Tết quây quần trong gia đình “tứ đại đồng đường” ở Hà Nội

Chia sẻ

Cuộc sống càng hiện đại thì các cá nhân càng có xu hướng sống tách riêng để đảm bảo quyền riêng tư, tự do nhất là với các cặp vợ chồng trẻ. Thế nhưng, ở Hà Nội có rất nhiều gia đình vẫn chọn cách sống “tứ đại đồng đường” để được quây quần bên nhau. Cách sống giữ hòa thuận, hạnh phúc của họ là bài học êm ấm cho các gia đình ngày nay…

Bố mẹ là “nhạc trưởng”

Gia đình cụ Nguyễn Thị Tề (SN 1933, phố Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 4 thế hệ cùng chung sống bao gồm bà, 3 gia đình con trai, 2 gia đình cháu nội và các chắt. Cụ bảo, đông con cháu nên căn nhà lúc nào cũng ấm cúng, tràn ngập tiếng cười. Các con cháu hòa thuận, yêu thương nhau, có lẽ vì thế mà cụ cũng khỏe mạnh, ít ốm đau.

Cụ Tề sinh được 3 trai và 2 gái. Trước khi hỏi vợ cho con, vợ chồng cụ từng bảo: “Bố mẹ không giàu vật chất nhưng giàu tình cảm. Bố mẹ không đủ tiền để mua nhà nên chia cho mỗi con một phòng để ở. Cả đại gia đình cùng chia sẻ từ bữa cơm đến giấc ngủ”.

Đại gia đình đông đúc hòa thuận của cụ Trần Thị BaĐại gia đình đông đúc hòa thuận của cụ Trần Thị Ba

Trước năm 2005, gia đình cụ Tề còn ăn chung 1 mâm, nấu chung 1 bếp, dùng chung 1 nhà tắm. Hai cụ trở thành “nhạc trưởng” của “dàn đồng ca” gia đình. Cụ Tề là người quản lý tài chính chung. Các con nhận lương đều đưa cho mẹ trang trải sinh hoạt. Đến bữa, các con dâu, cháu gái thay nhau vào bếp. Nhà chỉ có mỗi cái phòng tắm, ai vội thì nhường dùng trước. Không ai bảo ai, đều răm rắp tự nguyện quét dọn nhà cửa gọn gàng, không tị nạnh nhau.

Khi cụ ông mất, hai cháu trai (con trai anh cả và anh hai) lấy vợ, đại gia đình cụ có 5 hộ cùng chung sống. Đông người, giờ giấc làm việc chênh lệch nên khá bất tiện cho các thành viên, cụ họp mặt các con cháu, thống nhất chia ra 3 hộ ăn riêng, gồm: cụ ăn chung với gia đình anh cả và gia đình cháu trai cả; gia đình anh thứ hai và vợ chồng cháu trai thứ dùng riêng mâm và gia đình anh ba. Từ đó, gia đình cụ Tề có 3 cái bếp, 3 nhà vệ sinh. Nhưng bàn ăn gỗ tròn, nồi cơm lớn vẫn giữ nguyên vẹn. Cuối tuần, cả đại gia đình tổ chức ăn chung để giữ nếp cũ.

Cụ Tề cho rằng, bí quyết để giữ nếp sống hòa thuận trong gia đình là sự mẫu mực và công bằng như cái cân của người mẹ, người bà. Cụ không bao giờ thiên vị bất cứ ai, từ già đến trẻ. Trong gia đình, dòng họ, ai cũng nể phục cụ, từ việc kính trọng bề trên đến ứng xử với các anh em, dâu, rể trong nhà. Các con cụ nhìn bố mẹ để học cách sống hòa thuận. Đôi khi, cụ Tề thành “người cầm cương” trong một vài mâu thuẫn gia đình. Chả thế, có lần, cháu trai cụ phải khoanh tay trước ngực để xin lỗi bà vì nóng giận gây mất hòa khí gia đình khi chưa rõ nguồn cơn.

Ba ngày Tết, cụ và các con gái, con dâu, các cháu đều mặc áo dài truyền thống. Các cháu dâu lo nguyên liệu làm mứt, bánh Tết, các con chuẩn bị hoa, riêng cụ Tề cùng các con dâu đảm nhiệm thực phẩm cho bữa cỗ đêm 30 và ba ngày Tết. Mồng Một Tết là ngày gia đình sum họp, ba con trai sẽ mừng tuổi chúc thọ mẹ, sau đó đến lượt các con dâu, con gái, cháu chắt. Sau đó, cụ sẽ cùng các con về làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy) để lễ gia tiên, thăm hỏi hàng xóm, láng giềng.

Gia đình tứ đại đồng đường của cụ Nguyễn Thị TềGia đình tứ đại đồng đường của cụ Nguyễn Thị Tề

Cùng nhau giữ gìn phong tục Tết cổ truyền

Hai cụ Trần Hùng Cường (SN 1935) và cụ Nguyễn Thị Liệt (SN 1936, trú tại phố Thượng Thụy, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội)) có 9 người con 3 trai, 6 gái. Các con gái đều lấy chồng gần đó, riêng con gái thứ 7 lấy chồng xa nên được hai cụ chia cho mảnh đất sau vườn để làm nhà ở. Hai con trai sau lấy vợ, cụ chia đất xây nhà ngay cạnh đó. Như vậy, bốn gia đình san sát nhau, đi chung một khoảng sân. Vợ chồng cụ ở cùng con, cháu của con trai trưởng là ông Trần Phú Bảo (SN 1957).

