An toàn du lịch ngày băng tuyết

Chia sẻ

Nằm ở vùng nhiệt đới nên băng tuyết là hiện tượng thời tiết đặc biệt ở nước ta, chỉ xuất hiện trong một số ngày mùa đông khi nền nhiệt ở các vùng núi phía Bắc xuống rất thấp. Vào những ngày có băng tuyết, rất đông du khách từ khắp các tỉnh thành tìm về chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, đi cùng với đó là những nguy cơ tiềm ẩn trên đường đi, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách.

Niềm vui không trọn vẹn

Những thông tin và hình ảnh về băng tuyết luôn để lại sự háo hức với nhiều người. Do đặc điểm địa lý, ở Việt Nam không có tuyết dày đặc và trắng muốt như mùa đông ở các nước phương Tây, Đông Á nằm trong vùng khí hậu ôn đới. Vì thế, để trải nghiệm tuyết, tận tay cầm những nắm tuyết trắng, những năm trước, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, không ít người phải cất công du lịch sang vùng ôn đới trong những ngày đông. Với người chưa có điều kiện kinh tế, thời gian để đi như vậy thì thường chờ đợi ngắm băng tuyết tại các tỉnh miền núi phía Bắc khi mùa đông về.

Theo kinh nghiệm, khi các đợt không khí lạnh tăng cường xuất hiện, nền nhiệt độ giảm sâu (từ 4 đến 70C), vùng núi cao có nơi dưới 00C thì tại các đỉnh núi cao trên 2.000m có xác suất mưa tuyết xảy ra như ở Fansipan, Lảo Thẩn, Kỷ Quan San, Nhìu Cô San (Lào Cai); Pu Si Lung, Khang Su Văn, Tả Liên (Lai Châu); Phú Lương, Lùng Cúng, Tà Xùa (Yên Bái); Tây Côn Lĩnh, Lũng Cú, Chiêu Lầu Thi (Hà Giang). Còn tại các đỉnh núi cao dưới 2.000m, nhiều khả năng có băng giá như ở Ô Quý Hồ (Lai Châu); Cao Ba Lanh, Yên Tử (Quảng Ninh); Phia Oắc (Cao Bằng); Pha Luông (Sơn La); Phu Đen Đinh (Điện Biên); Mẫu Sơn (Lạng Sơn)...

Băng tuyết xuất hiện khiến cho vùng núi các tỉnh phía Bắc vốn đã hùng vĩ, hoang sơ lại càng trở nên cuốn hút, ấn tượng. Tuyết trắng và giá băng phủ kín từng cành cây, ngọn cỏ, mái nhà… tạo thành lớp dày từ 3 -10cm, cảnh sắc thiên nhiên mang vẻ đẹp đặc biệt, thơ mộng và lãng mạn như trong truyện cổ tích hay giống như những hình ảnh đẹp chỉ thấy qua màn hình nhỏ. Vì thế, khi có thông tin về băng tuyết, hàng ngàn người với các phương tiện cá nhân đã đổ dồn về một số điểm du lịch. Tuy nhiên, những cung đường đèo núi tại các tỉnh phía Bắc vốn dĩ đã nguy hiểm do nhiều đoạn đèo cao, cua “tay áo” lại thêm sương mù hạn chế tầm nhìn, băng tuyết khó lưu thông khiến việc đi lại tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong những ngày băng tuyết dày đặc, lực lượng chức năng tại một số địa phương phải vất vả điều tiết giao thông; đã có một số vụ tai nạn xảy ra do lái xe thiếu kinh nghiệm đi trên các cung đường đèo dốc và có băng tuyết. Nguy cơ đe doạ mất an toàn sức khoẻ còn xảy đến với du khách khi tham quan các điểm du lịch, nhất là với hoạt động leo núi. Trong đợt rét đậm, rét hại đầu tháng 1 vừa qua, một nam thanh niên đã trượt ngã xuống khe đá khi mạo hiểm leo lên một mỏm đá chênh vênh để chụp ảnh tại xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ngọn đá này nằm chênh vênh trên núi, được khách du lịch truyền gọi là “mỏm đá sống ảo” ghi lại hình ảnh “để đời” khi ngồi “vắt vẻo” giữa trời mây bao la.

Tuy nhiên, đây cũng là “mỏm đá tử thần”, đoạn đường leo lên đây nguy hiểm, có nhiều đá nhọn và trơn trượt. Đã có 2 biển cảnh báo nguy hiểm được chính quyền địa phương đặt ở đây nhưng một số du khách vẫn chủ quan, cố tình lên đây để “sống ảo”. Đặc biệt, trong những ngày băng tuyết, không khí ở vùng núi lạnh và loãng, du khách dễ bị choáng váng, chân tay lạnh cóng, núi đá ướt dễ trơn trượt. Cái giá phải trả cho hành vi bất chấp nguy hiểm này rất đắt, bằng chính sự an nguy của tính mạng mình. Nam thanh niên trên là một trong những nạn nhân. Rất may mắn, người này chỉ bị thương nhẹ ở chân, rách sâu ở đùi do đá cứa.

