Khát vọng bình đẳng giới: Đừng để là câu chuyện của riêng phụ nữ Việt

Chia sẻ

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Nhân dịp xuân Tân Sửu, báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trò chuyện với TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội về tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.

Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới

Là một chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới, trong những năm qua, bà và cộng sự đã và đang thực hiện nhiều dự án, nghiên cứu về bình đẳng giới, bất bình đẳng giới tại Việt Nam. Vậy bà có thể cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nào trong thực hiện bình đẳng giới?

Theo tôi, thành tựu nổi bật nhất trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam chính là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam là một trong rất ít nước trên thế giới có Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Chúng ta đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Cùng với đó, mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ (1 trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ MDG 2013) được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

Tỷ lệ tham chính của phụ nữ nước ta gia tăng, cụ thể tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Trong giáo dục, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30%, tiến sỹ là nữ giới chiếm 17,1%. Nhìn chung, khoảng cách giới trong cả 8 lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới (2006) của Việt Nam đã được rút ngắn đáng kể.

Ngoài ra, chúng ta còn ban hành các luật liên quan đến quá trình thúc đẩy bình đẳng giới như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Hiện nay thế giới đang đề cập vấn đề bình đẳng giới theo góc độ đa chiều. Theo bà, vấn đề bất bình đẳng giới đa chiều ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Nói về bình đẳng giới đa chiều, trên thế giới thường dùng từ xuyên suốt. Có nghĩa là bình đẳng giới xuyên suốt trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Ngay kể cả trong lĩnh vực mà người ta nghĩ rằng chỉ có nam giới hay phụ nữ làm việc thì nó cũng cần sự bình đẳng. Ví dụ những nơi chỉ có nam giới làm việc là có vấn đề. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng ở những nơi toàn nam giới làm việc thì kết quả không tốt bằng ở những nơi có cả phụ nữ và nam giới cùng làm việc, cũng như ngược lại.

Bình đẳng giới đa chiều là phải bình đẳng giới thực chất. Chúng ta đều biết phụ nữ và nam giới đều có năng lực khác nhau. Việc tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới cùng thể hiện năng lực của mình ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống mới chính là bình đẳng giới thực chất.

Cụ thể, sự bất cân đối của bình đẳng giới đa chiều trong cuộc sống hiện nay được thể hiện như thế nào, thưa bà?

Tôi lấy ví dụ, nhìn vào ngành giáo dục, giáo viên từ tiểu học đến trung học phần lớn là phụ nữ nhưng ở cấp lãnh đạo thì phần lớn lại là nam giới. Hay trong ngành y, các y, bác sĩ, điều dưỡng là nữ, chiếm tỷ lệ gần 70%, nhưng lãnh đạo thì đại đa số là nam giới. Trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống đều như vậy từ bộ máy chính trị cao nhất đến các cơ quan hành pháp, Hội đồng nhân dân cho đến các cấp cơ sở, tỷ lệ nữ vẫn rất “khiêm tốn”, nhất là ở các vị trí lãnh đạo. Khi chúng ta nói đến vấn đề bình đẳng nam giới và nữ giới không phải chỉ là con số cơ học để thể hiện có đủ nam đủ nữ, mà lý do người ta để sự cân bằng nam nữ với nhau là vì mỗi giới hiểu rõ vấn đề của mình hơn. Người ta cần sự cân bằng ở số những người ra quyết định, chứ không phải để đòi có sự hiển diện trong đấy. Vì sự hiện diện cơ học không có ý nghĩa gì cả, mà nó phải là sự hiện diện thực chất. Câu chuyện bình đẳng thực chất vẫn là câu chuyện không hề đơn giản một chút nào cả.

Nếu xét kỹ, nhìn chiều nào, ta cũng thấy chưa bình đẳng. Từ chiều quy định của pháp luật cho đến việc tham chính, lãnh đạo ở các cơ sở sản xuất, trong gia đình chưa bình đẳng, nam giới vẫn có vai trò quyết định cao nhất. Vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực giới ngoài xã hội vẫn diễn ra phổ biến.

