Rối loạn tâm thần học đường ở trẻ vị thành niên

Chia sẻ

Căng thẳng học tập, thiếu sự hỗ trợ; môi trường học đường bất ổn; gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm; sự thay đổi tâm lý, dậy thì trong giai đoạn học đường; thiếu phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và trường học... là những yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên.

Rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em được coi là sự chậm trễ hoặc gián đoạn trong việc phát triển tư duy, hành vi, kỹ năng xã hội hoặc điều chỉnh cảm xúc phù hợp với lứa tuổi. Đặc điểm rối loạn tâm thần học đường thường gặp gồm rối loạn lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 20% trẻ em và thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi động ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tàn tật ở trẻ thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19.

Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây nhất cũng cho thấy: Tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần giao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, ADHD chiếm 14,1%; Rối loạn cảm xúc là 11,5%; Rối loạn ứng xử là 9,2%. 5% trong 10.000 người nghiện có hồ sơ quản lý là trẻ dưới 18 tuổi (50% là trẻ dưới 16 tuổi).

Ngoài ra, tỷ lệ trẻ rối loạn tâm thần ở các đô thị lớn có xu hướng cao hơn các tỉnh, thành khác. Trẻ nữ có tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Tỷ lệ trẻ gặp tình trạng rối loạn khi sống trong gia đình có mâu thuẫn cao hơn so với các trẻ trong gia đình có sự hòa hợp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm 2019, bệnh viện Nhi Trung ương có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ trầm cảm có mức độ khác nhau: ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.

Thực tế, quá trình học tập của trẻ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: chỉ số trí tuệ của bản thân trẻ, sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường… Riêng trẻ vị thành niên còn chịu các tác động khác đặc thù do sự thay đổi tâm sinh lý diễn ra trong giai đoạn này. Tác động này như sau:

Tính dễ bị ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Nếu nhóm bạn của trẻ là những người mong muốn có kết quả học tốt, trẻ sẽ tích cực học cùng các bạn và ngược lại.

Tính độc lập, các vấn đề liên quan đến trẻ nên để trẻ được thảo luận. Ví dụ, học ở trường nào, học thêm như thế nào? Thầy cô nào dạy, thời gian học? Nếu trẻ không đồng tình quan điểm sẽ trễ nải trong việc học, thậm chí chống đối, bỏ học, làm giảm kết quả học tập.

Trẻ càng lớn càng có xu hướng mở rộng các mối quan hệ bạn bè, giao lưu nên sẽ “tốn” thêm thời gian cho các hoạt động này. Tuy vậy gia đình cũng không nên ngăn cấm mà nên cùng trẻ xây dựng kế hoạch học tập kết hợp với thư giãn một cách hợp lý.

Bước vào tuổi vị thành niên, trẻ bắt đầu để ý đến ngoại hình bản thân. Trẻ sẽ phần nào bị “phân tán” tư tưởng cho những hoạt động làm đẹp như cắt tóc, mua sắm quần áo, ngắm nghía bản thân trước gương… hoặc thậm chí không tập trung học được khi cho rằng cơ thể mình không đẹp, bị bạn bè chê cười.

Thời gian qua, bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận, điều trị cho không ít trẻ vị thành niên mắc rối loạn tâm lý. Nhiều trẻ nhập viện với biểu hiện trầm cảm, phản ứng lại việc học, không hợp tác với cha mẹ, thậm chí có trẻ từng có ý định tự sát...
Đáng nói, không ít cha mẹ do nhìn nhận sai về bệnh tâm thần, coi những biến đổi tâm lý của trẻ em là do lứa tuổi, né tránh việc con mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hoặc cho rằng con mình không có vấn đề gì nghiêm trọng… khiến các em không được khám sớm và đúng chuyên khoa. Đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng mới can thiệp thì quá muộn.

Thực tế, khi làm việc với các em, bác sĩ nhận ra rất nhiều điều bất ổn như stress, sang chấn tâm lý từ môi trường học tập và cuộc sống gia đình của trẻ. Bởi vậy, khi trẻ bước vào lứa tuổi vị thành niên đòi hỏi sự quan tâm sát sao của phụ huynh. Đồng thời, phụ huynh cần đặt mình vào vị trí của trẻ, không áp đặt tâm lý người lớn lên trẻ em. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời là cách giúp các em vượt qua những rối loạn tâm lý tuổi vị thành niên.

TS.BS ĐỖ MINH LOAN 
Khoa Sức khỏe Vị thành niên, bệnh viện Nhi Trung ương

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.