Vườn đào bên sông

Chia sẻ

Những dãy nhà lô xô níu lấy nhau bên bờ sông. Xa hơn ở phía sau là những nóc nhà cao tầng nối tiếp. Như nhìn thấy bức tường thành dài dằng dặc ẩn hiện sau những lớp bụi mờ mịt.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
- Bùi Giáng -

Sông chảy dài phản chiếu ánh nắng lấp loá.

Những dãy nhà lô xô níu lấy nhau bên bờ sông. Xa hơn ở phía sau là những nóc nhà cao tầng nối tiếp. Như nhìn thấy bức tường thành dài dằng dặc ẩn hiện sau những lớp bụi mờ mịt.

Từ ngoài phố một đôi vợ chồng lững thững đi vào bãi nổi được bồi đắp bằng phù sa của hai nhánh sông. Họ đi như kẻ từ xa tới để tìm miền đất lạ. Hai người cùng xách khệ nệ một vài cái túi du lịch cáu bẩn. Vai người chồng đeo ba lô lệch một bên vì xoong nồi lỉnh kỉnh.

Dân khu bãi nổi đã quen với những cảnh người tứ xứ đến đây ngụ cư nên không mấy ai chú ý đến hai vợ chồng lạ.

Thuần nom người đã biết là dân nghiện hút, vì người anh ta như sái nghiện, mà Thuần cũng đã từng bị những cơn nghiện vật xuống như trâu ốm. Cả vườn đào của họ đã bị gán nợ theo đất. Khi về đất này, là họ coi như đã trắng tay.

Vợ Thuần tên Miên, người nhỏ nhắn mong manh như một bông đào phai. Không ra vẻ thẫn thờ hay lạ lẫm. Thi thoảng Miên đưa tay quệt những giọt mồ hôi chảy xuống cay xè mắt.

Họ đi bước một. Như không có gì vội vã. Phía trước là một cái cầu sắt nhỏ bắc qua lạch sông. Mặt cầu lầm bụi. Những tấm sắt dùng chắn đạn B40 ngày còn chiến tranh, không hiểu sao giờ vẫn còn, và thật hữu hiệu khi người ta dùng để bắc nhịp qua lạch sông. Từ dưới mố cầu, chợt nhìn thấy một cành lưu ly chồi lên, vài cánh hoa đang hé nở. Những bông hoa màu tím da diết át đi lớp bụi bám dày trên thành cầu.

Bước chân hai người đặt lên thành cầu. Suýt nữa xéo lên cánh hoa mỏng manh. Miên đã bước qua rồi, bỗng quay đầu lại nhìn.

Cô ngạc nhiên reo lên:

- Một bông hoa lưu ly thực sự.

Thuần càu nhàu:

- Cô lãng mạn vừa thôi. Cả đời chăm đào còn chưa chán à?

Miên vẫn như đang trôi trong một khoảng sáng trong veo, không vẩn bụi.

- Bông hoa này mọc dưới gầm cầu chui lên anh ạ!

Cô quay lại, ngồi thụp xuống nâng cánh hoa lên. Cánh hoa không mùi vị khẽ rung rinh. Như thoảng một mùi hương tinh khiết giữa đất trời.

Mái tóc người thiếu phụ bay trước gió.

Thuần quát vợ:

- Lắm chuyện. Đi nhanh lên. Sắp chiều rồi.

Miên luyến tiếc đứng dậy, nhưng vẫn cố ngoái lại nhìn bông hoa nhỏ bé trơ trọi trên thành cầu.

Tuy quát vợ, nhưng Thuần cũng biết mình đã làm cho vợ khổ điêu đứng. Họ mới cưới chưa đầy năm. Con chưa có. Cứ nhớ lại vườn đào rực rỡ, lòng Thuần lại chùng xuống. Dường như một quá khứ huy hoàng đã lùi xa. Đã từng có những mùa đào ra hoa rực rỡ. Không chỉ khách tìm đến mua mà nam thanh nữ tú cứ đến khi đào vừa lấp ló những nụ hồng nhỏ xinh xinh, là kéo nhau đến chụp ảnh rộn rã. Vườn đào của nhà Thuần lúc nào cũng nườm nượp. Cả xứ trồng đào ai cũng nể Thuần, tay trồng và chăm sóc đào có duyên. Cứ như bàn tay ấy có ma thuật.

