Thế giới 2020 và “bóng ma” Covid-19

Chia sẻ

Xuất hiện lần đầu tiên cách đây một năm tại Vũ Hán, Trung Quốc, virus corona sớm trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng khi nhanh chóng lan ra khắp thế giới với tốc độ khủng khiếp trong năm 2020. Không có nơi nào trên Trái đất thoát được cuộc tấn công của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có một cách đối phó với dịch bệnh khác nhau.

Bác sĩ an ủi một bệnh nhân Covid-19 đang khóc và mong được về nhà.Bác sĩ an ủi một bệnh nhân Covid-19 đang khóc và mong được về nhà.

MỸ
Ngày 29/2/2020, bang Washington của Mỹ đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Sau đó, Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới, cùng với số ca tử vong cao, chiếm hơn 20% tổng số ca trên toàn cầu. Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ sau khi chạm mốc 10 triệu ca vào ngày 9/10 đã nhanh chóng tăng thêm 5 triệu ca chỉ trong vòng một tháng. Sáng 28/12 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật chi tiêu 2.300 tỷ USD, trong đó có gói cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD. Quyết định của ông Trump giúp kéo dài trợ cấp thất nghiệp cho hàng triệu người lao động không có việc làm và các nhà thầu độc lập trong thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

ITALIA
Là "tâm chấn" của đại dịch Covid-19 ở châu Âu hồi cuối tháng 2. Người ta đã phải chứng kiến hệ thống y tế ở một trong những khu vực giàu có nhất thế giới sụp đổ dưới sức tàn phá do đại dịch gây ra. Đến tháng 9, nước này phải một lần nữa đối mặt với làn sóng bùng phát thứ 2, những kinh nghiệm rút ra từ làn sóng lây nhiễm thứ nhất dường như là không đủ để “giải thoát” người dân Italia khỏi sự tàn phá. Mặc dù có rất nhiều kế hoạch, quy định, cũng như các hệ thống giám sát và máy móc đã được triển khai, nhưng quốc gia này vẫn ghi nhận hàng nghìn người thiệt mạng, các bệnh viện lại một lần nữa quá tải khiến hệ thống y tế gần như sụp đổ.

ẤN ĐỘ
Với dân số 1,3 tỷ người, Ấn Độ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Các biện pháp phong tỏa hà khắc của Ấn Độ được áp dụng nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh. Nước này đã ứng phó với đại dịch từ sớm với việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế, chính phủ đã sớm nới lỏng những biện pháp này, kết quả là số ca nhiễm tăng vọt khiến hệ thống y tế công cộng phải vật lộn để theo kịp với tốc độ lây lan của virus. Các chuyên gia nhận định, Ấn Độ sẽ là nước hứng chịu ảnh hưởng nặng nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới ngay cả khi đại dịch đã lui dần.

TRUNG QUỐC
Là nơi khởi phát ca nhiễm SARS-Cov-2 đầu tiên, Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng những biện pháp mạnh như phong tỏa nghiêm ngặt, thực hiện các xét nghiệm quy mô lớn… nhằm ngăn chặn virus. Những nỗ lực này đã mang lại nhiều kết quả khả quan cho đất nước này. Đại dịch dần lắng xuống, người lao động đã bắt đầu quay lại các nhà máy, công sở, sinh viên, học sinh trở lại lớp học. Nước này cũng đã gỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát. Thách thức bây giờ chỉ còn là khôi phục việc làm, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại nhưng mức độ phục hồi không đồng đều.

ĐỨC
Người Đức đã tận hưởng một mùa hè khá thoải mái với nhiều hạn chế được dỡ bỏ, do nước này có phản ứng nhanh chóng với sự bùng phát của đại dịch từ sớm, nhanh chóng thực hiện xét nghiệm rộng. Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Đức đã giảm từ mức đỉnh điểm hơn 6.000 ca hồi cuối tháng 3 xuống còn vài trăm vào những tháng ấm hơn.

Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu lơ là việc thực hiện các quy định liên quan tới Covid-19, số ca nhiễm lại quay đầu tăng gấp gần 4 lần so với con số kỷ lục mỗi ngày của tháng 3. Để kiểm soát đại dịch, ngăn chặn làn sóng bùng phát mới, Đức lại quay lại với các lệnh phong tỏa đất nước.

BRAZIL
Bất chấp thực tế số ca bệnh cũng như tỉ lệ tử vong vì Covid-19 tăng chóng mặt, Tổng thống Bolsonaro vẫn cho rằng, đây chỉ là bệnh cúm mùa thông thường và luôn hạ bớt mức độ nguy hiểm căn bệnh này. Hậu quả là chỉ trong chưa đầy một tháng, hai bộ trưởng Y tế của Brazil đã phải từ chức vì không thể hợp tác với ông Bolsonaro trong các quan điểm về phòng chống đại dịch Covid-19. Brazil đã phải trả giá rất đắt khi vật lộn với đại dịch trong khi tổng thống nước này chỉ coi việc phòng chống Covid-19 như một trò đùa.

2020 là một năm mà chúng ta buộc phải hành động tại từng quốc gia riêng lẻ nhưng liên tục được nhắc nhở về bức tranh toàn cầu.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục