẽ mời bạn bè đồng nghiệp đến nhà ăn bữa cơm tình cảm. Họ mua biệt thự, xe sang, con họ du học nước ngoài từ đại học đến đang học tiến sĩ, họ cũng đâu có “coi trời bằng vung”, khinh thường mọi người như anh đâu? Tại sao anh không chọn cuộc sống đơn giản, vui vẻ, hòa đồng như mọi người? Anh cứ lắm điều, mà “bệnh” ngày càng nặng? Đến mức như hôm nay, mọi người đang gặp nhau vui vẻ, vì anh phá nát cuộc vui nên mọi người phải bỏ dở bữa ăn mà ra về...

- Thôi! Cô câm mồm ngay! Cô đừng dạy khôn tôi! Thằng này 60 tuổi rồi, không cần ai dạy khôn! Đừng nói là con vợ, nhé! – anh Năm gầm lên, đập bàn cái rầm, cắt ngang lời chị Tân.

- Được, anh không thích nghe lời nói thẳng, anh tự huyễn hoặc, tự khoe mẽ thì anh tự nghe đi! Sao anh ngày càng nói lắm thế? Anh phải hiểu rằng không ai còn chịu đựng nổi anh! Bạn bè cũng chán anh! Tôi là vợ mà cũng không chịu nổi nữa rồi. Từ nay tôi không nghe nữa. Và con trai tôi, nó cũng sẽ không cần phải chịu đựng bố nó lải nhải suốt ngày nữa! Tôi và con sẽ về nhà ông bà ngoại!

Chị Tân không thể kiềm chế thêm. Chị vừa khóc vừa nói với chồng, rồi trong cơn giận dữ, chị dắt xe máy lao ra đường về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng khi chị vừa rồ ga lao ra cổng thì một cái xe máy lao ngang qua đâm sầm vào chị. Chị Tân bất tỉnh. Anh Năm hốt hoảng đưa vợ vào bệnh viện cấp cứu...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.