Gặp nữ nhà báo lão thành học trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng

Chia sẻ

Nhà báo Lý Thị Trung năm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng tinh thần và trí tuệ của bà vẫn vô cùng minh mẫn. Là thế hệ nhà báo tiền bối, một trong 42 học viên học trường dạy viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, bà từng phụ trách tờ Phụ nữ Thủ đô ngày đầu thành lập. Bà luôn tự hào về những năm tháng vẻ vang làm báo.

Hà Nội ngày cuối đông, tôi tìm đến phố Hoàng Cầu để gặp nhà báo Lý Thị Trung. Đến đây mới biết, từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 tràn vào nước ta, bà đã lên xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ở với người con trai thứ ba - NSND Vương Duy Biên. Tuy không gặp được nhân vật của mình nhưng tôi đã được gặp luật sư Vương Trọng Thế là con trai thứ hai của bà. Ông Thế đã nói về người mẹ của mình bằng một sự trân trọng: “Bà là người say mê, kiên trì trong công việc, là tấm gương mẫu mực để con cháu học tập, noi theo. Không chỉ vậy, trong sinh hoạt đời thường bà cũng ăn uống rất khoa học, thể dục thường xuyên”. Nghĩ về thời mẹ của mình vất vả thành lập, gây dựng và phát triển tờ báo Phụ nữ Thủ đô, giọng ông Thế chùng xuống, đôi mắt ánh lên niềm tự hào: “Hồi ấy không hiểu sức mạnh nào, niềm tin nào, ý chí nào mà bà có thể làm được khối lượng công việc lớn đến vậy”.

Nhà báo Lý Thị TrungNhà báo Lý Thị Trung

Qua sự kết nối với người giúp việc của nhà báo Lý Thị Trung, tôi đã được trò chuyện điện thoại hơn nửa tiếng đồng hồ với bà. Điều làm tôi bất ngờ là bà cụ đã 91 tuổi nhưng đôi tai vẫn rất thính, đầu óc vẫn rất minh mẫn, giọng nói vẫn rất dứt khoát, tràn đầy năng lượng và đặc biệt là bà vẫn dùng “Dạ vâng ạ” với tôi - một người chỉ đáng tuổi cháu của bà. Khi tôi đề cập đến việc viết một bài báo về bà thì bà cười bảo: “Cháu viết thế nào thì viết nhưng không được khen quá, nói quá. Riêng việc một mình ra tờ báo của phụ nữ Thủ đô cũng là một việc hết sức bình thường, không có gì ghê gớm cả, đó chỉ là yêu cầu của thời cuộc mà tôi may mắn được sống ở thời kỳ đó mà thôi”.

Câu trả lời đầy khiêm tốn của bà lại làm tôi nhớ đến việc nhiều người vẫn thường gọi bà là Tổng Biên tập đầu tiên của báo Phụ nữ Thủ đô nhưng bà bảo gọi như thế là không chính xác, phải gọi cho đúng là người phụ trách, mà người phụ trách trên bà là đồng chí Phương Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội. Đã có nhà báo viết về bà với cái tít “Một mình ra báo thật là ngông” (dựa vào ý thơ “Tòa cũng không, soạn cũng không/ Thế mà ra báo thật là ngông” của nhà thơ Trần Lê Văn) bà đã nhắc nhở: “Sao lại lấy một cái tít như thế, chẳng khiêm tốn chút nào cả!”. Bà là thế, lúc nào cũng nhẹ nhàng, khiêm tốn và chừng mực.

Bà luôn dặn những người cầm bút đi sau, muốn làm nghề này trước hết phải yêu nghề. Yêu nghề nhưng không phải tự khắc nghề nó đến với mình, phải học bạn bè, học mọi người, học trong thực tế và phải rút kinh nghiệm liên tục. Nếu viết về người ta 10 phần thì chỉ nên nói 7 phần, 3 phần giữ lại trong lòng và tuyệt nhiên đừng để người ta chỉ đến 10 mà mình nói thành 20.