Ông Bảo kể, gia đình ông có 11 thành viên với 4 thế hệ chung sống. Mặc dù đông người nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Theo ông Bảo, để giữ nếp hòa thuận đó, không chỉ có sự “chèo lái” khéo léo của bố mẹ ông mà vợ chồng ông cũng luôn cố gắng sống mẫu mực để các con cháu noi theo. Trong những buổi gặp mặt gia đình, bố mẹ ông luôn nói về tôn ti phép tắc trong gia đình, giữ gìn gia phong sao cho anh em con cháu trên thuận dưới hòa, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Cụ Cường rất coi trọng, duy trì việc giáo dục con cháu trân trọng những giá trị truyền thống của gia đình, đặc biệt là mỗi khi Tết đến, Xuân về, bởi những giá trị truyền thống ấy đã làm tăng thêm tình cảm gắn kết giữa các thế hệ. Những ngày Tết đến, gia đình cụ Cường luôn nhộn nhịp. Từ đầu tháng 12, các cụ đã giục con cháu dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Con trai phụ trách mua đào, quất, con dâu con gái cùng mẹ chồng đi chợ sắm Tết. Đến tầm 27 Tết, gia đình cụ sẽ tập trung gói bánh chưng. Năm nào cũng vậy, bốn gia đình tập trung gói đến gần 30kg gạo nếp, chia làm 2 nồi. “Các cháu rất hào hứng mỗi khi bố mẹ, ông bà gói bánh. Đây cũng là dịp để chúng tôi dạy các con cháu về điển tích và truyền thống lễ Tết của Việt Nam” – ông Bảo nói.

Đêm Ba mươi Tết, các con cháu đi xem pháo hoa, hái lộc, ông bà cùng anh chị em ở nhà pha trà, uống nước, làm lễ Giao thừa và xông đất cho nhau. Sáng mồng Một Tết, các con cháu xếp sau hai cụ, thắp hương khấn vái tổ tiên. Người con trai cả sẽ mừng tuổi, chúc thọ cha mẹ, các con cháu theo thứ tự từ lớn tới bé lì xì và nhận lì xì từ người thân. “Nhà đông anh em nên cứ Mồng 3 Tết, bố mẹ tập trung tất cả con cháu về ăn Tết, năm nào cũng hơn 70 người. Gia đình tôi luôn chuẩn bị sẵn bát đũa, bàn ghế đủ 15 mâm cho các dịp trọng đại và ngày gặp gỡ đầu Xuân” – ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, ngày nay, lễ Tết đã tiết giảm nhiều, nhưng vợ chồng ông vẫn giữ những phong tục truyền thống để giáo dục con cháu đạo dức, lễ nghĩa trong gia đình.

Đại gia đình cụ Trần Hùng Cường (SN 1935) và cụ Nguyễn Thị LiệtĐại gia đình cụ Trần Hùng Cường (SN 1935) và cụ Nguyễn Thị Liệt

Để gia đình thêm đông vui, đầm ấm

Gia đình cụ Trần Thị Ba (SN 1925, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng là gia đình tứ đại đồng đường được nhiều người ngưỡng mộ về nề nếp gia phong. Cụ Ba hiện đang sống cùng gia đình con trai, vợ chồng cháu ngoại và chắt ngoại tại tổ dân phố số 6 phường Vĩnh Phúc. Trong căn nhà ba tầng, cụ ở một phòng trên tầng thứ hai, vợ chồng con trai ở phòng bên cạnh, tầng thứ ba thì “để dành” cho vợ chồng cháu trai và hai chắt ở. Bà Nguyễn Thị Hữu (SN 1955, con dâu cụ Ba) cho biết, cụ Ba tuổi đã cao nên việc cơm nước, chợ búa do bà lo liệu. Ông bà đã về hưu nhận nhiệm vụ đưa đón cháu đi học và cơm nước, chợ búa hằng ngày.

Theo bà Hữu, việc chung sống nhiều thế hệ giúp gia đình bà lúc nào cũng vui vẻ, ấm cúng. Khi sống chung, các cụ giáo dục nhắc nhở con cái về cách ăn ở, có trên có dưới. Các con cháu hiếu nghĩa với bố mẹ. Ngày cụ ông ốm nằm một chỗ, vợ chồng bà cùng con gái, con rể tập trung chạy chữa cho cụ ông, lo cho cụ từ miếng ăn, giấc ngủ. Bà Lê Thị Dương Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 6 cho biết, gia đình cụ Ba là gia đình gương mẫu, điển hình nhiều năm. Trong đó, bà Hữu là con dâu mẫu mực, người mẹ gương mẫu cho con cái học tập. Bà Hữu chăm lo bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, không phàn nàn. Gia đình cụ được nhận nhiều bằng khen tiêu biểu của quận Ba Đình về gia đình tứ đại đồng đường sống hòa thuận, hạnh phúc và sum vầy.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.