Thơ về Mẹ

Chia sẻ

Nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn là gương mặt nổi tiếng trong nền thơ ca Việt Nam. Thơ chị rất chân thành, gần gũi, giàu trải nghiệm, chiếm được tình cảm yêu mến của đông đảo bạn đọc. Bài thơ "Mẹ" là tiếng nói cảm xúc đong đầy yêu thương và tri ân sâu nặng với mẫu thân.

Suốt đời mẹ mặc áo nâu
Để trăm áo đẹp đủ màu con mang.
Lớn lên cha đã không còn
Chỉ riêng mình mẹ sớm hôm tảo tần.

Bàn tay mẹ đủ nếp nhăn
Các con của mẹ dần dần lớn khôn.
Bây giờ đôi lứa vuông tròn
Bao nhiêu năm mẹ héo hon một mình.

Nét cười đen nhánh hiền minh
Trước ai con vẫn thấy mình bé thơ.
Mẹ như mặt đất sâu xa
Lặng im nuôi dưỡng lúa hoa ngàn đời...
                                    Phan Thị Thanh Nhàn

LỜI BÌNH

Dùng thể thơ lục bát có âm điệu nhịp nhàng, tha thiết để nói về tình cảm mẹ con là sự lựa chọn hợp lý của người viết. Những câu thơ đầu, chủ thể trữ tình - người con - đã phát hiện một sự khác biệt lớn trong trang phục của mẹ và của con cũng như các chị em khác: "Suốt đời mẹ mặc áo nâu/ Để trăm áo đẹp đủ màu con mang". Điều đơn giản ấy có nguyên nhân là mẹ luôn yêu thương chăm lo cho con, muốn con mình được no ấm, đẹp đẽ trong điều kiện của gia đình. Mẹ mua sắm cho con nhiều quần áo đẹp “đủ màu”, riêng mẹ quanh năm suốt tháng chỉ "mặc áo nâu" một màu giản dị, khiêm nhường như màu đất quê hương. Hoàn cảnh gia đình của chủ thể trữ tình: "Lớn lên cha đã không còn/ Chỉ riêng mình mẹ sớm hôm tảo tần". Tuy trong nhà thiếu bờ vai trụ cột, một mình nặng gánh hai vai, vừa làm mẹ, vừa đảm trách cả vai trò người cha nhưng mẹ của nữ sĩ chẳng chút kêu ca, phàn nàn. Mẹ tảo tần sớm tối, nhận vất vả về mình: "Bàn tay mẹ đủ nếp nhăn/ Các con của mẹ dần dần lớn khôn/ Bây giờ đôi lứa vuông tròn/ Bao nhiêu năm mẹ héo hon một mình". Nhờ hay lam hay làm một nắng hai sương, dẫu cho bàn tay đầy nếp nhăn chai sạn, dẫu cho phải sống trong cô đơn, tủi cực đến "héo hon" cả hình hài, mẹ nhận hy sinh tất cả để đổi lại cho các con được no ấm đủ đầy "đôi lứa vuông tròn". Hạnh phúc và sự trưởng thành của các con là mong ước và lẽ sống của cả đời mẹ.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn, ở đây nghệ thuật ngắt nhịp lẻ 3/5 thật sáng tạo “Bao nhiêu năm mẹ héo hon một mình" đã nhấn mạnh đức nhẫn nại và hy sinh âm thầm của mẹ. Giờ đây, ngắm nhìn các con lớn lên, có đôi lứa sum vầy, mẹ như nở từng khúc ruột. Mẹ ăn trầu môi tươi đỏ, răng đen rưng rức hạt na, nụ cười tươi rạng rỡ của mẹ thật ấn tượng và đẹp vô cùng, đó là nụ cười "hiền minh" sáng suốt của người từng trải và thấu hiểu lẽ đời: "Nét cười đen nhánh hiền minh/ Trước ai con vẫn thấy mình bé thơ." Đứng ngồi trước mẹ, cứ ngỡ trước “ai” đó thật siêu phàm bởi người con cảm thấy luôn ấm áp bên tình yêu thương bất diệt và cảm thấy mình hãy còn "bé thơ", nhỏ dại, được mẹ bao bọc, chở che. Hai câu kết của bài giàu hình ảnh gợi cảm và thật cô đọng, hàm súc. Đây thực là một châm ngôn về cuộc đời và tình mẹ: "Mẹ như mặt đất sâu xa/ Lặng im nuôi dưỡng lúa hoa ngàn đời." Chỉ với cặp câu lục bát này, tác giả đã khái quát rất cô đọng, rất sâu sắc về cuộc đời của mẹ mình cùng với nhiều người mẹ Việt Nam khác nữa: Mẹ như mặt đất giản dị, nhẫn nại như màu áo nâu mẹ thường mặc mỗi ngày, thật khiêm nhường mà bao dung, rộng lớn, cao cả vô cùng. Nhờ có sự “lặng im” nuôi dưỡng và bao dung của mẹ mà muôn loài, nhất là "lúa" - biểu trưng cho các giá trị vật chất, và "hoa" - biểu trưng cho các giá trị tinh thần được tạo dựng, nuôi dưỡng, phát triển và ngàn đời bất diệt.

Bài thơ đã khép lại nhưng những con sóng dạt dào của tình mẹ, đức tần tảo, khiêm nhường và hy sinh suốt cả cuộc đời của mẹ khiến lòng ta còn rưng rưng mãi.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.