Phụ nữ giỏi, được bình đẳng không chỉ mang lợi cho chỉ riêng họ mà sẽ giúp cho gia đình và xã hội phát triển, văn minh hơn. Việc không tạo điều kiện cho một nửa dân số là nữ được phát huy thì sẽ thiệt thòi cho cả dân tộc, đất nước ấy.

Chúng ta phải nhìn sâu vào chất lượng của con số bình đẳng ấy xem nó có thực chất hay không? Nhìn lại để bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của cuộc sống, vẫn là cái đích để chúng ta cố gắng rất nhiều.
Trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới đa chiều, có những cái Việt Nam làm ổn nhưng nhìn tổng thể thì chưa ổn so với những gì chúng ta cam kết về mặt chính trị, với khung pháp luật chúng ta dựng lên và với những gì đạt được. Bình đẳng giới vẫn là câu chuyện của riêng phụ nữ, và phụ nữ phải đấu tranh, tiến bộ để giải phóng mình. Dù chúng ta có cơ chế, có hành lang pháp lý để thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng nó lại chưa được thực thi thực chất, hiệu quả.

Khát vọng về bình đẳng giới: Phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức về những chuẩn mực giới

Với tư cách là một thành viên tham gia vào ban soạn thảo Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, theo bà, chúng ta cần có những giải pháp nào để có thể thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bất bình đẳng giới tại Việt Nam?

Tình trạng nữ giới tập trung làm trong các lĩnh vực may mặc vốn gắn liền với thiên chức giới của họ rất phổ biến (ảnh minh họa. Nguồn: P.V)Tình trạng nữ giới tập trung làm trong các lĩnh vực may mặc vốn gắn liền với thiên chức giới của họ rất phổ biến (ảnh minh họa. Nguồn: P.V). 

Trong các nhóm ngành nghề kỹ thuật, nam giới vẫn chiếm chủ yếu(ảnh minh họa. Nguồn: P.V)Trong các nhóm ngành nghề kỹ thuật, nam giới vẫn chiếm chủ yếu (ảnh minh họa. Nguồn: P.V)

Theo tôi, để thúc đẩy bình đẳng giới thực chất ở Việt Nam thì chúng ta cần phải nâng cao nhận thức, thay đổi những chuẩn mực giới, những định kiến về giới, về phụ nữ, về nam giới. Trong nhận thức lâu nay của chúng ta vẫn tồn tại quan điểm phụ nữ không có khả năng lãnh đạo bằng nam giới, nên người ta không muốn đưa phụ nữ vào để ngang bằng với nam giới trong những cơ quan, vị trí lãnh đạo có thể ra quyết định. Vẫn còn quan điểm, thiên chức phụ nữ là chăm sóc gia đình, chồng con. Từ đó phụ nữ không cần học giỏi, học cao, không cần phấn đấu để có vị trí lãnh đạo. Vì nếu phụ nữ ở vị trí đó thì sẽ không còn thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

Những phụ nữ được ca ngợi thực chất ở Việt Nam vẫn là mẹ hiền vợ đảm chứ không phải là những người phụ nữ đứng trên đỉnh cao của khoa học, hay trong kinh doanh. Những phụ nữ thành đạt, dù chúng ta ca ngợi, tôn vinh họ nhưng trong thực tế vẫn có rất nhiều người cho rằng “phụ nữ thành đạt luôn phải dành nhiều thời gian cho công việc thế này thì… chồng con mất nhờ". Và, người ta vẫn cho rằng người phụ nữ nếu đi làm thì chỉ nên chọn những công việc có nhiều thời gian dành cho gia đình. Xã hội vẫn còn mặc định phụ nữ muốn thành đạt, tài giỏi đến đâu thì vẫn phải đảm bảo được công việc gia đình, chăm sóc chồng con, giữ được mái ấm hạnh phúc. Nếu phụ nữ không làm được điều đó thì dù thành đạt đến đâu cũng không được ghi nhận là người phụ nữ tốt, hoàn hảo toàn diện. Nhưng cũng trên bình diện đó, đàn ông chỉ cần thành đạt là được ca ngợi và họ không cần phải làm tốt công việc trong gia đình như phụ nữ. Không ít đàn ông quan niệm phụ nữ giỏi không bằng phụ nữ ở nhà làm tốt việc chăm sóc gia đình, hậu phương vững chắc.

