Cảm ơn mẹ

Chia sẻ

Bây giờ khi đã là một cô sinh viên đại học trưởng thành, chín chắn và biết nghĩ, tôi mới thầm cảm ơn mẹ đã thấu hiểu và âm thầm cùng tôi bước qua tuổi teen.

Khi còn là cô bé tuổi teen, tôi luôn muốn nổi loạn. Tôi chỉ thích cãi bố mẹ để thể hiện cái tôi của mình, bất chấp lời bố mẹ nói là đúng hay sai. Hễ mẹ nói một câu gì đó, phản ứng trước tiên của tôi luôn là phản bác lại. Ngay cả khi phải vâng lời, tôi cũng sẽ thể hiện bằng thái độ miễn cưỡng, không “tâm phục khẩu phục”.

Tôi còn nhớ, mẹ thường nhắc chiều tan học về, tôi nên ăn thêm chút gì đó để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cơ thể đang lớn vì nhà tôi thường ăn tối khá muộn. Nhưng, tôi luôn nói mình không đói và không muốn ăn. Sự thực thì sau giờ tan học luôn là lúc tôi thèm được “nạp năng lượng” nhất. Nghe tôi nói vậy, mẹ không nói gì, ý chừng tôn trọng quyết định của tôi. Song, chiều nào về nhà, tôi cũng thấy trên bàn có một đồ ăn gì đó, khi là gói xôi, lúc là lát bánh ngọt, hộp sữa… Mẹ nói đó là đồ mẹ mua thừa lúc đi chợ sáng chứ không phải chủ ý mua cho tôi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tất nhiên là tôi luôn ăn hết suất quà một cách ngon lành, và cũng chẳng bao giờ thấy mẹ hỏi tôi về chỗ đồ ăn đó. Cứ thế, mẹ luôn mua thừa đồ và đến khi mẹ về thì đã có “ai đó” giúp mẹ giải quyết hộ. Sau này, khi đã bước qua tuổi “nổi loạn”, tôi hiểu rằng, mẹ đã nhường tôi một bước. Mẹ một mặt vờ như chấp nhận sự ngang ngạnh, bướng bỉnh của tôi, một mặt mẹ âm thầm chăm sóc tôi theo cách riêng của mẹ.

Khi còn là cô bé tuổi teen, tôi thường thích tự chọn quần áo, tự ăn mặc theo gu của mình. Trong tủ tôi lúc nào cũng chỉ có quần sooc, váy ngắn, áo phông cộc tay. Tôi tỏ ra mình là cô gái mạnh mẽ, không sợ trời lạnh. Mẹ mấy lần rủ tôi đi mua quần áo ấm nhưng tôi từ chối không đi. Cho đến khi Hà Nội chuyển gió lạnh buốt, dù đã cố gắng nhưng tôi vẫn không thể chịu được cái rét thấu da thấu thịt. Nhưng, hỏi mẹ thì ngại, tôi đành mở tủ, định bụng sẽ lấy mấy chiếc áo cộc tay mặc chồng lên nhau cho đỡ lạnh. Bỗng, tôi thấy dưới đáy tủ đã có một xấp quần áo ấm xếp gọn gàng từ lúc nào. Tôi mừng quá, vội lấy ra mặc. Mẹ nhìn tôi với một thái độ bình thản, chẳng bao giờ hỏi tôi lấy quần áo ấm ở đâu ra, hay là chế giễu tưởng tôi không biết lạnh. Thực ra mẹ lại tiếp tục nhường để cho tôi thắng mẹ một bước. Nhưng, sự thực thì tôi hay mẹ mới là người thất bại thì ai cũng hiểu cả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Và cả những lần mẹ nhắc tôi đi học nên mang theo áo mưa vì hôm nay trời dự báo sẽ đổ mưa to. Lại là tôi cãi lại mẹ, nhưng đến khi trời đổ mưa, thể nào trong cặp tôi cũng có một chiếc áo mưa mẹ đã âm thầm để vào. Sau đó, tôi chưa lần nào cảm ơn mẹ, hay tỏ ra ân hận vì đã không vâng lời của mẹ. Nhưng, mẹ có vẻ không bận tâm lắm vì điều đó.

Cứ như vậy, mẹ đã cùng tôi đi qua tuổi teen một cách hòa bình. Nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn vì mẹ đã tâm lý và luôn yêu thương tôi một cách rộng lượng.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.