Hội LHPN Đông Anh và những sân chơi tái chế sáng tạo mang tiếng cười cho trẻ em

Chia sẻ

Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 4 sân chơi di động và 30 sân chơi cho trẻ em, đều được làm từ vật liệu tái chế từ những chiếc lốp xe, gỗ, chai nhựa, túi nilon…

Các sân chơi này trở thành “điểm đến” lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh sau những buổi tan trường, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa và xây dựng không gian sống an toàn cho trẻ.

Hiệu quả từ những “sân chơi tái chế”

Ngày 16/3, Hội LHPN huyện Đông Anh đã phối hợp với doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố (Think Playgrounds) và CLB Phụ nữ quốc tế Hà Nội tổ chức khánh thành sân chơi di động cho trẻ em tại khu nhà ở công nhân thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội), gắn với trao công trình phần việc chào mừng Đại hội Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Là sân chơi di động thứ 4 được xây dựng và đưa vào hoạt động tại huyện Đông Anh.

Bàn giao sân chơi di động tại xã Kim NỗBàn giao sân chơi di động tại xã Kim Nỗ.

Đây là mô hình hoạt động nhằm đẩy mạnh và nâng cao vai trò của tổ chức Hội LHPN huyện Đông Anh trong việc hưởng ứng năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, giúp các thế hệ thanh thiếu niên trên địa bàn xã Kim Chung có một địa chỉ vui chơi an toàn, phù hợp với lứa tuổi; góp phần gắn kết cộng đồng dân cư, xây dựng khu dân cư văn hoá, tiến bộ; xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Công trình sân chơi di động gồm: cầu trượt, xích đu, cầu bập bênh, thang dây, cà kheo… với tổng kinh phí thực hiện hơn 25 triệu đồng bằng nguồn xã hội hoá, hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp các em nhỏ có điều kiện rèn luyện bản thân để có sức khoẻ tốt, góp phần tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể lực, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện.

Bà Lê Thị Vân Huyền, Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết, đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực để góp phần xây dựng đô thị văn minh, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Khu vui chơi này được khánh thành và đưa vào sử dụng đáp ứng phần nào mong chờ của các em, các cháu trong khu nhà ở công nhân bấy lâu nay, giúp các em có thêm một địa chỉ vui chơi an toàn, phù hợp với lứa tuổi.

Cùng nhau làm các đồ chơi tại sân chơiCùng nhau làm các đồ chơi tại sân chơi.

Một sân chơi khác mà Hội LHPN huyện Đông Anh cùng doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds phối hợp thực hiện và đưa vào hoạt động ngày 6/3 vừa qua là sân chơi Nỏ thần (toạ lạc tại vườn hoa trung tâm tổ 3, TT Đông Anh). Từ ngày sân chơi Nỏ thần được đưa vào sử dụng, khu vực vườn hoa Trung tâm tổ 3 đông vui nhộn nhịp hẳn lên. Sau mỗi buổi tan trường, các em lại ra vườn hoa Trung tâm để chơi các trò chơi tại đây. Tiếng cười nói, nô đùa của các em, tiếng nhắc nhở con em khi vui chơi của cha mẹ vang vọng cả góc phố.

Sân chơi Nỏ thần lấy ý tưởng thiết kế từ truyền thuyết về chiếc nỏ thần được chế tạo dưới thời An Dương Vương Thục Phán và nhà nước Âu Lạc. Trong đó, hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ cũng như thành Cổ Loa được tái hiện sống động. Các em nhỏ khi nô đùa, leo trèo sẽ va chạm vào “móng thần” trên “nỏ thần”, qua đó gợi nhớ về tích xưa chuyện cũ. Với các nguyên vật liệu thân thiện như gỗ, lốp xe tái sử dụng… sân chơi mang đến cho thanh thiếu niên một không gian vui chơi lành mạnh, thân thiện với môi trường, đặc biệt có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”. Tuy nhiên, để đưa sân chơi Nỏ thần vào hoạt động, chính quyền, trong đó có Hội LHPN huyện đã phải tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với người dân nhằm lấy ý kiến góp ý cho việc xây dựng. Công trình này cũng có sự đóng góp kinh phí từ phía cộng đồng và bàn giao cho cộng đồng quản lý sau khi khai trương.

