Nhận diện tội phạm bắt cóc trẻ em

Chia sẻ

Tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em đã được quy định trong Luật. Tuy nhiên, thực tế các vụ việc bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em đã được đưa ra xét xử cho thấy, hình phạt vẫn chưa đủ nặng để răn đe, làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội.

Những vụ bắt cóc trẻ em rúng động dư luận

Mới đây, ngày 30/10, TAND TP Bắc Ninh vừa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 16h ngày 21/8, Nguyễn Thị Thu đi một mình bằng xe máy từ nhà trọ đến công viên Nguyễn Văn Cừ (thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) ngồi ở xích đu ngay sát khu vườn hoa để quan sát xem bé trai nào đang chơi xung quanh để bắt cóc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lúc đó, Thu nhìn thấy cháu Nguyễn Cao Gia B (2 tuổi) đang vui chơi tại công viên. Đối tượng vẫy tay về hướng Gia B lần thứ nhất nhưng cháu không theo. Một lúc sau, Thu vẫy tay lần hai để gọi và mua cho đồ chơi, cháu Gia B đi theo. Thu đưa cháu bé về phòng trọ nghỉ lại. Sáng hôm sau, Thu thay quần áo cho cháu bé, chở cháu đến phòng trọ của Đặng Văn B (chồng không hôn thú của bị cáo) tại Hà Nội và có nói với Đặng Văn B đây là con của hai người. Đến 9 giờ ngày 22/8, Đặng Văn B chở đối tượng Thu và cháu bé từ Hà Nội về nhà mình tại tỉnh Tuyên Quang. Đến 21h30 ngày 22/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh Tuyên Quang tiến hành giải cứu cháu Gia B và bắt giữ Thu.

Tại Tòa, bị cáo Thu khai, mặc dù con đã mất khi mới sinh được 5 ngày nhưng do muốn níu giữ tình cảm nên khi anh B gọi điện hỏi thăm, bị cáo đều nói dối là con vẫn khỏe mạnh. Do đó, để che giấu, Thu nghĩ ra cách bắt cóc cháu bé để giả làm con của anh B.

Đây không phải là vụ án bắt cóc trẻ em đầu tiên xảy ra, thực tế, đã có rất nhiều vụ việc gây rúng động dư luận. Như hồi tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã điều tra, giải cứu cháu bé 17 tháng tuổi bị hai đối tượng bắt cóc, chiếm đoạt. Theo lời kể của mẹ cháu bé, hai đối tượng là người làm thuê trong gia đình. Lợi dụng sơ hở của gia đình, cả hai lên kế hoạch bắt cóc. Sau một ngày tìm kiếm, cháu bé mới được giải cứu khi đang bị các đối tượng đưa đi nơi khác.

Tại Hà Nội, một vụ bắt cóc trẻ em từng gây rúng động, xôn xao dư luận cách đây nhiều năm. Ngày 1/11/2011, tại BV Phụ sản Trung ương xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt trẻ em, mà nạn nhân là bé trai 3 ngày tuổi, con của chị Trần Thị T (trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Theo đó, đối tượng Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Bắc Giang) đã lên kế hoạch, giả làm nhân viên y tế đến bảo người nhà đưa cháu bé đi xét nghiệm rồi bế cháu bé về nhà bố mẹ đẻ ở Bắc Giang. Sau 4 ngày, cháu bé được giải cứu. Ngày 9/4/2012, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lệ 4 năm tù về tội “Chiếm đoạt trẻ em”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực tế, tình trạng bắt cóc trẻ em ngày càng diễn ra phức tạp. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ tính riêng năm 2019, cả nước có trên 200 vụ buôn người, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo tới các phụ huynh thường xuyên quan tâm, để mắt tới con em mình hơn.

Tăng nặng hình phạt để đủ sức răn đe

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho biết, tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em đang diễn biến hết sức nguy hiểm và khó lường với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, cùng thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất ngày càng táo tợn, liều lĩnh. Các đối tượng bắt cóc dùng “chiêu thức” như: phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn (chạy lăng xăng), đối tượng tìm cách tiếp cận, bắt quen rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để dụ dỗ trẻ em đi theo chúng; Giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở…để đưa đi. Chúng có thể đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh; Theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi trên đường, không đeo đai an toàn, đối tượng chủ động va quệt xe gây tai nạn. Trong lúc bà mẹ đang nằm ra đường, đồng bọn của chúng vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi; Trẻ em bị lạc bố mẹ, lạc đường về nhà đứng khóc tại vỉa hè, đường xá, đối tượng đến dỗ dành, tỏ ra đáng tin cậy rồi lừa đưa các cháu đi. Thậm chí, các đối tượng còn ngang nhiên cướp giật trẻ nhỏ trên tay người mẹ tại các nơi công cộng như chợ, siêu thị, đường sá…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Việc bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em gây hoang mang dư luận xã hội, tạo ra tâm lý bất an, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xâm hại phong tục tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của Nhà nước.

Hành vi bắt cóc trẻ em luôn gây ra nhiều bất bình trong xã hội, những đứa trẻ non nớt, chưa nhận thức được hết đã bị dụ dỗ, rơi vào tay người xấu hòng chiếm đoạt tài sản hoặc buôn bán ra nước ngoài, gây hoang mang cho gia đình và xã hội” – Trung tá Hiếu nói.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định các mức hình phạt rất nghiêm khắc đối với loại tội phạm liên quan đến bắt cóc trẻ em. Các hành vi có thể cấu thành tội bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em được Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ tại các Điều 151 đến 153 và Điều 169 của Bộ Luật này. Hình phạt cao nhất mà các đối tượng bắt cóc trẻ em chịu theo quy định là 20 năm.

Tuy nhiên, thực tế xét xử các vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thời gian gần đây, nhiều người cho rằng, mức hình phạt như vậy là chưa đủ mạnh. Hình phạt mà các đối tượng phạm tội nhận được nếu bị pháp luật trừng trị là nhỏ hơn lợi ích mà chúng thụ được khi phạm tội. Hệ lụy để lại sau những vụ án bắt cóc vô cùng lớn, thậm chí, nhiều đứa trẻ bị ám ảnh tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành sau này.

Do đó, để nghiêm trị hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, luật cần nghiêm khắc hơn nữa. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần giáo dục trẻ nhận thức về phản ứng với người lạ, cách ứng phó trong tình huống khẩn cấp, đồng thời cần sự chung tay của những người xung quanh nhằm ngăn chặn các hành vi có khả năng là bắt cóc, nhằm giảm thiểu tội ác này.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.