Có nên hiện thực hóa "hộ chiếu vaccine"?

Chia sẻ

Nhiều quốc gia vẫn đang tranh cãi về "hộ chiếu vaccine", theo đó người dân bắt buộc phải có giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine Covid-19 mới được bay các chuyến bay quốc tế.

Có nên hiện thực hóa (Ảnh: minh họa. Nguồn: INT)

Bác sĩ Catherine Smallwood - chuyên viên cao cấp về vấn đề khẩn cấp của WHO tại châu Âu trong một cuộc họp báo ở Copenhagen, Đan Mạch cho biết: "Chúng tôi không khuyến nghị "hộ chiếu miễn dịch" (chứng nhận tiêm vaccine) và cũng không khuyến nghị dùng xét nghiệm như một phương tiện để ngăn ngừa đường lây truyền qua biên giới. Những gì chúng tôi khuyến nghị là các quốc gia nên xem xét dữ liệu về sự lây lan trong nước, nước ngoài và điều chỉnh hướng dẫn đi lại của họ cho phù hợp".

Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu dường như đang ngả theo "hộ chiếu vaccine" bất chấp khuyến nghị của quan chức WHO. Bỉ ủng hộ "hộ chiếu vaccine" ở EU và thậm chí là trên toàn cầu. Nhiều nước sẽ đòi hỏi du khách phải trình chứng nhận đã tiêm vaccine ở cửa khẩu.

Trong loạt chỉ thị được các quan chức công bố hồi cuối năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các nhà lập pháp “xem xét giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 được nước này phát triển. Và mục đích việc này là nhằm giúp các công dân có thể đi lại khắp các biên giới của Nga và những nước khác”.

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, đại diện cho khoảng 290 hãng hàng không trên khắp thế giới đã ủng hộ về ý tưởng “hộ chiếu vaccine”, đồng thời tổ chức này cũng đang tự phát triển hệ thống kỹ thuật số của riêng họ, để có thể theo dõi những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19.

Ở Hungary, chính quyền đã yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng minh là mình đã tiêm vaccine phòng Covid-19 thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động. Mới đây, Australia tuyên bố sẽ thực hiện “hộ chiếu vaccine” đối với người nhập cảnh. Hãng hàng không Qantas của Australia khẳng định sẽ áp dụng chính sách này ngay từ đầu năm 2021.

Thủ tướng Pháp, Jean Castex thông báo sẽ trình Quốc hội Pháp về biện pháp kiểm soát sự lây lan của đại dịch bằng tấm hộ chiếu tiêm chủng vaccine Covid-19 này. Nội dung của quy định sẽ là chỉ những người có hộ chiếu tiêm chủng mới được dùng phương tiện hàng không, nhập cảnh và thăm dự các hoạt động đông người.

Dù mới ở dạng dự thảo, quy định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bộ trưởng Bộ Giao thông Pháp, ông Jean-Baptiste Djebbari, đã đưa ra ý kiến rằng, việc cấp hộ chiếu này sẽ vô hình trung tạo ra sự phân loại công dân, đi ngược lại quyền tự do lựa chọn tiêm chủng, đặc biệt trong giai đoạn vaccine chưa đủ để cung cấp cho toàn thế giới. Tuy vậy, Pháp sẽ vẫn tiếp tục đưa dự thảo này ra trình Quốc hội. Cho đến thời điểm hiện tại, ở Pháp, việc tiêm hay không tiêm vaccine đang thuộc quyền quyết định của công dân. Do đó, việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" gần như đi ngược lại những quyết định của Chính phủ Pháp trong giai đoạn này.

Như vậy, dưới nhiều hình thức khác nhau các quốc gia đã ngầm sử dụng “hộ chiếu vaccine” đối với hành khách nhập cảnh. Tuy nhiên, động thái này cũng vấp phải những phản ứng trái chiều của các nước khác. Bởi lẽ, nếu áp dụng “hộ chiếu vaccine” sẽ đi ngược lại quy định về quyền lựa chọn tiêm hay không tiêm vaccine của người dân. Mặt khác, hiện nay vaccine ngừa Covid-19 vẫn chưa phổ biến rộng rãi trên thế giới, nhất là những nước nghèo. Điều này sẽ tạo ra một sự phân biệt đối xử đối với các nước nghèo và công dân các quốc gia liên quan.

NGÔ HOÀI

Tin cùng chuyên mục