Cảm xúc ngày con đi lấy chồng

Chia sẻ

Thương yêu sâu nặng và chăm lo cho con gái không ai bằng mẹ. Nuôi con từ thuở còn tượng hình là bào thai trong bụng, khi nằm nôi cho đến lúc trưởng thành, mẹ phải trải qua thật nhiều khó nhọc, đớn đau và lòng mẹ có không biết bao nhiêu nỗi niềm, cảm xúc.

Biết rằng nụ phải thành hoa
Quả rồi chín ngọt người ta vin cành
Biết con vào chốn no, lành
Mà sao nước mắt viền quanh nụ cười
Có gì như thuở xa xôi
Bờ vai suối tóc, làn môi cánh hồng.
Gót son ngày bước theo chồng
Cũng hoa trắng muốt, cũng nồng nàn duyên
Mừng con gặp cửa phúc, hiền
Mà sao lòng mẹ chao thuyền, gió xô
Sông ra biển, sóng dại khờ
Xin vòng tay của đôi bờ chớ buông
Con đi về phía yêu thương
Mẹ ngồi lại với đoạn đường ngày qua
Đoạn đường vỡ hạt mưa sa
Ngày trăng con khóc oa oa chào đời
Vừa đưa cánh võng ru hời
Thoắt thôi, con đã thành người nhà ai
Lặng buồn mẹ nghĩ từ mai
Tiếng con líu ríu bên tai vắng rồi
Nấu cơm vơi một phần nồi
Dọn mâm hụt bát, ghế ngồi thừa ra
Có đâu lúc mẹ về nhà
Sau lời gọi cửa con ra đỡ đần...
Thôi thì hoa đúng độ xuân
Mẹ mong hạnh phúc ngàn lần cho con!
                                         Nguyễn Thị Mai

Cảm xúc ngày con đi lấy chồng - ảnh 1

Thương yêu sâu nặng và chăm lo cho con gái không ai bằng mẹ. Nuôi con từ thuở còn tượng hình là bào thai trong bụng, khi nằm nôi cho đến lúc trưởng thành, mẹ phải trải qua thật nhiều khó nhọc, đớn đau và lòng mẹ có không biết bao nhiêu nỗi niềm, cảm xúc. Nhưng có lẽ ngổn ngang trăm mối nhất, thương lo nhiều nhất cho con chính là thời điểm con gái sắp về nhà chồng. Là người mẹ của hai con gái, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã nói thật đúng và rất hay về điều đó qua bài “Lòng mẹ ngày con đi lấy chồng”. Bài thơ thiên về hướng nội, chủ thể trữ tình - người mẹ tự nói với lòng, tự an ủi mình trước sự kiện trọng đại của gia đình: con gái sắp về nhà chồng. Mở đầu là hai câu thơ đúc rút những vấn đề quy luật của cuộc sống: “Biết rằng nụ phải thành hoa/ Quả rồi chín ngọt người ta vin cành”. Lời thơ rất hàm súc qua liên tiếp những hình ảnh ẩn dụ, tác giả giới thiệu thật tinh tế con gái mình vừa bước vào tuổi thanh xuân – lứa tuổi đẹp nhất của đời người như quả “chín ngọt”, “người ta vin cành” hỏi cưới.

Chỉ còn đêm nay, ngày mai thôi là con về nhà chồng. Dẫu biết nơi con về là “chốn no, lành” nhưng tâm trạng mẹ vẫn buồn vui muôn nỗi. Điều này được diễn tả thật khéo qua thể thơ lục bát ở toàn bài, nhất là câu thơ “Mà sao nước mắt viền quanh nụ cười”. Mẹ mừng vui vì con đã có người thương yêu, sắp sửa có nơi có chốn. Nhưng với tình yêu dạt dào, lòng mẹ vẫn thương lo. Cảnh con sắp bước vào nhà khác đã khơi lại miền ký ức trong mẹ những năm tháng tuổi hoa niên trước đây: “Có gì như thuở xa xôi/ Bờ vai suối tóc, làn môi cánh hồng/ Gót son ngày bước theo chồng/ cũng hoa trắng muốt, cũng nồng nàn duyên”. Mai con về nhà chồng, lòng mẹ vui bởi gia đình bên đó ăn ở phúc đức, hiền lành. Đấy là điều quan trọng nhất: “Mừng con gặp cửa phúc, hiền/ Mà sao lòng mẹ chao thuyền, gió xô/ Sông ra biển, sóng dại khờ/ Xin vòng tay của đôi bờ chớ buông”. Đủ tuổi dựng xây gia đình riêng nhưng với mẹ, con gái vẫn như con “sóng nhỏ dại khờ”, mẹ mong gia đình chồng yêu thương con như ông bà xưa từng nói “khôn dạy ít, dại dạy nhiều” để con có được hạnh phúc bền lâu. Đời người con gái hơn nhau là ở tấm chồng. Tác giả đã rất tinh tế, tài hoa khi diễn đạt ý thơ con đi lấy chồng là “Con đi về phía yêu thương” hay ở phần trên là “vào chốn no, lành” và “con gặp cửa phúc, hiền” vừa thể hiện niềm tin vừa ngợi ca thật tế nhị bản chất tốt đẹp của gia đình thông gia. Chỉ qua đêm nay nữa thôi, ngày mai là con gái về nhà chồng, giờ đây “Mẹ ngồi lại với đoạn đường ngày qua”. Thời gian trôi đi sao nhanh quá. Mới ngày nào con“khóc oa oa chào đời”, ngày nào con hãy còn bé bỏng được mẹ chăm sóc vậy mà “Vừa đưa cánh võng ru hời/ Thoắt thôi, con đã thành người nhà ai”.

Nghệ thuật phóng đại cùng với kiểu câu diễn đạt vừa – thoắt càng nhấn mạnh thêm sự chảy trôi rất nhanh của đời người. Xuất phát từ lòng yêu thương con gái thiết tha, nên “Lặng buồn mẹ nghĩ từ mai/ Tiếng con líu ríu bên tai vắng rồi/ Nấu cơm vơi một phần nồi/ Dọn mâm hụt bát, ghế ngồi thừa ra/ Có đâu lúc mẹ về nhà/ Sau lời gọi cửa con ra đỡ đần...”. Nghệ thuật liệt kê rất khéo ở phần này như nhân lên nỗi buồn trống trải của căn nhà cũng như của lòng mẹ khi con gái về nhà chồng. Bài thơ có buồn nhưng không bi lụy bởi người mẹ hiểu rằng: “Thôi thì hoa đúng độ xuân/ Mẹ mong hạnh phúc ngàn lần cho con!”. Câu kết thật đắt giá bởi hạnh phúc của con là lẽ sống, là mong ước của đời mẹ. Bài thơ thêm một lần nữa cho thấy: Thế giới này rộng lớn vô cùng nhưng mẹ luôn là người thương yêu, lo lắng, che chở, hy sinh cho con nhiều nhất.

NGUYỄN THỊ THIỆN (THÁI DŨNG)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.