Trang bị kỹ năng, học hỏi kỹ kinh nghiệm

Băng tuyết rất đẹp nhưng đồng thời cũng là thử thách không mấy “ngọt ngào” và lãng mạn. Không ít người xem du lịch mùa lạnh giá giữa lúc tuyết rơi là hình thức du lịch mạo hiểm. Vì thế, để thưởng thức vẻ đẹp đất trời núi rừng phía Bắc trong những ngày nhiệt độ giảm sâu và băng tuyết, băng giá xuất hiện, đừng mạo hiểm “xách vali lên đường” theo kiểu du lịch bụi mà cần chậm lại tìm hiểu, chắt lọc thông tin; học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm; trang bị đầy đủ quần áo, vật dụng giữ ấm cơ thể rồi mới tính đến việc trải nghiệm.

Để bảo đảm an toàn giao thông và tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi lưu thông trên những cung đường đèo dốc trơn trượt ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong điều kiện thời tiết có băng tuyết, băng giá, sương mù dày đặc, Cục Cảnh sát giao thông đã có khuyến cáo chính thức. Theo đó, lái xe nên hạn chế hoặc ngừng lưu thông trên những cung đường có băng tuyết, đặc biệt là đường đóng băng, trơn trượt, do hệ thống an toàn của xe, nhất là lốp xe tại Việt Nam không phù hợp khi di chuyển trên đường đóng băng. Trong trường hợp phải lưu thông ngoài trời băng tuyết, người điều khiển phương tiện cần thận trọng, chú ý quan sát, điều khiển xe với tốc độ thấp cả khi lên và xuống dốc, sử dụng đèn pha, đèn sương mù, đèn gầm khi di chuyển trên đường, lưu tâm tại các đường cong cua, đèo dốc. Đặc biệt, tuyệt đối tuân thủ hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông khi đi trên đường và tuyệt đối không được tham quan, khám phá các khu vực đã được cắm biển cấm, biển cảnh báo, khu vực có rào chắn...; không di chuyển trên những phiến đá phủ đầy rong rêu có thể khiến bạn có thể bị trơn trượt, té ngã.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tại các khu vực được phép tham quan, du khách đặc biệt chú trọng chuẩn bị hành lý, vật dụng cần thiết trước hành trình. Do di chuyển dưới thời tiết lạnh trên một quãng đường dài đòi hỏi nhiều kỹ năng và năng lượng nên để ứng phó với giá lạnh và có chuyến đi thưởng tuyết trọn vẹn, theo kinh nghiệm của những người đi trước, du khách nên chuẩn bị một số hành lý, vật dụng như sau:

Về trang phục: nên mặc nhiều lớp áo, trong cùng nên sử dụng áo giữ nhiệt, áo bó mỏng; sau đó là áo sinh nhiệt; áo khoác dầy ấm và ngài cùng là áo khoác chống gió chống nước; nên chọn các loại siêu nhẹ để dù mặc nhiều lớp áo nhưng không bị cộm, vẫn có thể vận động, đi lại một cách thoải mái. Khi thời tiết ấm hơn vào buổi trưa hoặc cơ thể sinh nhiệt do vận động, có thể dễ dàng cởi bỏ bớt áo. Với quần nên mặc quần có lớp nỉ lông bên trong; hoặc quần giữ nhiệt bên trong, bên ngoài là quần bò/quần dầy ấm.

Phụ kiện giữ ấm (găng tay, tất và mũ/khăn len) là những thứ bắt buộc phải có cho chuyến đi các tỉnh miền núi vào mùa đông nói chung và những ngày băng tuyết nói riêng. Do băng tuyết kèm theo hơi nước, tốt nhất nên đi loại găng tay 2 lớp, lớp trong lót lông giữ ấm, lớp ngoài chống nước hoặc găng tay len. Tương tự như vậy là tất giữ ấm chân; nhất là những ngày lạnh giá, chân dễ bị cước, gây ngứa và khó chịu nên bắt buộc phải đi tất ấm. Khi tham quan, không nên đứng một chỗ quá lâu, chân dễ bị tê cứng, nên đi lại, vận động, chạy…

Giầy hoặc ủng đều có thể chống nước nhưng tốt nhất đi giầy leo núi chuyên dụng, đế nhám có độ ma sát và độ bám cao, không chọn những đôi giày bệt, trơn dễ trượt chân, té ngã.

Đồ dùng mang theo phải tối giản và cần thiết nhất để không bị mất nhiều sức; nên mang theo áo ấm giữ nhiệt có tác dụng thoát hơi, miếng bọc gối, cổ chân, khuỷu tay, miếng dán giữ nhiệt, áo mưa nhẹ, đèn pin, dụng cụ đa năng dành cho du lịch (tích hợp dao nhọn, kéo, mở nắp…); thuốc diệt côn trùng, muỗi, vắt, thuốc đau bụng, đau đầu…

Đồ ăn, thực phẩm bổ sung gồm bánh ngọt giàu năng lượng, nước uống chứa điện giải, nước chanh pha muối; khi khát không nên uống quá nhiều cùng lúc mà chia thành từng ngụm nhỏ.

ĐỨC HẠNH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.