Thế nào là “tầm” của một đứa trẻ...?

Chia sẻ

Sự kiêu ngạo của người giỏi không chỉ làm nảy sinh sự đố kị của những người xung quanh, mà còn làm thui chột chính tài năng của mình. Để giáo dục một con người không thể trông cậy vào một chương trình, một TV show, mà phải trông cậy vào gia đình, nhà trường, cộng đồng.

“Tầm” của một đứa trẻ có thể vượt trước so với tuổi của nó, thậm chí có thể vượt trước so với trí tuệ, năng lực của cả loài người (nếu đứa trẻ đó là một thần đồng). Trong lịch sử nhân loại không thiếu những thần đồng.

Tại sân chơi Siêu trí tuệ Việt Nam, ta chứng kiến rất nhiều những em bé có trí tuệ vượt trội, cũng không hề quá khi gọi là những "siêu trí tuệ". Một cách cẩn trọng, ta cũng có thể nói rằng, đó là vốn nhân tài quý giá của đất nước, mặc dù từ cái vốn ban đầu đó, đào tạo bồi dưỡng để các em trở thành những tài năng cho đất nước trong tương lai vẫn còn là một quá trình dài.

Thượng Đế hay bà mụ thường tạo lập sự cân bằng bằng quy luật bù trừ. Nên một số những cá nhân siêu việt ở một lĩnh vực này lại trở nên khờ khạo, thậm chí chậm phát triển ở lĩnh vực kia. Giống như một em bé rất thông minh lại ngu ngơ, không biết diễn đạt ý mình, nói năng không trôi chảy. Hay như nhà bác học vĩ đại lại hay... đãng trí. Chúng ta nhớ đến chuyện “Vịt con xấu xí” của Andersen: con thiên nga bé nhỏ sống giữa bầy vịt, dáng vẻ lộc ngộc bị coi là xấu xí, bị ghẻ lạnh nhưng rồi khi đôi cánh thần tiên của thiên nga mọc ra, nó bay lên lộng lẫy trong khi bầy vịt thì vẫn chỉ là bầy vịt xoàng xĩnh. Đánh giá con người không thể chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài rồi kỳ thị những thứ khác lạ so với đám đông.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một câu chuyện đầy chất nhân văn. Nó có thể trở thành một lời an ủi, động viên đầy tính triết lý cho những ai khi cảm thấy khó khăn để hoà nhập với những người xung quanh thì hãy vững tin vào giá trị của bản thân, sẽ có ngày được toả sáng và được mọi người thừa nhận. Và mỗi người trong cộng đồng cũng thế, hãy nhìn những cá thể khác lạ, dị biệt so với mình bằng một ánh mắt nhân hậu và tôn trọng hơn.

Thế nhưng câu chuyện “Vịt con xấu xí” hay những bài học về sự hoà nhập giữa cá nhân và cộng đồng là câu chuyện hoàn toàn khác so với việc dạy một đứa trẻ coi khinh cộng đồng vì... không chịu hiểu mình. Trong chương trình “Siêu trí tuệ Việt Nam” số 2 phát sóng thời gian vừa qua, nhận thấy sự khác biệt ở cậu bé Minh Quân so với những đứa trẻ cùng trang lứa, MC chương trình là Trấn Thành đã gặng hỏi gia đình em và biết được cậu nhóc 7 tuổi phát triển khá chậm về mặt ngôn từ, hay dùng những từ đặc thù trong sách vở, nên khó chơi với bạn bè, MC Trấn Thành khôi hài nói với bạn nhỏ: "Ngày xưa những bạn không chơi với con, nói con khờ, thì sau buổi phát sóng ngày hôm nay, con có thể tự hào nhìn các bạn và nói rằng: Làm sao chơi được, các bạn chưa đủ tầm".

Mặc dù chỉ là câu nói đùa, mang tính chất động viên em bé đang bị mất tự tin khi chơi với bạn bè, nhưng cách dùng từ và cách tư duy của Trấn Thành là không phù hợp. Phải thấy rằng, nếu một cậu bé nào gặp khó khăn khi khó hoà nhập với bạn bè, thì phải nhìn nhận từ cả hai phía: Bản thân em có cái gì "vênh" so với chúng bạn? Và chúng bạn đã chia sẻ thấu hiểu với em chưa? Ở đây không hề có chuyện "tầm", "trình" cao hơn thì không chơi được với những người thấp hơn. Ở đây hoàn toàn là câu chuyện "thấu cảm" lẫn nhau.

Các bạn không nhiệt tình chơi với Minh Quân vì em chậm phát triển về ngôn ngữ, dùng những từ ngữ quá sách vở, bác học (như thông tin được nói trong chương trình). Như vậy là các bạn không hiểu rõ về con người em, tâm trạng của em, chứ không hẳn là các bạn không ưa em vì em dốt hơn các bạn. Vì thế người lớn nên hướng dẫn em thêm các kỹ năng sống (kết bạn cũng là một kỹ năng) để em có thể bộc lộ mình một cách dễ dàng hơn. Điều đó không phải là khiến em phải "hạ thấp" tầm cao của bản thân cho bằng chúng bạn. Không hề có cao thấp ở đây. Ngược lại, người lớn quanh các em cũng có thể chia sẻ nhiều hơn về trường hợp chậm nói kia để cả lớp đều hiểu rằng đấy là một đặc điểm khác lạ của bạn mình và cần vượt qua sự khác lạ đó để lôi cuốn bạn mình vào cuộc chơi chung. Rất có thể qua chương trình, khi Minh Quân được bộc lộ khả năng siêu trí tuệ của mình, các bạn cùng trang lứa với em sẽ thấu hiểu em hơn, từ đó sẽ chủ động kết nối và trở thành bạn tốt của nhau.

Nếu Minh Quân "quán triệt" lời khuyên sai lầm của Trấn Thành (tự hào nhìn các bạn và nói rằng: Làm sao chơi được, các bạn chưa đủ tầm") thì tình hình sẽ chỉ càng tệ đi. Sự kiêu ngạo của người giỏi không chỉ làm nảy sinh sự đố kị của những người xung quanh, mà còn làm thui chột chính tài năng của mình.

Để giáo dục một con người không thể trông cậy vào một chương trình, một TV show, mà phải trông cậy vào gia đình, nhà trường, cộng đồng. Các TV show có sự tham gia của trẻ nhỏ cần hết sức tiết chế, nhất là những lời "dạy" trẻ em, khi những người tham gia không phải là những chuyên gia giáo dục. Lời nói của MC Trấn Thành hoàn toàn không cố ý, nhưng quả thực là chưa tới tầm của chuyên gia giáo dục. Chưa tới tầm đó mà đã nói về "tầm" của một đứa trẻ thì đúng là hơi liều. Hy vọng rằng các bạn bè của Minh Quang trót xem chương trình không cảm thấy bị tổn thương vì bị coi là không đủ tầm chỉ vì chưa thấu cảm với bạn.

HOÀNG NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.