Khúc Thủy - Khê Tang và những bí ẩn về Hưng Đạo Đại Vương

Chia sẻ

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hay Đức Thánh Trần có nhiều tượng đài và chùa - đình đền thờ Ngài trên khắp cả nước. Nhưng ít ai biết, ngay tại Hà thành, ở làng Khê Tang, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội cũng có tượng đài của Ngài và hai ngôi đình thờ Ngài. Ở chùa Khúc Thủy cũng thuộc Cự Khê, Thanh Oai có thờ tượng Ngài và thờ tượng vua Lý Công Uẩn.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và vua Lý Công Uẩn là hai trong số 14 vị anh hùng dân tộc. Với cơ duyên riêng, cả hai vị anh hùng - danh nhân văn hóa Việt Nam Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đều được dựng tượng và thờ tại chùa Khúc Thủy, làng Khúc Thủy (trước đây được gọi là Trang Khúc Thủy với những dinh thự nguy nga của các bậc anh tài, danh gia vọng tộc) thuộc Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội.

Cũng tại nơi đây đã lưu lại những câu chuyện đặc biệt, gói ghém bí ẩn tuổi thơ Trần Quốc Tuấn, người được giới sử gia thế giới tôn vinh là một trong 100 vị danh tướng thế giới. Có nhiều tài liệu cho biết: Từ khi nằm trong thai mẹ đã có nhiều câu chuyện ly kỳ về ông bởi mẹ ông nằm mơ thấy một em bé áo xanh (Thanh Thiên Đồng Tử) tới xin làm con; khi sinh ra có vị đạo sư tới xin xem tướng và phán rằng ông sẽ là người giúp nước cứu đời, làm sáng sủa non sông. Nghe vậy, Trần Liễu, cha của Trần Quốc Tuấn, với mong ước con mình sẽ làm nên nghiệp lớn đã sớm tầm sư cho con học đạo, luôn tìm những người thầy giỏi nhất dạy dỗ Trần Quốc Tuấn.

Tượng Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.Tượng Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đây có thể là một trong những lý do để Trần Quốc Tuấn từ khi còn nhỏ đã được gửi tới chùa Trì Long, một ngôi chùa danh tiếng bậc nhất với các vị danh sư nổi tiếng thời đó trụ trì để học tập và rèn luyện. Rất nhiều tài liệu cho biết, từ năm 7 tuổi Trần Quốc Tuấn đã được cô ruột là công chúa Thụy Bảo (còn gọi là Thụy Bà hay Đoan Bà) thay mặt anh trai là Trần Liễu đưa tới Trang Khúc Thủy, vào chùa Trì Long (chùa còn có tên khác là chùa Khúc Thủy, chùa Thắng Nghiêm) để nhờ vị Thiền Sư họ Lý, Pháp hiệu Đạo Huyền, trụ trì chùa dạy dỗ, rèn cặp. Trên trang thông tin về chùa Khúc Thủy cho biết về lịch sử hình thành chùa có đoạn nói về tuổi thơ Trần Quốc Tuấn: “Thiền Sư Đạo Huyền là vị danh Tăng tinh thông Tam Tạng, Giới Đức trang nghiêm, uy tín bậc nhất thời đó. Thiền Sư nhìn Trần Quốc Tuấn mỉm cười mà bảo rằng: “Thật đúng là duyên mệnh mà Phật Trời đã định sẵn” rồi ông truyền dạy cho Trần Quốc Tuấn Tam Tạng Thánh Điển, pháp thuật bí truyền. Với trí tuệ siêu phàm, chẳng bao lâu Quốc Tuấn đã tinh thông giáo pháp, văn võ kỳ tài, không ai có thể sánh kịp”.

Trần Quốc Tuấn đã ở lại Trang Khúc Thủy và chùa Trì Long tới năm 21 tuổi thì được đích danh chú ruột, tức Vua Trần Cảnh - Trần Thái Tông đón về. Cũng tài liệu trên cho biết: “Vua cùng đoàn tùy tùng sa giá tới Trang Khúc Thủy, chùa Trì Long cảm tạ ơn dưỡng dục của Thiền Sư Đạo Huyền và thỉnh Thiền Sư cùng đón Trần Quốc Tuấn hồi cung. Vua thấy Quốc Tuấn tướng mạo phi thường, tài trí vẹn toàn, xứng danh là bậc kỳ tài trong thiên hạ, liền phong làm tướng trấn giữ biên ải phương Bắc”.

Còn tại Khê Tang, làng liền kề làng Khúc Thủy, trong bia dựng tại Đình Khê Tang có đoạn trích từ “Thần phả” của Đình cho biết: “Năm 1285, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã về xã Cự Khê, nơi ông được chở che thời thơ ấu để kêu gọi trai tráng vùng Ứng Thiên tòng quân đánh giặc Nguyên Mông đang tràn vào xâm lược Đại Việt. Các bậc cao niên ủng hộ, Khê Tang có 271 thanh niên hăng hái nhập ngũ, rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ, thích trên tay hai chữ “Sát Thát”. Sau khi thắng giặc Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã trở lại mảnh đất này để tổ chức khen thưởng tướng sĩ và khao làng, khao xã. Từ đó nhân dân trong vùng lập đền thờ ông cùng một vị tướng nổi danh thời đó cũng từng sinh sống ở đây là tướng Trần Thông.

Điều kỳ lạ là có nhiều truyền thuyết về sự ra đời của Trần Quốc Tuấn nhưng tại Đền Vạn Kiếp cũng như tại Khê Tang đều có thế đất hình Nam Tào - Bắc Đẩu chầu vào khu thờ chính Trần Hưng Đạo và cả hai nơi nhân dân đều lập đền thờ nhị vị tiên ông.

Tại Khê Tang, hằng năm nhân dân tổ chức lễ hội linh đình để nhớ ơn hai vị anh hùng dân tộc, tiếp nối hào khí cha ông và khao làng, khao xã. Chia sẻ với chúng tôi, cụ Nguyễn Long, cụ từ của Đình Khê Tang cho biết: “Cứ vào năm chẵn, hai năm một lần, vào Rằm tháng 2 âm lịch chúng tôi làm lễ hội lớn cả tổng cả xã. Năm nay vừa là năm lẻ, lại gặp Đại dịch Covid- 19 nên chúng tôi tổ chức trong khuôn khổ hai thôn có đình thờ các Ngài là: đình Thượng và đình Hạ nhưng vẫn đầy đủ các phần lễ chính thức”.

ĐÔNG ÂM

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.