Miên hay đùa với đám bạn gái: Hay là những nàng tiên đào mê vía ông Thuần cũng nên.

Giờ nhìn vợ tần ngần với chỉ một bông hoa mọc dại, Thuần khẽ thở dài.

Ngày ấy…

Chẳng hiểu ma xui quỷ ám ra sao, Thuần lại quay ra tụ tập với cái đám thanh niên vô công rồi nghề trong xã, thử hút cái thứ cỏ mà họ kích, rằng không biết đến chưa phải chí trai. Nhớ lại những ngày lên cơn nghiện, nhà cửa tan hoang, bát đĩa vỡ loảng xoảng, vợ hãi sợ bỏ về nhà đẻ. Rồi cảnh nhóm người đến đòi nợ, phải bán hết vườn đào, bán nốt căn nhà nhỏ… Và rồi trắng tay phải bỏ làng đi.

Hai vợ chồng đi theo lối dẫn đến bãi nổi gần nhất.

Đứng bên mấy vườn bưởi đang lên xanh, Thuần và vợ ngẩn ngơ nhìn khu dân cư bên bờ con sông khá thơ mộng.

- Đây rồi!

Miên thì không hình dung sẽ sống trên cái bãi bồi giữa sông như thế này, bèn kéo tay chồng.

- Đi thôi, ra phía Hòa Vinh, hình như bên đấy cũng có mấy mảnh đất rẻ bèo, chưa quy hoạch dự án gì. Con Liên bạn em nó bảo sau này sẽ có cả siêu thị gì đó to lắm được xây. Giờ thì còn nhiều bãi hoang, người ta cắm sào bán cả khoảnh rộng trăm mét cũng chỉ ngang giá mười mét ở khu tập thể trong phố.

Thuần giật tay khỏi cái nắm tay của vợ, cương quyết.

- Nhìn xem, đất sống của mình đây chứ đâu nữa. Ai lại bỏ hoang bỏ phí ngần này đất cơ chứ. Cứ cho là bãi bồi đi thì đã sao? Rồi cô sẽ thấy, tôi sẽ cho cô thấy đào nở hoa ở đây.

Miên tròn mắt:

- Đào? Anh không nói chơi chứ?

Thuần ưỡn ngực:

- Không nói chơi. Đi, theo tôi vào nhà bác Doãn.

- Bác Doãn? Có phải cái bác ngày trước ở nhờ nhà mình để học kỹ thuật trồng đào tỉa ghép đào?

Thuần đắc ý với vợ lắm. Lâu rồi đâu có việc gì làm cho ra cái thằng đàn ông để được đắc ý như vậy.

- Đúng thế. Giờ bác ấy nhắn tôi đến đây. Nếu không, tôi biết sao được cái chốn hiu quạnh này?

Miên lằn nhằn:

- Sao anh không bảo trước? Ờ, mà ở đây cũng không đến nỗi tồi nhỉ. Cũng gần trung tâm thành phố. Cũng phố xá chóng mặt ngoài kia...

Thuần cười hì hì:

- Biết thế nào mà bảo. Giờ đến đây tự nhiên thấy thích mới bảo.

Vườn đào bên sông - ảnh 1

***
Nhưng mãi mấy tháng sau, Thuần cũng chưa thực hiện được giấc mơ trồng lại một vườn đào trên bãi bồi. Bởi nơi đây giờ cũng không còn đất hoang hoải. Trước mấy xã ven sông còn phải phát động dân tình ra khai hoang trồng tỉa giữ đất. Giờ người làm vườn ra nhiều, đất phù sa bồi đã khoanh đã lên giá. Mọi người lại còn hò nhau góp tiền đổ bê tông mấy con đường. Lãng mạn hơn, lại còn đặt tên đường như ngoài phố: Thống Nhất, Đoàn Kết, Chợ Sồi…

Hai vợ chồng thuê được chút mảnh đất của ông Doãn, bèn mở hàng nước, nhưng nơi này không như hồi còn ở quê, hồi đó Thuần là tay tài hoa của xứ sở trồng đào, nên có ra oai cũng không lạ. Còn ở đây, thiên hạ dừng chân ngồi vào quán là do cái vẻ long lanh mọng như trái chín của Miên. Dường như nước được pha từ bàn tay ấy có gì níu kéo.