Chuẩn mực giới, định kiến đối với phụ nữ đã và đang giam hãm người phụ nữ. Chúng ta phải nhận thức được rằng, nếu người phụ nữ giỏi thì gia đình và cả xã hội đều được nhờ, đất nước phát triển. Vì thế, chúng ta cần truyền thông, giáo dục để thay đổi những nhận thức quan điểm, chuẩn mực, định kiến cũ, bất bình đẳng giới ấy thì việc thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới mới có kết quả.

Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng việc thúc đẩy bình đẳng giới chủ yếu ở phụ nữ - nạn nhân của bất bình đẳng, và chưa đề cập nhiều đến nam giới. Từ nghiên cứu “Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" mà Viện Nghiên cứu phát triển xã hội vừa công bố, bà có thể nói rõ hơn những ảnh hưởng của nam giới trong vấn đề bất bình đẳng ở xã hội Việt Nam hiện nay như thế nào?

Dù xã hội thay đổi hàng ngày, hàng giờ nhưng hơn 20 năm qua, những dự án về giới chỉ tập trung hầu như vào phụ nữ, còn nam giới không phải là đối tượng chính. Và từ trước đến nay những câu chuyện, nghiên cứu về nam giới rất ít. Đó là lý do mà tôi muốn có những nghiên cứu về nam giới để hiểu nam giới nghĩ gì, tại sao họ lại ứng xử bất bình đẳng. Tôi mong rằng những hiểu biết về nam giới trong nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp cho việc thúc đẩy về bình đẳng tốt hơn, để giải quyết những vấn đề của nam giới, hỗ trợ họ và phát hiện ra những điều chúng ta cần thay đổi ở nam giới. Thực tế cho thấy nỗ lực bình đẳng giới sẽ khập khiễng nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà bỏ qua đàn ông.

Ảnh minh họa. Nguồn Int.Ảnh minh họa. Nguồn Int.

Từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, chúng ta có những chiến lược phát triển về bình đẳng giới và có rất nhiều những chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đổ vào Việt Nam, nhưng mới chỉ tập trung cho phụ nữ. Chính việc tập trung cho phụ nữ nhiều năm qua đã giúp phụ nữ tiến bộ rất nhiều. Phụ nữ có thêm trình độ nhận thức, học tập phát triển trong sự nghiệp, thay đổi dần những định kiến về giới. Nhưng đáng tiếc, nam giới lại không thay đổi cùng một tốc độ như nữ giới, thậm chí họ còn thay đổi chậm hơn rất nhiều.

Trong nghiên cứu về nam giới của chúng tôi, phụ nữ bây giờ đổi mới bao nhiêu thì nam giới cổ hủ bấy nhiêu. Cách họ nghĩ về phụ nữ vẫn còn cũ xưa. Ví dụ, 84,38% nam giới trong nghiên cứu cho rằng phụ nữ nên làm các công việc nhẹ nhàng, đơn giản, 82,66% đồng ý quan niệm phụ nữ nên ưu tiên chăm sóc gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp. Cách nam giới nghĩ về bản thân cũng không thay đổi, hầu hết khẳng định họ phải là bên giỏi giang, có năng lực hơn và dù có ứng xử như thế nào thì xã hội vẫn sẽ khoan dung họ hơn. Về sự nghiệp, nam giới cho rằng “người đàn ông đích thực” cần ưu tiên sự nghiệp, coi trọng học vấn và bằng cấp… có vị trí cao trong cơ quan nhà nước, làm những công việc có tay nghề chuyên môn/kỹ thuật, phấn đấu trở thành người lãnh đạo và ra quyết định… Chính những tiêu chí truyền thống về “một người đàn ông đích thực” đã kéo lùi nam giới và bình đẳng giới.

