Muốn nhận con nuôi nhưng làm giấy chứng sinh mình là mẹ đẻ

Chia sẻ

Vợ chồng tôi lấy nhau đã 8 năm mà vẫn chưa có con dù đã chạy chữa nhiều nơi. Chúng tôi muốn nhận một bé gái để làm con nuôi.

Tôi muốn xin con nuôi là những bé bị bỏ rơi hoặc những người mẹ đơn thân có con ngoài ý muốn. Vậy, tôi phải thực hiện thủ tục như thế nào để nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật? Nếu tôi muốn người mẹ có con ngoài ý muốn đó làm giấy chứng sinh, nhưng mẹ đẻ là tôi để sau này lớn lên cháu không biết nguồn gốc thật của mình có được không?

Lưu Thị Ánh (Ba Vì)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời:
Mục đích của việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Người có nhu cầu nhận con nuôi phải có đủ những điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.

Khi có đầy đủ những điều kiện trên, thì bạn làm thủ tục đăng ký nhu cầu nhận con nuôi theo Điều 16 Luật Nuôi con nuôi ngày 17/6/2010: “Công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật này nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết”. Hồ sơ của người nhận con nuôi, theo Điều 17, Luật Nuôi con nuôi:

“Điều 17. Hồ sơ của người nhận con nuôi.

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;


3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này”.

Những trẻ được giới thiệu làm con nuôi cần có một bộ hồ sơ, gồm có: Giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp, hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng. Nếu là trẻ bị bỏ rơi thì phải có biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập. Nếu là những trẻ em mồ côi thì có giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em đã chết; Đối với những trẻ được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ bị mất tích hoặc cha đẻ, mẹ đẻ bị mất năng lực hành vi dân sự cũng cần phải có quyết định của tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của những trẻ em đó bị mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng. Việc lập hồ sơ cho trẻ được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình do cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ, cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.

2. Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.

Bạn phải nộp hồ sơ của mình tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi thường trú của bạn. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 luật cho con nuôi, phải có sự đồng ý cho làm con nuôi bằng văn bản: “Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó”. Người đồng ý cho làm con nuôi theo trường hợp trên phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi, quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

Thủ tục cuối cùng là việc đăng ký nuôi con nuôi. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch.

Vấn đề bạn hỏi về việc làm giấy chứng sinh cho con với phần khai về mẹ ghi tên bạn, nhưng bạn thực sự không phải là mẹ đẻ của bé là vi phạm pháp luật. Việc nhận con nuôi hợp pháp thì quyền và lợi ích của con nuôi không khác gì đối với con đẻ. Nếu bạn thương yêu con bằng tất cả tình cảm của người mẹ đối với con thì chắc chắn rằng bạn cũng sẽ được con đáp lại bằng những tình cảm cũng giống như vậy.

Luật sư TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.