Trời không chịu đất

Chia sẻ

Bố mẹ hãy cứ là những người bình thường, sẵn sàng học hỏi nếu một lĩnh vực nào đó con giỏi hơn mình. Những lúc ngồi cạnh, nghe con hướng dẫn mình cách làm slide, sử dụng powerpoint, cách chụp ảnh trên điện thoại sao cho đẹp hơn, cách dựng clip… tôi thấy hai mẹ con thật sự gần gũi.

Từ khi con bước vào tuổi 15, một số người bạn khuyến cáo tôi hãy tận dụng quãng thời gian đẹp đẽ này giữa hai mẹ con. Chỉ ít năm nữa thôi, con tôi sẽ không còn là đứa trẻ ngoan ngoãn, dễ bảo, thích quấn quýt với tôi nữa.

Tôi nghe vậy cũng thấy hoang mang. Là mẹ, tôi không muốn bị gạt ra ngoài cuộc sống của con. Tôi rất sợ khi có chuyện gì không hay xảy ra với con, tôi luôn là người biết tin sau cùng, chẳng khác gì một người hàng xóm xa lạ. Tôi là người mang nặng đẻ đau con gái, tất nhiên luôn yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho con vô điều kiện. Tôi không đáng để bị đối xử như vậy.

Vì thế tôi đã luôn tự nhủ với bản thân, phải luôn mở lòng, gần gũi, tạo sự tin tưởng để con sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, khó khăn, cả những lo toan con trẻ với mình.

Nhưng, từ mong muốn đến thực tế lại là một khoảng cách. Khi còn nhỏ, con tôi thực sự rất dễ hiểu, chẳng cần hỏi cũng luôn sẵn sàng tâm sự với mẹ. Tôi đã quen với việc mỗi ngày, trong bữa cơm, con kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện, từ chuyện ở trường, chuyện trong một bộ phim con yêu thích, cả chuyện vu vơ con bắt gặp trên đường về nhà từ trường… Cho đến khi con bước vào cấp 3, quả nhiên, con dần thay tính, đổi nết. Con có vẻ muốn tách ra khỏi tôi. Trong bữa cơm, con không còn chủ động kể chuyện nữa. Kể cả khi tôi có hỏi trước thì câu trả lời của con cũng miễn cưỡng, chung chung, chẳng mang nhiều thông tin kiểu như: “Con bình thường”, “Hôm nay chẳng có gì đặc biệt”… và hết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi con còn bé, con rất thích được cùng tôi đi các nơi, thích thú khi tôi chọn mua cho con bộ quần mới. Dần dần, con không muốn đi cùng tôi nữa. Quần áo tôi mua về, con cũng không hào hứng đón nhận, nói là không hợp gu. Trong khi đó, quần áo con tự mua, tôi lại luôn thấy không vừa mắt.

Có lẽ sự khác biệt thế hệ khiến hai mẹ con tôi dần xa nhau. Chúng tôi vẫn ở trong cùng một nhà, vẫn đợi nhau ăn cơm, cùng nhau xem hết một bộ phim truyện. Nhưng những cuộc trò chuyện, chia sẻ giữa mẹ và con gái thì ít dần.

Tôi tìm hiểu qua sách vở, những người bạn đã có con đi qua tuổi “mới lớn” thì thấy, bọn trẻ lúc này có mong muốn được làm theo ý thích của bản thân. Chúng không muốn phải nghe lời “uốn nắn”, “chỉ bảo” của bố mẹ vì luôn tự tin nghĩ rằng mình đã đủ chín chắn, có thể tự đưa ra quyết định đúng đắn.

Những kiến thức đó giúp tôi nhận ra, mình cần thay đổi chiến thuật tiếp cận con. Thay cho những lời giáo huấn, tôi làm ngược lại, coi như con đã lớn thật và tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ từ con khi cần. Một khi “đất không chịu trời” thì trời đành phải xà xuống với đất”, còn hơn là để đất cứ ở xa trời.

Con tôi, như nhiều đứa trẻ khác, rất nhanh nhạy với công nghệ, mạng xã hội. Con có facebook, tài khoản instagram… nhưng không cho tôi biết tên tài khoản có lẽ vì sợ “làm bạn với mẹ sẽ phức tạp”. Lần đó, tôi vờ như đang cần liên lạc với một đối tác qua instagram nên nhờ con hướng dẫn cách mở tài khoản. Con gái được mẹ nhờ tỏ ra hào hứng hẳn. Con còn dùng cả tài khoản instagram của mình để hướng dẫn cho tôi cách dùng.

Tôi nhận thấy, với một đứa trẻ đang lớn, không phải bố mẹ lúc nào cũng phải cố gắng tỏ ra hoàn hảo, luôn là tấm gương của con. Bố mẹ hãy cứ là những người bình thường, sẵn sàng học hỏi nếu một lĩnh vực nào đó con giỏi hơn mình. Những lúc ngồi cạnh, nghe con hướng dẫn mình cách làm slide, sử dụng powerpoint, cách chụp ảnh trên điện thoại sao cho đẹp hơn, cách dựng clip… tôi thấy hai mẹ con thật sự gần gũi. Tôi cũng thấy con mình “không đến nỗi quá tệ”, có thể điểm số các môn học của con chưa cao, nhưng, con vẫn có những điểm mạnh nhất định.

Để có thể sống “hòa bình”với con tuổi đang lớn, đôi khi, bố mẹ cũng cần phải hiểu và nhượng bộ con một chút. Như lần con muốn tôi đưa con đến chợ quần áo cũ để sắm đồ, ban đầu tôi đã định phản đối. Thú thực, tôi không thích mặc quần áo cũ và nhà tôi chưa nghèo tới mức không có đủ tiền để mua quần áo mới cho con. Nhưng rồi, tôi nghĩ, mình có cấm cũng không được, con sẽ tìm cách nào đó để có tiền tự mua quần áo. Biết đâu, đó lại là cách bất minh thì sao. Chi bằng, tôi chấp thuận và cùng đi mua đồ với con. Đến chợ quần áo cũ, tôi thấy có nhiều đứa trẻ chạc tuổi con tôi cũng đang đi sắm quần áo. Thì ra, đây là trào lưu của bọn trẻ, chứ không hẳn chúng đều thiếu tiền mua quần áo mới. Thôi thì con thích, tôi sẽ đồng ý với con, vì việc này cũng không xấu. Ngược lại, tôi thấy con vui và gắn bó với tôi hơn. Cháu nghĩ rằng mẹ cũng không đến nỗi cứng nhắc và cũng không quá xa rời tuổi mới lớn của chúng.

Cứ như vậy, từng bước một, tôi tiếp cận cảm xúc, suy nghĩ của con gái.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.