Bà ngoại khởi nghiệp

Chia sẻ

Bà chỉ biết làm sữa đậu nành nhưng chính những chai sữa nhỏ bé ấy đã giúp bà không bị đói. Cháu trẻ khỏe, lại sáng tạo, nhanh nhạy, giỏi giang hơn bà, lẽ nào không thể thành công...

78 tuổi, bà ngoại bỗng nhiên nói muốn… khởi nghiệp khiến cả nhà đều ngỡ ngàng. Trong số các thành viên trong nhà, bà ngoại chọn đứa cháu ngoại đang thất nghiệp làm cộng sự của bà.

Bà nói: Hai bà cháu mình cùng khởi nghiệp. Bà góp vốn, còn cháu góp sức lực. Lãi cùng chia, lỗ cùng hưởng. Bà chỉ yêu cầu cháu chăm chỉ, kiên trì, không được nản chí. Cháu thấy sao?

Tất nhiên là tiền của bà bỏ ra nên… có thể hiểu là lỗ thực ra là bà chịu tất. Cháu ngoại chẳng mất gì cả, việc làm thì chưa có nên vô tư đi, sao phải từ chối ạ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế là cháu với bà quyết tâm hiện thực hóa khẩu hiệu “làm giàu không khó”. Hình thức khởi nghiệp mà bà ngoại chọn là làm sữa đậu nành bán. Bà bảo bà thấy giới trẻ bây giờ hay uống mấy thứ đồ linh tinh, nghe thì sang nhưng toàn là hóa chất. Bà muốn làm sữa đậu nành vừa rẻ, vừa bổ, bán cho mấy cháu nhân viên công sở làm ở mấy công ty quanh nhà.

Ngày trước, cũng nhờ gánh sữa đậu nành thơm ngon, béo ngậy bán ở trước cổng trường học mà bà ngoại có đủ tiền để nuôi đàn con khôn lớn. Sau đó, khi các con trưởng thành thì bà mới bỏ bán hàng.

Giờ, bà lại trở lại với “nghề xưa” nên xem ra không có gì là khó khăn. Chỉ có điều, bà rất cầu kỳ, tìm đặt nguyên liệu làm sữa từ quê do mấy người trong họ trồng. Bà bảo làm thế để đảm bảo chất lượng từ đầu vào đến đầu ra. Mấy chị em công sở gần đó uống thử, tấm tắc khen sữa bà ngon mà lại an tâm là lành sạch. Ai đến cũng thích thú vì có cụ bà móm mém, tận tay mang sữa từ nhà ra cho khách, còn hết lời cảm ơn, mong khách góp ý cho để bà làm sữa ngon hơn.

Sau vài tháng đầu khởi nghiệp, sữa “cô gái bà ngoại” đã đem lại cho hai bà cháu một khoản lãi nho nhỏ. Cháu phấn khởi quá, giục bà làm thêm để tăng lợi nhuận. Nhưng bà bảo không được, phải làm cho tử tế vì nó liên quan đến sức khỏe con người. Bà làm được đến đâu thì làm, chứ không vì tiền mà chạy theo lợi nhuận. Không thể vì bán được nhiều mà làm kiểu ồ ạt, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, pha chế không chất lượng.

Cứ thế, quán sữa tại gia của bà tiếp tục hút khách. Cháu ngoại thấy vậy cũng phấn khởi, nghĩ rằng biết đâu đây sẽ là cơ hội khởi nghiệp cho cả mình. Cháu liền bàn với bà mở một kênh bán hàng online. Sau đó, bà và cháu sẽ cùng làm sữa. Thay cho việc bán hàng tại nhà, cháu sẽ chuyển sữa đi các nơi. Cháu cũng lên mạng, tìm kiếm các loại máy móc để có thể hỗ trợ bà giảm sức lao động, nhưng chất lượng sữa vẫn đảm bảo.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đến lượt bà ngoại quay sang ủng hộ ý tưởng của cháu. Thì ra, thấy cháu thất nghiệp, cứ nằm dài ở nhà mà bà sốt ruột. Bà chẳng giúp được gì nhiều cho cháu, đành nghĩ sẽ lấy bản thân mình để giúp cháu có thêm động lực khởi nghiệp. Thay vì cứ tìm kiếm cơ hội đẩu đâu, tại sao không bắt đầu từ những thế mạnh của bản thân. Bà chỉ biết làm sữa đậu nành nhưng chính những chai sữa nhỏ bé ấy đã giúp bà không bị đói. Cháu trẻ khỏe, lại sáng tạo, nhanh nhạy, giỏi giang hơn bà, lẽ nào không thể thành công.

Nghe bà nói vậy, tự nhiên cháu thấy mình thật nhỏ bé. Ở tuổi 78, bà còn không sợ thất bại, thì tại sao một đứa cháu mới ngoài 20 tuổi, lại không thể tự sống bằng sức lao động của mình.

Cháu vội ôm lấy bà: “Cảm ơn bà nhiều. Nhất định, cháu sẽ phát triển quán sữa của bà”.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.