Phụ nữ Hàn Quốc phá bỏ định kiến giới bằng nghề trang điểm xác chết

Chia sẻ

Nếu như trước đây, việc chăm lo hậu sự cho người đã mất trong văn hóa Hàn Quốc được “mặc định” là công việc của nam giới thì hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ ở xứ sở Kim chi đã và đang tham gia các lớp đào tạo để trở thành người chăm lo hậu sự. Trong đó có nghề khá “đáng sợ”: Làm đẹp cho người chết.

Cô Park Se-jung, 19 tuổi, hiện là sinh viên năm 2 ngành Tổ chức tang lễ tại đại học Eulji nói: “Tôi cảm thấy không thoải mái khi các bạn nam cùng lớp động chạm vào cơ thể mình, ngay cả khi tôi đang mặc quần áo đầy đủ. Tôi chắc chắn không muốn người khác giới động chạm, tắm rửa và mặc quần áo cho mình, ngay cả khi tôi đã chết. Tôi nhất định phải là người mang lại cho những phụ nữ đó một lời tiễn biệt thích hợp”.

Với suy nghĩ táo bạo này, cô Park càng quyết tâm học tập để sớm trở thành một nhân viên chăm lo hậu sự, đặc biệt là cho các khách hàng là nữ giới. Xu hướng này xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi cần phải trấn áp bạo lực tình dục đối với nữ giới, bao gồm tội phạm quay lén, trả thù khiêu dâm, tống tiền phụ nữ và trẻ em gái trên mạng bằng ảnh nóng.

Giáo sư ngành Ướp xác tại đại học Eulji, Lee Jong-woo cho biết, nếu như khoảng đầu những năm 2000, chỉ có vỏn vẹn khoảng 1/3 số sinh viên theo học nghề chăm lo hậu sự ở Hàn Quốc là nữ giới thì ngày nay, con số nữ sinh học nghề này đã chiếm tới hơn 60% trong lớp học. Trước đây ở Hàn Quốc quan niệm tiêu cực về việc phụ nữ có thể đảm đương được công việc chăm lo hậu sự hay không vẫn luôn tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên hiện nay, những nhận thức này đã và đang tiếp tục thay đổi”.

Được biết, các công ty cung cấp dịch vụ tang lễ ngày càng nhận được nhiều yêu cầu nữ giới làm nghề chăm lo hậu sự, bao gồm những việc mà trước đây vốn chỉ có nam giới được làm như tắm rửa, làm đẹp và thay quần áo cho xác chết.

Bà Park Bo-ram đã làm giám đốc một nhà tang lễ trong suốt 7 năm, cho hay: “Những người trẻ tuổi chết hầu hết là do tự tử. Tang quyến của họ, đặc biệt là trong những trường hợp tử thi là nữ giới, sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều nếu nhân viên chăm sóc thi thể người thân của họ cũng là phái nữ”.

Các học viên đang học cách di chuyển một thi thể trong nhà xácCác học viên đang học cách di chuyển một thi thể trong nhà xác

Bà Park nhớ lại lần tự tay chỉnh trang, làm đẹp cho thi thể của một thiếu nữ đã qua đời do tự tử. Ngay cả trong lúc đau buồn nhất, gia đình người đó cũng rất biết ơn bà vì người chăm sóc cho thi hài con cháu họ cũng là nữ giới. "Tôi nhớ có một nữ sinh vị thành niên, con một trong gia đình tự tử. Khi tắm rửa, thay quần áo cho thi thể, tôi thấy trên đùi cô bé có nhiều dấu hiệu tự gây thương tích nhưng gia đình không ai hay biết", bà Park nói. Cha mẹ của cô bé dù đang rất tuyệt vọng và đau khổ trước mất mát không gì có thể bù đắp nổi nhưng vẫn vô cùng biết ơn bà.

Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước phát triển, với 24,6 trường hợp tử vong trên 100.000 người vào năm 2019 (mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD là 11,3). Tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên và người trong độ tuổi 20-30 tại Hàn Quốc vào năm ngoái. Đáng báo động, có tới hơn 4.000 nạn nhân là nữ, trong đó có cả các nữ nghệ sĩ K-pop trẻ tuổi đình đám với số lượng fan thuộc hàng “khủng” như Goo Hara và Sulli.

Tính đến năm 2016, Hàn Quốc có tổng cộng 6.200 giám đốc hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ, nữ giới chiếm 1/4 trong số đó. Theo Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, nhu cầu về nữ giám đốc phụ trách dịch vụ tang lễ dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh mỗi năm, ở xứ sở Kim chi có tới hơn 130.000 phụ nữ và trẻ em gái qua đời.

Mặc dù số lượng phụ nữ tham gia làm các dịch vụ tang lễ ở Hàn Quốc ngày càng gia tăng nhưng trong xã hội vẫn còn tồn tại rất nhiều các định kiến tiêu cực về nữ giới làm nghề này.

Cô Shin Hwa-jin (21 tuổi) đang ấp ủ dự định sau khi tốt nghiệp sẽ bắt đầu làm việc tại một nhà tang lễ. Tuy nhiên, Shin đã rất sốc khi được nghe câu chuyện từ một đàn chị của mình hiện đang làm nghề chăm lo thi thể khi cô này kể lại cuộc trò chuyện với mẹ chồng: “Mẹ chồng hỏi chị ấy: Sao cô dám nghĩ đến việc nấu ăn cho gia đình với bàn tay đã chạm vào xác chết đó?”, Shin kể lại.

Nhiều quan điểm ủng hộ thì cho rằng, việc hàng ngày, khi chúng ta chế biến các món ăn có nguồn gốc từ động vật cũng là đang chạm vào một xác chết. Chúng ta cần nó để duy trì sự sống. Do đó, xét theo một khía cạnh khác thì cái chết, bản thân nó đã là một điều hết sức bình thường, vì vậy việc chăm sóc cho một người đã chết cũng cần phải coi đó là điều bình thường và càng đáng trân trọng hơn khi đó là hành động thể hiện sự tôn kính cuối cùng đối với người đã khuất!

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.