Ông nội và các cháu gái

Chia sẻ

Mẹ nói với tôi, hãy chấp nhận cả mặt nhược điểm và mặt tốt của ông nội vì đó mới là ông. Tôi là con cháu thì phải luôn hiếu thảo và làm tròn bổn phận của mình...

Một thời gian dài, tôi luôn cho rằng ông nội là người gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Lúc nào tôi cũng thấy ông giục bố tôi, rồi bác tôi, chú tôi phải sinh con trai nối dõi tông đường.

Tôi là con đầu cháu sớm trong nhà, nghe kể lại, khi tôi ra đời ai cũng vui. Nhưng, ông nội tôi vẫn tuyên bố tôi là cháu gái nên chỉ mang tính chất “tham khảo”, còn khi nào mẹ tôi sinh được con trai thì ông mới thực sự yên tâm. Mẹ tôi sau đó ra nước ngoài học thạc sĩ nên gửi tôi lại nhờ ông nội trông nom giúp. Lúc mẹ học xong, về nước thì tôi cũng đã hơn 10 tuổi. Tôi còn nhớ một lần trong bữa cơm, ông nội giục mẹ tôi sinh thêm cháu trai cho ông. Mẹ tôi lúc đầu chỉ định sinh mình tôi, nhưng rồi vì áp lực của ông nội mà lại cố sinh tiếp. May mắn là tôi cũng có thêm em trai nên ông tôi mới vui vẻ.

Khi chú tôi lấy vợ, ông lại tiếp tục điệp khúc chú phải có con trai nối dõi. Lại thêm một may mắn khi cô tôi sinh đôi được 1 trai, 1 gái. Ngày đầy tháng hai em, ông tôi quay sang nhìn bác cả, thở dài: “Ông vẫn đang thiếu thằng cháu đích tôn”. Bác cả tôi hồi đó đã cứng tuổi mà vẫn độc thân. Gần 1 năm sau, bác quen bác gái tôi bấy giờ. Lúc cưới, bác dâu tôi đã gần 45 tuổi. ở tuổi đó, thực sự chỉ mong bác sinh được con đã là quý rồi. Thế mà ông tôi vẫn yêu cầu bác phải sinh đích tôn cho ông. Có lẽ trời thương nên bác có thai tự nhiên và sinh được con trai theo đúng mong mỏi của ông nội.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi đã có đủ cháu trai, ông tôi mới thôi việc “giao chỉ tiêu” cho các con. Nhưng tôi thấy, ông tôi vẫn có phần quý các cháu trai hơn. Trong bữa ăn, ông thường bắt các chị em gái chúng tôi nhường phần thức ăn lớn hơn một chút cho anh/em trai. Các cháu trai chạy nhảy trong nhà, có thể làm ầm ĩ ông cũng không cảm thấy bị phiền. Em tôi làm vỡ cái lọ quý của ông, ông vẫn cười, nói là con trẻ phải nghịch ngợm, hiếu động mới thông minh. Nhưng với các cháu gái ông lại khác. Cháu gái nào nghịch ngợm là dễ bị ông trách phạt. Ông tôi còn nói con gái thì phải dịu dàng, nhẹ nhàng.

Vì thế, tôi luôn có ý thầm trách ông thiên vị, không thương cháu gái. Tôi còn nghĩ, sau này, việc chăm sóc, báo hiếu ông thì để các anh/em trai của mình lo, còn phận gái chúng tôi chẳng cần có trách nhiệm.

Thế rồi qua thời gian, tôi lớn dần và đã đến lúc bước vào cấp 3. Trường của tôi ở khá xa nhà, bố mẹ tôi tính sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp để đi học. Ông nội biết vậy, liền gọi nhà tôi đến, rồi đưa cho bố tôi một bọc giấy, bên trong có một xấp tiền. Ông bảo đấy là tiền ông cho để bố mẹ mua xe đạp điện cho tôi đi. “Cháu nó là con gái, trường ở xa, bắt cháu đi xe đạp sẽ mệt”. Nhờ có số tiền đó của ông mà tôi đã có được chiếc xe đạp điện. Quả là ngạc nhiên hết sức.

Tối đó, tôi nằm cạnh mẹ, tôi hỏi mẹ ông là người thế nào? Tại sao tôi là cháu gái mà vẫn được ông cho xe đạp điện. Tôi tưởng ông chỉ thương cháu trai thôi chứ. Mẹ tôi nói, ông tôi không phải là người hoàn hảo. Ông lớn lên trong thời phong kiến nên đúng là ông tôi có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ông rất coi trọng các cháu trai và cho rằng cháu trai mới có thể nối dõi tông đường. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, ông nội không phải người ghét bỏ cháu gái. Hồi mẹ tôi đi học nước ngoài, ông là “gà trống” mà vẫn sẵn sàng nhận nuôi và chăm sóc tôi chu đáo thay mẹ. Ông hay nghiêm khắc với cháu gái vì ông muốn uốn nắn để các cháu sau là người giữ lửa của gia đình. Mặc dù trong sinh hoạt hàng ngày, ông cũng hơi có phần thiên vị cháu trai, dễ bỏ qua lỗi của cháu trai hơn nhưng khi các cháu gái có việc, chẳng hạn như việc tôi đi học xa nhà không có tiền mua xe điện, ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ cháu gái.

Mẹ nói với tôi, hãy chấp nhận cả mặt nhược điểm và mặt tốt của ông nội vì đó mới là ông. Tôi là con cháu thì phải luôn hiếu thảo và làm tròn bổn phận của mình. Giống như mẹ, không bao giờ oán trách gì về ông cả.

Sau buổi nói chuyện với mẹ hôm đó, tôi thấy suy nghĩ của mình về ông đã được gỡ bỏ, tinh thần rất thoải mái. Tôi luôn tin rằng, ông vẫn yêu các cháu gái theo cách của riêng ông-một người ông đã hơn 80 năm sống trong nếp nghĩ có phần nghiêng về giới nam.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.