Khách thường ngồi quay mặt ra sông, ngắm những hơi sương mong manh bốc lên từ mặt sông, được ánh mặt trời soi xuống mà thành những sợi tơ vàng óng ánh. Phía bên kia sông, là ánh sương mai còn đọng, là bóng kinh thành cổ kính in dấu trong đáy mắt người thiếu phụ ngồi nghiêng nghiêng bên bờ đất lầm bụi.

Thuần mặc kệ thiên hạ mê đắm vợ mình, ngửa người trồng cây chuối bên cạnh quán nước hàng tiếng đồng hồ không mệt mỏi. Nhưng đấy là những lúc trong đầu Thuần có những ý nghĩ như ngọn lửa thổi bùng nóng giãy, được dìm xuống bằng hơi thở thiền, và được thành hình dần dần bằng khối năng lượng mê đắm.

Khách mà không nhìn ra mặt sông, mặc kệ ông chủ quán, thì không mấy ai là không bùng lên ước muốn được hất ngã cái gã đàn ông đang nhìn mặt đất bằng cặp mắt ngược kia.

Một khách là nhà báo lang thang vào bãi nổi.

Anh ngồi lì suốt hàng tiếng đồng hồ bên quán nước nhà Thuần để ngắm hơi sương đang bảng lảng trên mặt sông. Ống kính máy ảnh vẫn để trực sẵn để bắt kịp những khoảnh khắc kỳ ảo của sương và dòng chảy phía dưới.

Trời bỗng tối sầm lại như sắp sửa vào đêm. Những đám mây đen kéo đến ùn ùn trên nền trời. Rất nhiều mây đen. Như sắp có lốc. Nhưng bỗng nhiên mặt trời cuối buổi sáng bừng lên rực rỡ, khiến ai nấy ngước nhìn lên đều thấy chói mắt. Những tia chớp màu xanh lóe lên sáng rỡ.

Khách kêu lên ngạc nhiên:

- Kìa, chớp xanh.

Miên nhỏ nhẹ:

- Mặt trời xanh? Lạ quá?

Khách tỏ vẻ hiểu biết:

- Hiện tượng đặc biệt này xảy ra khi mặt trời nằm rất thấp, chỉ có một phần nhỏ nhô lên khỏi đường chân trời. Một phần rất nhỏ ở mép trên của mặt trời xuất hiện màu xanh trong một tới hai giây, rất khác so với màu sắc thông thường.

Thuần nhìn ngược lên nền trời, nên có thể anh ta đã nhìn thấy những tia chớp kim cương hiếm hoi kỳ ảo vừa vụt qua.

Bất chợt Thuần reo lên:

- Có rồi!

Ngay cả Miên cũng không hiểu nổi chồng mình dạo này có điều gì mà cứ như người mộng du. Ánh mắt Thuần dường như có bóng tia chớp xanh; lúc hạ người xuống một cách nhẹ nhàng, Miên nom thấy trong ánh mắt ấy tia sáng tinh ranh của một con sói rừng già.

Miên hỏi:

- Là có gì?

Lúc ấy khách mới quay sang Thuần:

- Người làng Xuân chỉ cho em đến đây tìm gặp anh để viết về những mùa hoa đào.

Thuần ngạc nhiên:

- Cậu là nhà báo à?

Khách đáp:

- Đại loại thế.

Thuần nhìn khách nghi ngờ:

- Thôi cứ nói thẳng đi ông nhà báo. Lại tìm hiểu cuộc sống của mấy thằng cha nghiện chứ gì? Không sao, tôi có gì kể tuốt cho ông viết, nhá.

- Anh chị mới về sống trên bãi này à?

Miên trả lời thay chồng:

- Cũng mới về. Chưa có gì cả. Nhưng có lẽ chúng tôi trụ lại đây thôi.

Thuần rít một nõ thuốc, rồi chậm rãi:

- Trước ở Xuân, vườn nhà tôi đào rực rỡ lắm. Cuối cùng cũng phải bán gá nợ. Ngày tôi nghiện, không còn biết trời đất gì nữa. Lúc mất đất rồi tôi mới tỉnh ngộ. Cai đủ cách mới được như hôm nay. Ở tồi tệ trên đất này cũng còn hơn trước cậu ạ. Giờ thì tôi thiền rồi.

Nhà báo cười:

- Ra cách anh thiền là trồng cây chuối đấy à?