Khi câu chuyện đã cởi mở hơn, tôi hỏi đến việc có phần “riêng tư” hơn, như bà có buồn khi con, cháu không theo nghề của mẹ, hay cuộc sống hiện tại của bà thế nào… thì bà cũng trả lời một cách nhiệt tình, tỉ mỉ từng thắc mắc ấy. Bà bảo: “Tôi không buồn khi các con, cháu không theo nghề vì mình không thể bắt chúng theo nghề của mình được, đó là quyền tự do của mỗi người. Còn về cuộc sống hiện tại thì ở trên này không gian thoáng đãng, rộng rãi, vườn có nhiều cây cối nên rất phù hợp với người già nghỉ dưỡng…”.

Riêng nhắc đến tờ báo mà mình đã dày công tâm huyết thì bà cho biết: “Tôi thấy chị em làm báo Phụ nữ Thủ đô rất năng nổ, nhiệt huyết và đặc biệt là có nhiều bài báo thời sự, hấp dẫn, bám sát tôn chỉ, mục đích là tiếng nói của chị em phụ nữ Thủ đô”.

Nhà báo Lý Thị Trung rạng rỡ tham dự sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019) tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái NguyênNhà báo Lý Thị Trung rạng rỡ tham dự sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019) tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Cuộc trò chuyện cùng bà lại gợi lại trong tôi một sự kiện mà mình đã may mắn được cùng bà tham gia, đó là dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019) tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và đó cũng là dịp ngôi trường này đón bằng Di tích lịch sử quốc gia. Hôm ấy, mọi người đều rất ấn tượng với hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng, diện bộ áo dài đen, quàng chiếc khăn màu đỏ thẫm nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh và luôn tươi cười. Đó chính là nhà báo Lý Thị Trung - học viên duy nhất của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có thể tham dự sự kiện này, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Dĩ nhiên, hơn ai hết với nhà báo Lý Thị Trung thì dấu ấn của 70 năm đã qua có rất nhiều ý nghĩa và giá trị mà có lẽ những người đồng môn của bà hoặc đã đi xa, hoặc vì lý do sức khỏe mà không được may mắn chứng kiến.

Đã có rất nhiều nhà báo và người đến dự sự kiện này tò mò hỏi bà về trường học đặc biệt của nền báo chí cách mạng Việt Nam, có lẽ vì quá xúc động mà bà đã đọc mấy vần thơ: “Trường viết báo đầu tiên/ Dựng trên đồi Bờ Rạ/ Lớp học xưa đâu nhỉ/ Chìm giữa hồ mênh mông”. Người nữ học viên ấy lại bồi hồi nhớ đến tên các thầy giảng bài, các bạn học trong lớp, nhớ cả tờ báo “Bút mới” được lập ra trong ba tháng học. Tất cả cứ hiện dần trong miền hồi ức năm xưa: “Bờ Rạ, ơi Bờ Rạ/ Bản đồ không còn tên/ Nhưng trong tim vẹn nguyên/ Kỷ niệm về Bờ Rạ/ Bờ Rạ, ơi Bờ Rạ!”.

Nhớ về kỷ niệm của những ngày đi học, bà đã đọc lại bài thơ bà viết khi về thăm lại trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường: “Nhớ khi xưa đến lớp/ Chỉ một dao quăng thôi/ Từ Lục Ba – Bờ Rạ/ Mãi chiều mới tới nơi”. Bà lại nghẹn ngào bảo rằng, trong dịp kỷ niệm lúc đó còn có tới hơn 10 học viên tham gia nhưng đến nay thì chỉ có số ít người còn sống: “Nhiều thầy cô khuất núi/ Lòng học sinh bồi hồi/ Nhiều bạn bè vắng mặt/ Nhìn ảnh nhớ từng người”...

Ở tuổi 91, mặc dù không thể viết tiếp được nữa nhưng nhà báo Lý Thị Trung vẫn giữ thói quen đọc sách, báo như một cách để rèn luyện trí óc trước sự lão hóa của thời gian, một cách để nuôi dưỡng tâm hồn và tinh thần, để nỗ lực giữ nghề mà bà đã tâm huyết theo đuổi suốt cuộc đời. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng bà đã cho tôi nhiều bài học sâu sắc, quý giá về làm nghề, đó là luôn khiêm tốn khi nói về mình và luôn cẩn trọng khi đặt bút viết về người khác.

Tấm gương ấy, tinh thần ấy thật đáng quý, đáng trân trọng nhường nào!

NGÔ KHIÊM

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.