Muốn có Tết bình đẳng: Phụ nữ Việt hãy biết cách giải phóng mình

Tết cổ truyền dân tộc thường được chú trọng trong các gia đình Việt, nhưng nó cũng là dịp khiến cho tình trạng bất bình đẳng giới gia tăng do các phong tục tập quán. Theo bà làm thế nào để Tết bình đẳng với mỗi người hơn?

Câu chuyện bất bình đẳng giới vào dịp Tết lâu nay vẫn thường được lặp đi lặp lại và sẽ còn tiếp tục nếu như phụ nữ Việt không biết cách thay đổi để giải phóng mình. Vì phụ nữ vẫn được mặc định với thiên chức nội trợ nên việc nấu nướng, dọn dẹp trong dịp Tết vẫn dồn lên phụ nữ. Phong tục Tết cổ truyền của chúng ta là đoàn tụ, sum vầy nên việc nấu nướng, phục vụ cho việc ăn uống, tiếp đãi khách, biếu Tết nội, ngoại vẫn còn nặng nề. Đa số phụ nữ "quần quật" với công việc bếp núc, dọn dẹp trong mấy ngày Tết, trong khi nam giới chỉ chúc tụng, ăn uống say sưa. Thậm chí việc chi tiêu, lo cho Tết, phụ nữ vẫn phải gánh vác cáng đáng cùng chồng. Câu chuyện bạo hành gia đình trong các dịp Tết mà nạn nhân là phụ nữ, thủ phạm là chồng vẫn thường xảy ra.

Mọi người cần thay đổi quan niệm “ăn Tết” bằng “chơi Tết”. Việc ăn uống ngày nay không còn nhu cầu lớn trong mấy ngày Tết nhưng phụ nữ vẫn giữ thói quen mua sắm, nấu nướng nhiều. Chúng ta thấy tình trạng dư thừa, lãng phí thực phẩm ngày Tết trong các gia đình rất nhiều. Việc thay đổi quan niệm “chơi Tết” thay vì “ăn Tết” sẽ giảm tải việc nấu nướng, dọn dẹp trong mấy ngày Tết cho phụ nữ và tránh được tình trạng lãng phí thức ăn.

Hay, câu chuyện phụ nữ phải lo Tết ở nhà chồng mà không được về lo Tết nhà ngoại cũng diễn ra nhiều trong cuộc sống lâu nay. Và nó cũng phản ánh thực trạng bất bình đẳng giới trong gia đình. Năm nào, câu chuyện đón Tết nhà nội, đón Tết nhà ngoại cũng khiến nhiều gia đình bất hòa, bởi nhiều người chồng vẫn cho rằng vợ phải lo Tết nhà nội trước rồi mới đến lượt nhà ngoại. Rồi, biếu Tết nhà nội phải lớn hơn biếu Tết nhà ngoại…

Tại sao, con gái khi đi lấy chồng rồi họ lại không được, hay không có quyền tự do về lo Tết, đón Tết bên nhà ngoại? Tại sao nhà ngoại vẫn phải luôn ngậm ngùi mong nhớ con gái lấy chồng không được về sum họp, đón Tết cùng cha mẹ? Xét về tình cảm và nghĩa vụ đối với cha mẹ, con trai cũng giống như con gái. Vậy tại sao con gái lại không được về chăm lo Tết cho bên ngoại và chỉ có bổn phận nghĩa vụ lo Tết cho bên nội? Đàn ông cần thay đổi nhận thức về vấn đề này và tạo điều kiện để vợ được về sum vầy, quây quần bên nhà ngoại nhiều hơn.

Xin cảm ơn bà, và chúc bà xuân mới an khang, thịnh vượng!

THU HÀ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.