Lúc ấy, ánh tà xanh vẫn còn đeo đuổi trên mặt con sông nước đỏ đục.

Miên chợt nhớ ra hỏi chồng:

- Mà khi nãy anh bảo có rồi là có gì vậy?

Thuần chỉ tay ra phía mấy vạt vườn trồng khoai đậu và bắp:

- Nhìn xem, ở đây người ta để vườn đầu thừa đuôi thẹo nhiều thế kia. Tôi nghĩ mấy hôm nay rồi. May có nhà báo đây nữa. Tôi đề nghị thế này: Nhờ cậu đi cùng tôi đến từng nhà vườn, nói chuyện thuyết phục giúp tôi thuê hết chỗ đầu thừa đuôi thẹo ở vườn của họ. Đúng ngày ba mươi Tết, tôi trả tiền thuê sòng phẳng. Chứ đòi tôi ngay giờ lấy đâu ra tiền.

Nhà báo chưa hiểu:

- Vấn đề là anh định làm gì?

- Thì tôi sẽ nói rành rọt nhiều chuyện cho cậu viết cả mấy bài báo ấy chứ. Đổi lại cho tôi mượn tí vị thế nhà báo, đi các nhà cùng tôi để thuyết phục họ cho tôi nợ tiền thuê đất đến đúng cái ông ba mươi là tôi trả đủ.

Miên còn sốt ruột hơn:

- Thuê đầu thừa đuôi thẹo? Để mình làm gì? Mượn luôn một mảnh của bác Doãn được không?

Thuần cười:

- Vợ thế mới bõ công cưới xin. Tinh thế. Đúng là trồng đào. Nhưng không mượn nợ của bác Doãn được. Đất của nhà bác ấy còn để trồng màu. Mình thuê đầu thừa đuôi thẹo của mỗi nhà, họ cho nợ sẽ không xót đất. Tôi đảm bảo đúng hôm ông ba mươi là tôi kính các nhà thêm cả cành đào đón Tết.

Miên ngập ngừng:

- Nhưng còn cây giống…

Thuần phá lên cười.

Với tay lấy cái ống điếu, vo tròn viên thuốc lào rồi búng mảnh lửa, rít thật sâu hõm cả má, xong ngửa mặt lên trời phả ra luồng khói miên trường.

Anh ta lẩm bẩm như nói chỉ cho mình anh ta nghe:

- Có mấy thằng bạn thân ở làng. Chúng nó vẫn đang ươm đào giống để bán. Không lẽ mình bó tay chịu chết…

*

Chẳng mấy chốc, cả xóm bãi nổi trở thành một mảnh đất mà đào mọc lên ở khắp mọi ngõ ngách. Đào bén rễ ngả nghiêng trước gió rồi bám chặt rễ xuống lòng đất phù sa. Đào lên lá non xanh mơn mởn.

Chẳng mấy chốc, nụ đào nhú ra nhỏ xíu ở những nách lá.

Bắt đầu có những đôi nam thanh nữ tú rủ nhau ra bãi nổi bên sông để chụp ảnh. Họ phát hiện ra những cây đào đã nhú những nụ hồng xinh quá.

Và rồi khách bắt đầu tới ngã giá.

Bãi nổi bắt đầu có tên, được khách gọi là bãi Đào.

Thuần mặt sáng rỡ, đi gõ cửa các nhà trả tiền thuê đất. Nhà nào cũng được một vài cây đào đang đung đưa theo gió trước cổng, hoặc trong sân nhà.

Thuần bảo với vợ:

- Đủ tiền mua mẩu đất rồi. Mình chịu khó ngồi nhặt tiền mấy ly nước, ra Giêng dựng cái nếp nhà lá. Hôm nay anh lên gặp nhà báo. Vừa sáng cậu ấy nhắn anh báo đăng bài rồi. Ra mua về tặng cho các nhà trong xóm, coi như mình trình báo, nhỉ.

Miên ngồi cong cong trên cái ghế. Phía trước mặt cô là dòng sông đang mải miết chảy.

Dường như sông đã trong hơn.

Nước sông in hình những bông đào xoay xoay trong gió, thắm như sống áo của những nàng tiên đang bay lượn trên nóc nhà thành phố, thơm nức mùi kinh thành.

Truyện ngắn của VÕ THỊ XUÂN HÀ

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.