Đang khỏe mạnh bỗng dưng phát hiện ung thư máu cấp tính

Chia sẻ

Ung thư máu cấp tính (còn gọi là Lơ-xê-mi cấp) đặc trưng là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương, lan tràn ra máu ngoại vi và tích lũy trong các cơ quan khác.

Những tế bào bất thường này không thể chống lại nhiễm trùng và làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bình thường của tủy xương. Vì thế, không ít trường hợp sức khỏe đang bình thường, bỗng dưng thấy cơ thể có biểu hiện xanh xao, mệt mỏi, sút cân, thậm chí bị sốt, nổi hạch… đi khám lại phát hiện mắc ung thư máu cấp tính.

Ai có nguy cơ mắc ung thư máu cấp tính?

Mặc dù hiện nay các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân gây ra ung thư máu cấp tính, tuy nhiên họ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: Tiếp xúc với tia xạ; Tiếp xúc nhiều lần với một số hóa chất (ví dụ: benzen…); Nhiễm virus HTLV1, HTLV2; Sau hóa trị, sau các bệnh rối loạn sinh tủy/tăng sinh tủy ác tính; Người mắc bệnh di truyền như hội chứng Down…

Triệu chứng ban đầu của bệnh như thế nào?

Tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu, bệnh nhân sẽ có triệu chứng khác nhau. Nhưng ung thư máu cấp tính thường có biểu hiện rầm rộ hơn với những triệu chứng như: Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm; Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi; Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương; Xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm…

Khác với những bệnh ung thư khác như ung thư vú, ung thư tuyến giáp… ở người khỏe mạnh bình thường, ung thư máu rất khó sàng lọc. Với thể ung thư máu cấp tính, diễn biến bệnh thường rất nhanh, có thể 1-2 tháng, thậm chí 1-2 tuần trước đó bệnh nhân mới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu. Đến thời điểm bệnh nhân không thể chịu được, đi khám thì mới phát hiện bệnh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ung thư máu cấp tính có thể dự phòng không?

Nguyên nhân của bệnh ung thư máu cấp tính vẫn chưa rõ ràng, nên không có cách nào ngăn chặn triệt để bệnh phát sinh. Dù khó chủ động phát hiện sớm nhưng chúng ta có thể phòng, tránh nguy cơ gây bệnh bằng cách khám sức khỏe thường xuyên, có lối sống lành mạnh, ăn uống, vệ sinh cá nhân tốt, tránh tiếp xúc với các dung môi, hóa chất và tia xạ nói chung.

Nếu bạn nghĩ rằng mình có dấu hiệu của bệnh ung thư máu cấp tính, nhận thức được các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh, khi đó việc đi khám làm xét nghiệm kiểm tra là rất quan trọng để được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị sớm.

Hiến máu cũng là một cách tốt để giúp sàng lọc, tầm soát ung thư máu, vì người hiến có thể sử dụng gói khám sức khỏe để làm xét nghiệm sàng lọc, nhờ đó giúp phát hiện ung thư máu sớm. Một vài năm qua, tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, thỉnh thoảng khoa Điều trị Hóa chất tiếp nhận 1 số bệnh nhân được khoa Hiến máu gửi sang. Từ phát hiện ban đầu là bạch cầu tăng cao, sau khi xét nghiệm kỹ đã phát hiện ung thư máu.

Với trường hợp ung thư máu phát hiện muộn, đa số do người bệnh chủ quan, không lắng nghe cơ thể mình. Ví dụ trước đây người bệnh leo lên tầng 5 chưa thấy mệt nhưng giờ lên tầng 3 đã thở hổn hển; song họ chỉ nghĩ đó là câu chuyện tuổi già, sức khỏe không ổn.

Điều trị ung thư máu cấp tính như thế nào?

Phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe của người bệnh và loại ung thư máu cấp tính, bệnh nhân có thể được kết hợp điều trị nhiều phương pháp bao gồm: hóa trị liệu, thuốc miễn dịch điều trị ung thư, thuốc nhắm đích, xạ trị, ghép tế bào gốc và phối hợp với các điều trị hỗ trợ khác như gạn tách tế bào máu, truyền chế phẩm máu, điều trị nhiễm trùng, điều trị rối loạn đông máu… hoặc tham gia vào một số điều trị thử nghiệm lâm sàng nếu có.

Ung thư máu cấp tính thường trải qua nhiều đợt điều trị bao gồm tấn công, củng cố và duy trì. Trong quá trình điều trị tại viện cũng như thời gian ở nhà, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm kiểm tra định kỳ, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, đủ chất dinh dưỡng và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với sự tiến bộ của y học hiện nay, việc điều trị ung thư máu cấp tính đã đạt được nhiều kết quả khả quan, kéo dài đáng kể thời gian, chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

ThS.BS. NGUYỄN QUỐC NHẬT
Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.