Để trẻ em có cuộc sống vui hơn

Chị Nguyễn Huệ Phương, quản lý dự án doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds cho biết, 4 sân chơi di động được thực hiện tại 4 xã có đông người dân lao động nhập cư gồm Kim Chung, Võ La, Hải Bối, Kim Nỗ nằm trong dự án “Thúc đẩy mô hình sân chơi phiêu lưu di động nhằm góp phần phát triển toàn diện cho trẻ em nhập cư tại Đông Anh”. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cho phụ nữ nhập cư để cùng kiến tạo không gian chơi phiêu lưu di động cho trẻ em; đồng thời thúc đẩy mô hình sân chơi phiêu lưu di động có sự tham gia của cộng đồng tại khu vực Đông Anh.

Trẻ em chơi các trò chơi dân gian tại sân chơi di độngTrẻ em chơi các trò chơi dân gian tại sân chơi di động.

Sau 6 tháng, dự án đã tổ chức tập huấn cho 33 phụ nữ nòng cốt, 4 sự kiện thử nghiệm thu hút gần 800 trẻ em và gần 50 phụ nữ và thanh niên hỗ trợ tổ chức sân chơi di động tham gia. Các em đã được tham gia các hoạt động vui chơi sáng tạo: các trò chơi dân gian, các trò chơi sáng tạo, nghệ thuật… với các thiết bị chơi di động như leo trèo, bập bênh, vịt lốp, nhún lốp, cà kheo… được làm từ các vật liệu tái chế như gỗ, thùng cac-ton, dây thừng, sỏi…

Em Hà Hoàng Dương, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Kim Chung rất phấn khởi và sung sướng khi có một sân chơi ngay gần nhà. “Các trò chơi dân gian ở đây khiến chúng em rất tò mò và thu hút. Đây không chỉ là những trò chơi mà còn là di sản văn hoá quý báu của dân tộc, mang lại cho thế giới tuổi thơ của em nhiều điều lý thú” – Dương hào hứng nói.

Là đơn vị được sử dụng dự án sân chơi di động cho trẻ em, bà Lê Thanh Thuỷ, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Bối chia sẻ, sân chơi di động có ưu điểm là các thiết bị vui chơi ở sân chơi thân thiện, dễ chơi, phù hợp với nhiều lứa tuổi; dễ sửa chữa, thay mới, tổ chức vui chơi không cầu kỳ. “Để thực hiện, Hội LHPN Hải Bối là đơn vị thường trực nội dung này, đồng thời phối hợp với đoàn thành niên và đoàn thể khác để tổ chức thực hiện, giúp trẻ vui chơi. Mặc dù chúng tôi tiếp nhận sân chơi vào tháng 10/2020, mới được thử nghiệm 2-3 lần nhưng người dân, trẻ em trên địa bàn xã rất thích thú và thấy được tính thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa của nó” – chị Thuỷ nói.

Hội LHPN Đông Anh và những sân chơi tái chế sáng tạo mang tiếng cười cho trẻ em - ảnh 4

Bà Ngô Thị Thuý Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết: Đông Anh là huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, có khu công nghiệp Bắc Thăng Long thu hút lao động nhập cư đến sinh sống và làm việc ngày càng đông, tác động đến đời sống của người dân trên địa bàn.

Chính vì vậy, bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện uỷ, UBND huyện, Hội LHPN huyện đã chủ động tham mưu, xây dựng các kế hoạch, chương trình trọng tâm đăng ký thực hiện hàng năm với các nội dung liên quan tới phụ nữ, trẻ em nhằm bảo vệ an ninh xã hội trên địa bàn bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.

Hội LHPN huyện phối hợp với chính quyền địa phương, các đối tác, nhà tài trợ như doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds khảo sát, lên kế hoạch và lấy ý kiến cộng đồng; xây dựng, thiết kế và lắp đặt các sân chơi cho trẻ em. Cùng với việc học tập, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh là nhu cầu không thể thiếu cho trẻ em. Các sân chơi được lắp đặt tại các nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng được các em hào hứng tham gia…“Các sân chơi di động nói riêng và sân chơi cho trẻ em nói chung được triển khai ở Đông Anh được làm từ những vật liệu tái chế, nguyên liệu là những chiếc lốp xe, gỗ, chai nhựa… Từ những vật dụng này, đã tạo được những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh sau những buổi tan trường, từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa...

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.